Trông đợi gì từ nhiệm kỳ của Tổng thống Biden?
Kỷ nguyên Donald Trump sẽ kết thúc, nhưng sự chia rẽ đảng phái trầm trọng trong chính trị Hoa Kỳ - một sự chia rẽ mà Trump đã khuyến khích và lợi dụng nó - sẽ không chấm dứt khi ông rời đi.
Chính quyền mới sẽ phải đối mặt với những thách thức sâu sắc, và những bất bình không hề nhỏ, khi nó cố gắng thúc đẩy các chính sách mạch lạc trong một quốc gia còn xa mới đoàn kết - Nhận định của Giáo sư Calvin Mackenzie, Đại học Colby, Hoa Kỳ trong bài viết dành riêng cho VietTimes.
Những đặc trưng của chính trị Hoa Kỳ thế kỉ 21 đã được phơi bày trọn vẹn trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Một lần nữa, cuộc đua đã diễn ra gắt gao trên từng bang chiến địa, với chiến thắng vô cùng sít sao và một chính quyền Washington tiếp tục chia rẽ giữa Dân chủ và Cộng hòa.
Hơn 145 triệu người dân Mỹ đã đổ xô đi bầu cử giữa lúc dịch bệnh Covid-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỉ đang hoành hành dữ dội.
Nhưng những nỗ lực đầy nhiệt huyết của họ lại đem đến một kết quả gây bối rối.
Đảng Dân chủ đã giành lại được chiếc ghế Tổng thống trong một chiến thắng sít sao, nhưng Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nhiều người Mỹ đã mệt mỏi với Donald Trump và muốn chối bỏ ông ta, nhưng Trump vẫn nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu.
Còn Tổng thống mới của Hoa Kỳ, Joe Biden, không phải là một gương mặt mới khi đã phục vụ trong hệ thống chính quyền Washington suốt 47 năm qua.
Calvin Mackenzie là Giáo sư Chính trị học tại Đại học Colby, Hoa Kỳ.
Một chính quyền bị chia rẽ tiếp tục tồn tại, với một đảng nắm giữ nội các và đảng còn lại kiểm soát một nhánh của Quốc hội. Biden đã giành được Nhà Trắng nhưng nhiệm vụ dẫn dắt chính quyền đi theo những định hướng chính sách mới sẽ cực kỳ phức tạp bởi thực tế rằng chiến thắng của ông rất mong manh.
Đảng của ông không chiếm đa số trong Thượng viện và những người ủng hộ Donald Trump (người giành 48% phiếu bầu phổ thông) sẽ không tìm thấy lý do chính đáng nào để ủng hộ bất kỳ điều gì mà Tổng thống Biden muốn, y như cách họ phản đối mọi thứ mà Tổng thống Obama đã làm.
Donald Trump không phải là một sự may mắn ngẫu nhiên. Ông Trump kết nối và thường giành được sự ủng hộ nhiệt thành của khoảng một nửa dân số Mỹ. Cuộc bầu cử này không phải là sự chối bỏ Donald Trump và phong cách lãnh đạo của ông ta - như hy vọng của phe Dân chủ.
Đó lại càng không phải là sự khởi đầu của một chương mới quan trọng trong chính trị Hoa Kỳ. Những gì mà cuộc bầu cử 2020 mang lại không có gì khác trước, vẫn là những trận chiến đảng phái đầy xảo trá gây xói mòn sự phát triển của những chính sách hợp lý trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại - điều định hình chính trị thế kỷ 21 ở Hoa Kỳ.
Vậy tại sao Biden giành chiến thắng? Ông thắng bởi vì ông có vẻ là một chính trị gia an toàn và có khả năng cảm thông, người sẽ nỗ lực hàn gắn một quốc gia thường xuyên gây chiến với chính mình.
Ông thắng, cũng bởi vì chiến dịch tranh cử của ông tốt hơn hẳn Donald Trump, nhờ đó đã tối đa hóa được các phiếu bầu tiềm năng. Và ông thắng bởi vì đa số người Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ phong cách lãnh đạo của Donald Trump.
