Trồng gừng mang lại thu nhập khá cho người dân Pác Nặm
Thời điểm này, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đang thu mua củ gừng cho bà con nông dân huyện Pác Nặm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá gừng xuống thấp hơn so với mọi năm nhưng người trồng gừng vẫn có lãi.
Chúng tôi có mặt tại xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) đúng thời điểm Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê (TP. Bắc Kạn) đang thu mua gừng cho bà con nông dân theo đúng hợp đồng đã ký kết từ đầu vụ với người dân. Ông Bàn Văn Minh- Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Vụ gừng năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch thu mua khoảng 500 tấn. Giá thị trường là 5.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá thu mua năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ thu mua theo đúng cam kết bao tiêu sản phẩm, cụ thể là 6.000 đồng/kg gừng già và 7.500 đồng/kg gừng non.
Trên cánh đồng thôn Nà Thiêm, xã Giáo Hiệu, gia đình bà Chu Thị Đợi tập trung nhân lực ra đồng làm đất để trồng gừng vụ mới. Bà Đợi cho biết: Vụ gừng năm qua, với khoảng 1.500m2 gừng trâu, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu nhập trên 30 triệu đồng. So với trồng lúa, ngô thì trồng gừng cho thu nhập cao hơn mà lại không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.
Còn bà Quan Thị Giang, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La phấn khởi cho hay: "Trồng gừng không tốn nhiều công chăm sóc. Vụ gừng vừa rồi gia đình tôi trồng 1.200m2, sau 06 tháng chăm sóc thu hoạch được 1 tấn gừng già để làm giống và hơn 4 tấn gừng non bán cho doanh nghiệp. Sau khi trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng. Vụ gừng năm nay gia đình tôi mở rộng diện tích trồng trên 1.500m2 gừng trâu".
Được biết, mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng xuất khẩu được triển khai trên địa bàn huyện Pác Nặm từ năm 2019. Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê phối hợp với huyện Pác Nặm thông qua Dự án Hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Bắc Kạn (CSSP) để thực hiện. Trong những năm qua, mô hình trồng gừng trâu đã mang lại hiệu quả kinh tế và thu hút nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong huyện tham gia trồng.
Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm, bà Dương Thị Thuyên, cho biết: Thực tế cho thấy, mô hình trồng gừng trâu cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa, ngô nên được bà con nông dân lựa chọn trồng để phát triển kinh tế. Năm 2022 huyện phấn đấu tăng diện tích trồng gừng đạt 50ha. Cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bao tiêu trực tiếp làm việc với nông dân. Qua đó từng bước đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân./.