Trông đợi vaccine ASF được sử dụng trên lợn nái sinh sản
Trong tình thế số lượng lợn nái sinh sản và lợn con thương phẩm sụt giảm, thiếu con giống lợn phục vụ cho chăn nuôi, việc cần đưa vaccine dịch tả lợn châu Phi vào bảo vệ đàn lợn nái trở nên hết sức cấp thiết…

Tiêm vaccine AVAC ASF Live mũi thứ 2 cho 270 lợn nái tại trang trại ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh Chu Khôi
Thời điểm này, nhiều nông dân đang muốn tái đàn chăn nuôi lợn, nhưng rất khó mua được lợn con. Đại diện Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi tại Hưng Yên, cho biết hiện đang phải nhập vào lợn con mới cai sữa với giá 2,7 triệu đồng/con, nhưng cũng chỉ mua được rất ít so với nhu cầu đặt hàng. Trong khi trước đây, giá lợn con chỉ ở mức 1 triệu đồng/con.
VACCINE ASF CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP SỬ DỤNG CHO LỢN NÁI
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y cho hay năm 2024, giá lợn con trung bình trên cả nước dao động trong khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/con trọng lượng 7-10 kg. Đến quý 1 năm 2025, giá lợn con đã lên bình quân 2,25 triệu đồng/con, tăng thêm 1 triệu đồng/con so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến giá lợn con. Nguồn Cục Chăn nuôi và thú y.
Theo ông Đăng, năm 2024, tổng số đàn lợn nái trên cả nước đạt 3,145 triệu con, trong đó nái cụ kỵ ông bà đạt 123 nghìn con, nái bố mẹ đạt 3,02 triệu con. Năm 2024, các cơ sở chăn nuôi lợn giống trên toàn quốc đã sản xuất ra khoảng 53,5 triệu lợn con. Trong quý 3 năm 2024, số lượng lợn con đạt 14 triệu con. Đến quý 4 năm 2024, số lượng lợn con thương phẩm sản xuất ra và cung ứng cho thị trường giảm xuống, còn hơn 13,5 triệu con. Quý đầu năm 2025 chưa có số liệu thống kê nhưng ước tính số lượng lợn con giảm nhiều.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Đăng cho hay một phần vì Luật Chăn nuôi quy định kể từ ngày 1/1/2025, tất cả cơ sở chăn nuôi đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư sẽ buộc phải di dời hoặc ngừng hoạt động. Nhiều trang trại lợn nái phải di dời, chưa thể khôi phục lại chăn nuôi ở địa điểm mới. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi (ASF) trong năm 2024 đã khiến một số lượng lớn lợn nái bị chết hoặc tiêu hủy, khiến đàn nái giảm chưa kịp hồi phục.

Đoàn các nhà khoa học đến chứng kiến việc thử nghiệm và đánh giá tiêm vaccine cho lợn nái tại trang trại của AVAC. Ảnh CK.
“Trong năm 2024, cả nước xảy ra 1.699 ổ dịch ASF, tăng hơn 75,3% về số ổ dịch và tiêu thủy khoảng 92.707 con lợn, tăng 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2023”, ông Phạm Kim Đăng thông tin.
"Vaccine ASF mới chỉ cho phép thương mại và sử dụng cho lợn thương phẩm, chưa được cấp phép sử dụng cho lợn nái và lợn đực sinh sản. Dịch ASF vẫn đang gây thiệt hại rất lớn cho đàn lợn trên cả nước, trong đó có đàn lợn nái sinh sản dẫn đến hạn chế nguồn cung lợn con cho chăn nuôi những tháng đầu năm nay".
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y.
Vừa qua, ngày 2/4/20025, chúng tôi theo đoàn công tác gồm đại diện Cục Chăn nuôi thú y, các nhà khoa học về thú y, cùng các hiệp hội trong lĩnh vực chăn nuôi thú y đã đến tham quan trang trại của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, để ghi nhận đánh giá kết quả tiêm thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nái sinh sản.
Tham dự đánh giá, ngoài các cán bộ của Trung tâm chẩn đoán thú y quốc gia, còn có Chủ tịch hội Thú y Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Hương), Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam (TS. Nguyễn Xuân Dương), Trưởng khoa Chăn nuôi (TS. Bùi Huy Doanh) và Phó trưởng khoa Thú y (PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam) của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đại diện FAO (Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung); GS. TS. Đậu Ngọc Hào, TS. Nguyễn Văn Cảm (Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú Y Việt Nam); đại diện viện chăn nuôi quốc tế ILRI (TS. Nguyễn Xuân Sinh), đại một số Công ty chăn nuôi lớn.

