Trồng hoa cúc thu lợi nhuận cao

Trong những năm gần đây, trồng hoa được xác định là nhóm cây trồng tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, diện tích trồng hoa trên địa bàn tỉnh có khoảng 1000ha, trong đó diện tích sản xuất tập trung chiếm khoảng 60 - 70%, còn lại là các diện tích trồng phân tán, sản xuất nhỏ lẻ.

Mô hình trồng hoa cúc của ông Trịnh Ngọc Tiệp, thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động)

Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025 (Đề án) nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh để tạo ra sản phẩm quy mô lớn, tập trung, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đề án với mục tiêu phát triển cây ăn quả, hoa, cây cảnh theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển cây ăn quả, cây cảnh; đối với phát triển trồng hoa, Đề án định hướng phát triển, mở rộng khoảng 500ha trồng hoa tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên... nâng diện tích trồng hoa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 có 1.500ha.

Để thực hiện mục tiêu của Đề án về phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (Trung tâm) đã triển khai mô hình sản xuất hoa cúc tại thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động) với quy mô 0,3 ha. Để triển khai mô hình, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị, địa phương chọn điểm triển khai với tiêu chí: Quy gọn vùng, gọn thửa, thuận lợi về tưới, tiêu, đường giao thông… Đồng thời, cấp phát 105 nghìn cây hoa cúc giống cho hộ tham gia mô hình, phân công kỹ thuật viên phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật.

Mô hình trồng hoa cúc của ông Trịnh Ngọc Tiệp ở xã Ngọc Thanh (Kim Động)

Ông Trịnh Ngọc Tiệp, thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh, hộ tham gia mô hình sản xuất hoa cúc cho biết: Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ giống hoa cúc và được kỹ thuật viên của Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và chăm sóc chủ yếu bằng phân hữu cơ. Qua đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm so với mọi năm, cây hoa cúc sinh trưởng, phát triển tốt. Để cây ra hoa đẹp, sản lượng cao, chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, ngoài yếu tố cây giống, người trồng phải kiên trì, tuân thủ đúng yêu cầu về quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, cần nắm rõ những tác động do biến đổi thời tiết gây ra để có những biện pháp xử lý hữu hiệu, kịp thời. Trong thời điểm mùa nắng, cây cần sử dụng nguồn nước tưới nhiều hơn nên chi phí chăm sóc tốn kém hơn, công chăm sóc nhiều hơn. Đối với những tháng mùa mưa, nông dân phải chăm sóc thật kỹ bởi mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hoa. Đặc biệt, phải xử lý đất thật kỹ, bảo đảm thoát nước tốt để đề phòng cây bị chết do úng nước. Theo kinh nghiệm sản xuất của ông Tiệp, nông dân nên thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện các loại sâu, bệnh gây hại, từ đó có những biện pháp phòng trừ kịp thời.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Ngọc Thanh, mô hình trồng hoa cúc của gia đình ông Tiệp là mô hình kinh tế tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như vậy, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, xây dựng thành công chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.

Qua đánh giá của Trung tâm Khuyến nông về hiệu quả của mô hình, hoa cúc có khả năng sinh trưởng mạnh, tỷ lệ sống cao, đường kính thân lớn, tỷ lệ nhiễm sâu, bệnh ở mức nhẹ, thời gian nở hoa tập trung, năng suất hoa cao, tỷ lệ hoa thực thu đạt 95,5%, giống hoa cúc có khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác cũng như chống chịu tốt với với điều kiện ngoại cảnh. Hoa cúc trồng được 2 vụ/năm, bình quân 1 vụ, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 10 - 15 triệu đồng/sào.

Mô hình sản xuất hoa cúc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng phát triển và nhân rộng, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách của tỉnh về hỗ trợ vốn và vật tư cho nông dân tham gia Đề án để việc trồng và chăm sóc hoa của nông dân không quá phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giảm chi phí trong sản xuất, giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật, từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng hoa cung ứng ra thị trường.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202211/trong-hoa-cuc-thu-loi-nhuan-cao-3ce0a9e/