Trong gian khó, người dân càng biết ơn Ðảng
Những năm qua, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm để vượt qua những khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh. Trong gian khó, người dân càng biết ơn Ðảng, vững niềm tin đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Những năm qua, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm để vượt qua những khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh. Trong gian khó, người dân càng biết ơn Ðảng, vững niềm tin đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
HƯỚNG VIỆT HỒI SINH
Xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) là địa phương bị lũ quét gây hậu quả nặng nề nhất tỉnh Quảng Trị trong đợt mưa bão cuối năm 2020, nay mầu xanh đã trở lại trên vùng đất này. Những ô ruộng chưa bị đất đá vùi lấp hoặc bị vùi lấp nhẹ đã được người dân cày lên gieo lúa, trồng hoa màu vụ đông xuân để có thu hoạch vào thời gian giáp hạt. Cùng với việc khôi phục sản xuất, cuộc sống của người dân vùng thiên tai đang dần ổn định. Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, Hồ Thị Sáu cho biết: “Hướng Việt đang đứng dậy mạnh mẽ nhờ sự vào cuộc quyết liệt, giúp đỡ tận tình của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh”.
Những ngày này, chị Hồ Thị Vưn, ở thôn Ka Tiêng (Hướng Việt) cùng bà con dân bản thường mở ti-vi để theo dõi thông tin về Ðại hội Ðảng lần thứ XIII. Chị rất phấn khởi khi gia đình vừa được các cấp vận động kinh phí dựng mới cho ngôi nhà sàn, trị giá gần 60 triệu đồng, thay ngôi nhà cũ bị lũ quét làm sập. Chị Vưn cho biết: “Gia đình tôi chắc chắn được đón Tết trong ngôi nhà ấm áp, có điện thắp sáng, có ti-vi để xem. Xã Hướng Việt có chín ngôi nhà bị lũ quét làm sập và 16 nhà bị hư hỏng nặng, đến nay tất cả đều được các tổ chức, đoàn thể huy động xây dựng mới để người dân về sinh sống. Mỗi gia đình trong xã còn được giúp 40 con gà để nuôi, nhà nào nghèo còn được Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng bò”.
Từ sau lũ rút đến nay, các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hướng Lập luân phiên về từng gia đình giúp dân tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hồ Thị Thu ở thôn Xa Ðưng, Ðồn Biên phòng Hướng Lập đã tặng bà một con bò để nuôi làm giống. Những ngày này, Ðồn Biên phòng Hướng Lập đang chuẩn bị tổ chức tặng quà Tết cho người dân các thôn. Mỗi thôn được đơn vị tặng một con lợn to và một tạ gạo nếp để bà con vui Tết, đón Xuân.
Ði qua những vùng bị ảnh hưởng thiên tai ở Quảng Trị sẽ dễ nhận thấy sức sống đang hồi sinh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Ðồng cho biết: Hơn 22 nghìn héc-ta lúa đông xuân, hàng chục nghìn héc-ta lạc, ngô vừa được gieo. Công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng do lũ đã sớm được sửa chữa để dẫn nước tưới cho lúa và cây màu. Không ít con đường giao thông huyết mạch bị hư hỏng đã được kịp thời làm lại để người dân bớt khổ. Các đoạn đường dài cần xây dựng để chủ động cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ xảy ra cũng được Chính phủ đầu tư vốn và đã khởi công… Bao mồ hôi, công sức của lực lượng vũ trang Quảng Trị đổ xuống để những ruộng vườn sau lũ được dọn dẹp sạch sẽ đất, đá, giúp nông dân sớm có ruộng sạch để canh tác kịp mùa vụ.
CUỘC SỐNG MỚI Ở TRÀ LENG
Trở lại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận cuộc sống người dân đang từng bước trở lại bình thường sau đợt sạt lở đất cuối tháng 10-2020. Chủ tịch UBND xã Trà Leng, Phan Quốc Cường cho biết, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cấp trên, với phương châm “bốn tại chỗ”, UBND xã đã và đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai để sớm giúp người dân ổn định đời sống và sản xuất. Thời gian qua, ngoài việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích, chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng quân đội tập trung sửa chữa, dựng nhà tạm cho người dân; triển khai thông các tuyến đường giao thông; sửa chữa các công trình thủy lợi, ổn định chỗ ở, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Ðến nay, tuyến đường về trung tâm xã đã được thông tuyến, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa cứu trợ, cứu nạn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ngày 22-12-2020, UBND huyện Nam Trà My đã chọn khu đất rộng sáu héc-ta tại thôn 2, xã Trà Dơn, cách trụ sở UBND xã Trà Leng khoảng 800 m, để khởi công xây dựng khu tái định cư (TÐC). Khu đất này được phân thành 80 lô (mỗi lô 200 m2) để bố trí cho 80 hộ dân của xã Trà Leng bị mất nhà cửa trong đợt bão lũ vừa qua. Trước mắt, huyện tiến hành làm nhà cho hơn 50 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2, xã Trà Leng, với kinh phí 150 triệu đồng/căn nhà từ nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và các đơn vị hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu phấn khởi thông tin, với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, Quân khu 5, các nhà tài trợ và sự đồng lòng của người dân, hơn một tháng qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương vận chuyển vật liệu, tập trung thi công xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ dân bị mất nhà cửa do bão lũ gây ra ở xã Trà Leng. Dự kiến, ngày 25 tháng Chạp này, sẽ có 24 căn nhà tại khu TÐC hoàn thành kịp bàn giao cho người dân đón Tết. Cùng với xây dựng nhà ở, huyện Nam Trà My đang tiếp tục đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu để nhân dân sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.
NIỀM TIN Ở PHONG XUÂN
Cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Phong Xuân (Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế) đều phấn khởi, tự hào với sự kiện chính trị lớn, quan trọng nhất của Ðảng, đất nước. Họ tin rằng Ðại hội XIII sẽ đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Xuân, Trần An Thảo nói: “Theo dõi dư luận quần chúng nhân dân, tôi thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu dân cư mong muốn và kỳ vọng Ðại hội lần này sẽ lựa chọn được những đồng chí có đủ đức, đủ tài, đủ năng lực, trách nhiệm để lãnh đạo đất nước phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người dân Phong Xuân kỳ vọng Ðại hội sẽ đưa ra các chủ trương, quyết sách về những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng thiên tai”.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Lộc (xã Phong Xuân) Trần Văn Minh cho rằng: “Các đồng chí được Ðại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lần này cần tiếp tục phát huy những cống hiến, đóng góp với Ðảng, với đất nước. Mong các đồng chí luôn lấy dân làm gốc, tất cả vì dân, vì đất nước, vì sự nghiệp đổi mới”. Ông Ðặng Hiền (98 tuổi đời, hơn 65 năm tuổi Ðảng), ở thôn Hiền An - Bến Củi, xã Phong Xuân, chia sẻ: “Ðược sống và chứng kiến đất nước, quê hương ngày càng thay da, đổi thịt, tôi càng tự hào về Ðảng ta đã có đường lối đúng đắn và hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
Hướng về Ðại hội, người dân Phong Xuân đều có chung niềm tin, tự hào, phấn khởi và có nhiều nguyện vọng, tâm huyết muốn gửi gắm với Ðảng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Phong Xuân luôn tin tưởng, biết ơn Ðảng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Ðại hội.