Trồng dược liệu quý mang đến cơ hội làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai

Cùng một diện tích canh tác nhưng trồng ngô chỉ cho thu nhập khoảng chục triệu đồng còn trồng dược liệu như cây atiso đã mang lại kết quả hơn một trăm triệu đồng.

Không chỉ sở hữu kho tàng độc đáo về bản sắc văn hóa các dân tộc, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, Lào Cai còn được thiên nhiên ưu đãi địa hình đa dạng với phân tầng độ cao khác nhau, tạo ra các vùng tiểu khí hậu rất phong phú, phù hợp để nhiều loài động thực vật sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, trải qua nhiều thế hệ, các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đã gìn giữ và phát triển những kiến thức bản địa riêng có của mình về sử dụng cây thuốc để chăm sóc sức khỏe hàng ngày, điều trị các bệnh thông thường cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn thu nhập 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm nhờ bán lá thuốc. Ảnh: Hạ Âu

Chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn thu nhập 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm nhờ bán lá thuốc. Ảnh: Hạ Âu

Những bài thuốc nổi tiếng của đồng bào dân tộc

Lào Cai là một tỉnh Tây Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lưu giữ những bài thuốc quý như đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao tại Sa Pa.

Theo một nghiên cứu về sử dụng loài cây thuốc và kiến thức bản địa của dân tộc Mông và Dao tại Sapa cho thấy thực vật được sử dụng làm thuốc trên 116 loài cây có 52 loài cây sử dụng ở dân tộc Dao, 54 loài cây sử dụng trong nhóm dân tộc Mông, 11 loài cây sử dụng chung trong cả 2 nhóm dân tộc.

Đồng bào dân tộc Mông sử dụng 21 bài thuốc và Dao sử dụng 18 bài thuốc chữa bệnh, hầu hết bài thuốc chữa bệnh của các nhóm dân tộc này tập trung vào bệnh đau nhức xương khớp, phụ nữ sau sinh, bệnh mẩn ngứa, lợi tiểu, các bệnh hiếm gặp hơn như gan, rắn cắn, hô hấp, tim mạch cũng được đồng bào sử dụng cây thuốc để chữa trị.

Kinh nghiệm chữa bệnh của ông lang, bà mế cũng có nét đặc trưng góp phần duy trì tri thức bản địa từ đời này qua đời khác của đồng bào dân tộc ở Sa Pa, Lào Cai. Mỗi dân tộc nơi đây lưu giữ nhưng nét riêng về tri thức và kinh nghiệm trong việc sử dụng loài thực vật ở rừng để chữa bệnh.

Nhiều bài thuốc của các đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai ngày càng trở nên phổ biến nhờ hiệu quả cao. Đặc biệt, một số bài thuốc của người Dao đỏ, đã phát hiện ra hàng chục biệt dược, trong tổng số hơn 100 loài cây thuốc quý mà người Dao đỏ đã tìm thấy từ trong cuộc sống gắn bó với rừng. Có những bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, như việc kết hợp giữa cây hoàng liên chân gà, thất diệp nhất chi hoa với cây tống quá sủ, giảo cổ lam... để chữa các bệnh trước và sau khi sinh cho phụ nữ và trẻ sơ sinh; trong đó có bài thuốc tắm người Dao rất được ưa chuộng.

Một số hộ gia đình đi lấy cây thuốc để bán cho các khách sạn hoặc các công ty dịch vụ tắm lá thuốc. Ảnh: Hạ Âu

Một số hộ gia đình đi lấy cây thuốc để bán cho các khách sạn hoặc các công ty dịch vụ tắm lá thuốc. Ảnh: Hạ Âu

Lào Cai là vùng trọng điểm sản xuất cây dược liệu

Lào Cai có dân số trên 76 vạn người, có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 64,1% tổng số dân. Tỉnh Lào Cai luôn được đánh giá là tỉnh tiên phong trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và không ngừng nâng cao đời sống người dân, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Vùng trồng cây dược liệu cát cánh tại xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Vùng trồng cây dược liệu cát cánh tại xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, Lào Cai được quy hoạch là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.

Một hướng đi của tỉnh Lào Cai là xây dựng mô hình sản phẩm dược liệu gắn với du lịch mở ra những cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần thay đổi, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hơn 10 năm nay, cây atiso được nông dân thị xã Sa Pa trồng theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Lá được bán với giá 2.300 đồng/kg cho doanh nghiệp liên kết để nấu cao; phần củ, hoa và thân bán ra thị trường vào cuối vụ thu hoạch. Trồng atiso đã giúp gia đình ông Mã A Cau, tổ 2, phường Hàm Rồng thu khoảng 120 triệu đồng/năm, trong khi vẫn với diện tích đất đó trước đây trồng ngô, thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng.

Vùng trồng dược liệu Actiso với diện tích hơn 90ha tại huyện Sa Pa và Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Vùng trồng dược liệu Actiso với diện tích hơn 90ha tại huyện Sa Pa và Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ổn định vùng nguyên liệu, bảo tồn dược liệu quý

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng,…

Lào Cai cũng đang từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.

Mới đây, tại Hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai năm 2023, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để phát triển cây dược liệu bền vững, cần chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng ổn định vùng nguyên liệu bằng việc bảo tồn các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; bảo tồn và phát triển nguồn gene dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao. Ổn định diện tích với các chủng loại cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ như chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thất diệp nhất chi mai, hà thủ ô, đỗ trọng, hoàng bá, bình vôi để sản xuất cây dược liệu hàng hóa.

Dược liệu quý thất diệp nhất chi mai.

Dược liệu quý thất diệp nhất chi mai.

Tập trung mở rộng diện tích với một số chủng loại chính như atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người Dao đỏ, mạch môn, vân mộc hương, bạch truật, đan sâm, đẳng sâm. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hàng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát... Ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng trồng cây dược liệu, ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện chương trình OCOP của tỉnh.

Phát huy tiềm năng sẵn có, đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam, atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù,…), tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng. Tiếp tục đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Anh Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trong-duoc-lieu-quy-mang-den-co-hoi-lam-giau-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-lao-cai-169231105161701857.htm