Trọng dân, nhân nghĩa là con đường độc đạo dẫn lối đến thành công
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu cho rằng, tư tưởng trọng dân và thực hành nhân nghĩa để yên dân vẫn là con đường độc đạo dẫn lối chúng ta đi đến thành công mới.
Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Thực sự vì con người Hà Nội: Thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Lợi ích hợp pháp của nhân dân là mục tiêu quan trọng của các quyết sách
Yên dân để đảm bảo sự phát triển trường tồn của đất nước
Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Phát biểu góp ý về vấn đề an dân, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu rõ, dù đây là vấn đề cũ nhưng rất cần thiết. Tư tưởng thân dân, gần gũi, yêu thương dân đã có từ lâu dưới thời quân chủ. Đây vẫn là tư tưởng tiến bộ và đã được Nguyễn Trãi vận dụng, nâng lên thành “yêu thương, nuôi dưỡng muôn dân”, “để nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng oán hận, sầu than”.
Kế thừa và phát huy đạo lý nhân nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân là vị trí cao nhất, làm chủ trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng và xã hội. Thực tế đã chứng minh, tin dân và dựa vào dân, biết khơi dậy sự đồng lòng, phát huy ý chí của toàn dân tộc thì cách mạng mới thành công, đảm bảo sự phát triển trường tồn của đất nước. “Tư tưởng trọng dân và thực hành nhân nghĩa để yên dân vẫn là con đường độc đạo dẫn lối chúng ta đi đến những thành công mới” - đại biểu khẳng định.
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường
Theo đại biểu, thời gian qua, công tác dân nguyện tuy đã được chú trọng, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị chưa giải quyết thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý. Tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân vẫn còn diễn ra phức tạp, tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn gia tăng, công tác thẩm tra sơ sài, chưa thu thập chứng cứ hoặc thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận đôi khi thiếu chính xác… gây bức xúc trong nhân dân.
Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, công tác dân nguyện, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là trách nhiệm chính trị của Đảng, của Nhà nước trước nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
"Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo"
Cũng trong sáng 1/6, thực trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, né tránh tiếp tục là vấn đề nóng được các đại biểu phân tích, mổ xẻ. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định), đây là vấn đề có thật trên thực tế.
Đồng tình một phần với ý kiến của các đại biểu Trần Hữu Hậu, Tạ Văn Hạ, Tô Văn Tám đã phát biểu ngày 31/5, nhưng đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất. Vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, cho người bên ngoài... "Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo" - đại biểu nói.
Đại biểu nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.
Với thực tế này, đại biểu đề nghị cần thiết thì “phạt thẻ vàng, ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm”, nghĩa là cần phân loại mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nghiêm trọng để có cách xử khác nhau.
Đại biểu cũng đề nghị tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế và tránh tình trạng đối xử với luật sư không công bằng, không đúng pháp luật. “Cần hoan nghênh các thẩm phán làm đúng, làm đầy đủ và xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhưng cũng cần để luật sư làm hết nghĩa vụ và làm xuất sắc trong môi trường Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật” - đại biểu nêu rõ.
Tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần phải chỉ ra cho được bản chất, nguyên nhân, giải pháp cho thực trạng này. Đại biểu đoàn Cà Mau nêu rõ, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, như vậy là vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.
Bộ phận cán bộ sợ sai, không làm, theo đại biểu Lê Thanh Vân, gồm 3 nhóm. Nhóm 1 là không biết gì nên không làm; nhóm 2 là không có lợi thì không làm; nhóm thứ ba là biết nhưng sợ không làm. Cả 3 nhóm đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật, Nhà nước, nhân dân giao cho. “Rất đáng tiếc các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý. Một người không làm gì mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự” - đại biểu đề nghị.
Đại biểu lấy ví dụ, bác sĩ không cứu người gây hậu quả chết người là phải chịu tội. Vậy một chủ tịch tỉnh không làm gì khiến kinh tế đình trệ, doanh nghiệp và người dân khó khăn thì hậu quả còn lớn hơn nhưng không bị xử lý. Do đó, đại biểu đề nghị xử lý nghiêm khắc những trường hợp như vậy.
Tâm lý không làm thì không sai cản trở nghiêm trọng sự phát triển
Trong phiên thảo luận ngày 31/5, các đại biểu đã tranh luận nhiều về vấn đề cán bộ sợ sai, không dám làm. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những cán bộ sợ sai, không muốn làm, bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Việc này tương tự như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẵn sàng thay người khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả.
Sau đó, nhiều đại biểu đã cùng nêu ý kiến về nguyên nhân, giải pháp cho thực trạng này. Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có giải trình, theo đó cho rằng, tâm lý không làm thì không sai là diễn biến cản trở nghiêm trọng sự phát triển.