Sự chia rẽ chính trị ở Mỹ cũng là một sự chia rẽ về văn hóa. Phe Cộng hòa và Dân chủ giống như những bộ lạc đang gây chiến hơn là những chính đảng trưởng thành.
Phe Cộng hòa đã đi đến phụ thuộc trầm trọng vào những cử tri da trắng, sống ở vùng nông thôn, chưa tốt nghiệp đại học, và chủ yếu là nam giới. Các cử tri Dân chủ có xu hướng giàu có hơn, được giáo dục tốt hơn, sinh sống ở thành thị, đa dạng hơn về sắc tộc và nữ giới chiếm đa số.
Những cử tri Dân chủ và Cộng hòa hiếm khi giao lưu với nhau hay sống cùng một khu vực. Trong cuộc bầu cử lần này, cũng giống như năm 2016, mỗi phe đều gắn chặt với địa bàn của mình.
Thay vì đoàn kết xung quanh một ứng viên duy nhất, hay một phong trào, một ý thức hệ nào đó thì người Mỹ lại bỏ phiếu theo bộ lạc của họ. Và lần này, bộ lạc Dân chủ chỉ đơn giản là có nhiều cử tri ở đúng chỗ hơn bộ lạc Cộng hòa.
"Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" là hai câu Kiều ông Biden lẩy khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Reutes)
Vậy chúng ta có thể chờ đợi gì từ nhiệm kỳ Tổng thống Biden?
Tổng thống Biden hiểu rất rõ Quốc hội Mỹ khi đã phục vụ ở đó gần như cả cuộc đời. Ông sẽ tìm cách hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo của cả hai đảng nhằm thực thi một chương trình nghị sự hạn chế đối với các chính sách đối nội mới: phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách nhập cư, ổn định tài chính, bình đẳng sắc tộc và chống biến đối khí hậu.
Trọng tâm ban đầu của ông, tuy vậy, sẽ đặt vào việc ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách quyết liệt hơn nhiều so với Donald Trump.
Trong lĩnh vực đối ngoại, người Mỹ có thể trông đợi một chính quyền Biden truyền thống hơn, nhất quán hơn và dễ đoán hơn người tiền nhiệm.
Biden hiểu rõ thế giới, và ông thấu hiểu những cơ hội và những hạn chế của sức mạnh Mỹ. Ông tin vào ngoại giao và sẽ nhanh chóng tìm cách xốc lại tinh thần vốn rệu rã của các quan chức trong Bộ Ngoại giao, cũng như sửa chữa những thiệt hại mà Trump đã gây ra cho quan hệ của Mỹ với các đồng minh và các tổ chức quốc tế.
Trump theo đuổi chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết"; nhưng Biden nhận thức rằng nước Mỹ thịnh vượng khi thế giới thịnh vượng và ông sẽ tìm cách tái xác lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình và thương mại toàn cầu lành mạnh.
Trong quan hệ với Việt Nam, có thể chắc chắn rằng Biden sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ song phương ổn định trong hơn 25 năm qua. Ông sẽ khuyến khích mở rộng thương mại và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Ông cũng sẽ tìm kiếm hợp tác với Việt Nam và các đối tác ASEAN nhằm giải quyết các tranh chấp, đặc biệt ở Biển Đông. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden, Việt Nam sẽ có một người bạn đáng tin cậy ở Nhà Trắng.
Tổng thống Biden sẽ không tuyên thệ cho đến ngày 20/1/ 2021. Đến lúc đó, kỷ nguyên Donald Trump sẽ kết thúc, nhưng sự chia rẽ đảng phái trầm trọng trong chính trị Hoa Kỳ - một sự chia rẽ mà Trump đã khuyến khích và lợi dụng nó - sẽ không chấm dứt khi ông này rời đi.
Chính quyền mới sẽ phải đối mặt với những thách thức sâu sắc, và những bất bình không hề nhỏ, khi nó cố gắng thúc đẩy các chính sách mạch lạc trong một quốc gia còn xa mới thống nhất.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trong-doi-gi-tu-nhiem-ky-cua-tong-thong-biden-post140118.html