Các nhà khoa học nghe và nhận xét về kết quả tiêm vaccine cho lợn nái tại trang trại của AVAC. Ảnh CK.
Tại trại chăn nuôi ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vaccine AVAC ASF Live mũi thứ 2 được tiêm cho toàn bộ 270 lợn nái của trang trại.
TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, cho biết vaccine AVAC ASF LIVE đã được Cục Thú y cấp phép sử dụng cho lợn thịt từ tháng 7/2023. Đến nay, AVAC đã cung cấp ra thị trường trên 3 triệu liều vaccine ASF, trong đó khoảng 500.00 liều được các địa phương đặt mua từ tiền ngân sách.
“Sản phẩm vaccine đã được nhiều cấp chính quyền và người chăn nuôi tin tưởng nhờ tính an toàn và hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, AVAC xác định việc mở rộng sử dụng vaccine sang đàn lợn giống, bao gồm lợn nái và lợn đực giống là bước đi chiến lược”, ông Điệp chia sẻ.
THỬ NGHIỆM VACCINE TRÊN LỢN NÁI VÀ LỢN ĐỰC GIỐNG CHO KẾT QUẢ TỐT
Trong suốt hơn 2 năm qua, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của AVAC đã liên tục tiến hành các thử nghiệm vaccine ASF trên quy mô nhỏ (10 - 80 con nái). Từ tháng 3/2025, Công ty chính thức phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán Thuốc Thú y Trung ương, một số doanh nghiệp chăn nuôi và các nhà khoa học để triển khai mô hình khảo nghiệm quy mô lớn, gồm 270 lợn nái hậu bị, được bố trí thí nghiệm có đối chứng rõ ràng.
Mũi 1 đã được tiêm vào ngày 11/3/2025, kết quả sau mũi tiêm đầu tiên rất tích cực. Đến ngày 2/4/2025 - tức 22 ngày sau tiêm mũi 1, toàn bộ 270 con lợn được tiêm liều thông thường và tiêm quá liều (gấp 10 lần) đều hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường về lâm sàng. Kết quả xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp ELISA cho thấy, 100% lợn tiêm vaccine đều có kháng thể chống virus ASF - cho thấy vaccine tạo được đáp ứng miễn dịch tốt.

Đàn lợn sau khi tiêm vaccine ASF đều khỏe mạnh và phát triển tốt. Ảnh: CK.
“Xét nghiệm các mẫu nước bọt và nước thải của các con vật được tiêm không phát hiện virus ASF, khẳng định nguy cơ gây phát tán virus vaccine là rất thấp. Điều này thể hiện tính an toàn cao của sản phẩm khi đưa vào sử dụng. Đánh giá năng suất của đàn lợn sau khi tiêm vaccine, cho thấy năng suất sinh sản và sinh trưởng của đàn lợn không bị ảnh hưởng”, ông Điệp khẳng định.
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động sử dụng vaccine ASF của AVAC không chỉ trên lợn thịt mà còn trên cả lợn nái và cho kết quả an toàn. Những dữ liệu ngoài thực địa này chính là cơ sở để AVAC tự tin triển khai mô hình thử nghiệm trên đàn lợn nái trong suốt hơn 2 năm qua.
“Với đàn lợn nái 270 con này, sau mũi 2, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu sau 2 tuần, đồng thời theo dõi sát sao sức khỏe đàn lợn và cập nhật kết quả lâm sàng hàng ngày. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các công ty chăn nuôi, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để cùng tham chiếu, đánh giá hiệu quả vaccine trên cả lợn thịt, lợn nái và lợn đực giống”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.
“AVAC hiện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương I để xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá vaccine ASF trên lợn giống. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đề xuất Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tiến hành kiểm nghiệm, khảo nghiệm chính thức vaccine AVAC ASF LIVE trên đối tượng lợn giống. Quy trình đánh giá này dự kiến kéo dài khoảng 5 - 6 tháng".
TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam.
Theo TS.Nguyễn Văn Điệp, AVAC đã tối ưu và đề xuất quy trình tiêm vaccine ASF dành cho lợn nái và lợn đực giống. Với lợn nái và lợn đực giống ở giai đoạn nhỏ, nên tiêm vaccine tương tự như lợn thịt, tức là bắt đầu từ 4 tuần tuổi trở lên. Trước khi phối giống lần đầu, lợn hậu bị cần tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần, trong đó mũi thứ hai nên được tiêm trước thời điểm phối giống 2 tuần.
Đối với lợn đã qua sinh sản, tiêm nhắc lại ở mỗi chu kỳ sinh sản, cụ thể là trước khi phối giống từ 1 đến 14 ngày (tức sau khi đẻ khoảng 2 - 3 tuần) để đảm bảo hiệu quả bảo hộ của vaccine.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.
"Trong chăn nuôi ở Việt Nam, phòng chống dịch bệnh hết sức quan trọng, trong đó giải pháp số 1 là chăn nuôi an toàn sinh học, thứ hai là giải pháp sử dụng vaccine. Tuy nhiên, sử dụng vaccine như thế nào chúng ta phải tuân thủ theo khuyến cáo của các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất vaccine với đối tượng nào, vào thời gian nào, quy trình tiêm phòng ra sao…. nhằm tránh không để xảy ra những hệ lụy cho vaccine gây ra.
Với 270 con lợn nái và đực giống được tiêm vaccine AVAC ASF LIVE đều khỏe mạnh, có kháng thể, đây là tín hiệu tích cực trong hành trình bảo vệ đàn giống trước dịch tả lợn Châu Phi. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên mong Công ty AVAC tiếp tục các bước thử nghiệm tiếp theo để xây dựng quy trình tiêm vaccine tối ưu nhất. Để vaccine ASF sớm được sử dụng cho đàn lợn nái trên cả nước, nhằm đảm bảo sản xuất đủ lợn con cho chăn nuôi”.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trong-doi-vaccine-asf-duoc-su-dung-tren-lon-nai-sinh-san.htm