Trồng dừa hữu cơ: Đem lại giá trị bền vững

Để nâng cao giá trị trái dừa thương phẩm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, nhiều địa phương trồng dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã nhân rộng mô hình sản xuất dừa hữu cơ theo hướng liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa.

Điển hình tại tỉnh Trà Vinh, năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh hỗ trợ cho nông dân xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần) triển khai mô hình dừa hữu cơ với 202 hộ tham gia trên tổng diện tích 220ha. Mô hình được thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ bao gồm: Không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, không nuôi gia súc, gia cầm trên vườn dừa... Thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.

Vùng dừa hữu cơ của tỉnh Trà Vinh

Vùng dừa hữu cơ của tỉnh Trà Vinh

Khi tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa hữu cơ, được liên kết với Hợp tác xã Tân Thành bao tiêu sản phẩm, với mức giá đảm bảo cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%. Ông Phan Văn Mót - Trưởng Ban nhân dân ấp An Cư (xã Tân Hòa) - cho biết, đây là năm thứ 3 gia đình ông tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ. Trồng theo tiêu chuẩn này, giúp đất giữ được độ bền, tơi xốp và có độ ẩm ổn định, đặc biệt năng suất cao hơn.

Tại tỉnh Bến Tre, sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuỗi giá trị dừa đã được đánh giá đạt kết quả cao nhất trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua liên kết với doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân đã xây dựng được vườn dừa hữu cơ phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre đã có 27 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác tham gia với tổng diện tích liên kết hơn 12.684 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ dừa cho bà con nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Đáng chú ý, hai doanh nghiệp xây dựng vùng dừa hữu cơ nhiều nhất là Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, với diện tích gần 5.000ha và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) gần 2.800ha. Ông Nguyễn Bảo Trí - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới - cho hay, dự kiến, đến năm 2025, công ty sẽ phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ lên 10.000ha và luôn đảm bảo giá thu mua cho người dân cao hơn thị trường từ 15 - 20%. Ngoài ra, công ty cũng khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã có đủ năng lực, quy mô tiến hành tổ chức sơ chế thì công ty sẽ đảm bảo ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre - cho biết, sản xuất dừa hữu cơ, giá trị được tăng lên; sức mua của doanh nghiệp đối với người dân cũng tốt hơn và doanh nghiệp cũng thuận lợi trong kinh doanh. Đặc biệt, trong điều kiện xâm nhập mặn, trồng dừa theo hướng hữu cơ sử dụng phân vi sinh bón đảm bảo được năng suất, chất lượng dừa đồng đều. Quan trọng nhất, sự thay đổi này mang tính bền vững, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.

Tỉnh Bến Tre đã phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 13.125ha, với rất nhiều doanh nghiệp lớn tham gia; trong đó, diện tích đạt chứng nhận 7.249 ha. Tỉnh cũng có 40 tổ hợp tác và 18 hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết dừa hữu cơ.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trong-dua-huu-co-dem-lai-gia-tri-ben-vung-174723.html