Trồng hồng không hạt có 'của ăn, của để'

Năm 2023 tiếp tục là một năm thắng lớn của người trồng hồng không hạt ở Bắc Kạn. Đáng chú ý, những năm qua, nhờ chuyển đổi trong tư duy sản xuất, chú trọng khoa học - kỹ thuật, cây hồng không hạt đang trở thành cây kinh tế chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh.

Nằm cách trung tâm xã Quảng Bạch khoảng 4km, thôn Bản Lác nằm khuất sau những triền núi, đây là một trong những vùng trồng nhiều hồng không hạt nhất huyện Chợ Đồn. Cây hồng từ cây mọc hoang giờ thành những vựa trái cây bạc triệu.

Hiệu quả kinh tế vượt trội

Quả hồng Bản Lác được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội, vị ngọt đậm, giòn, cùi dày. Tại nhiều nhà vườn, tư thương tìm đến đặt hàng từ sớm, vận chuyển về các tỉnh, thành để tiêu thụ.

Ông Triệu Văn Ngự, nông dân trồng hồng thôn Bản Lác, cho hay hồng không hạt ở đây cho năng suất 5,5 tấn/ha. Từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giá trị của quả hồng đã tăng lên đáng kể. Thu mua tại chỗ có giá từ 21.000-25.000 đồng/kg, bán lẻ có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg.

Năm 2023, hồng không hạt Bắc Kạn được mùa được giá (Ảnh: Thu Trang).

Năm 2023, hồng không hạt Bắc Kạn được mùa được giá (Ảnh: Thu Trang).

Với hiệu quả kinh tế cao, hồng không hạt đã trở thành cây trồng hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ trong vùng. “Nhà tôi có gần 1 ha trồng hồng, nhờ chăm sóc bài bản, cùng sự đồng hành của HTX, địa phương, nên mỗi năm lãi vài chục triệu đồng”, ông Ngự phấn khởi nói.

Theo thống kê, trên toàn địa bàn Chợ Đồn có trên 150ha hồng không hạt đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã phía Bắc của huyện như: Quảng Bạch, Đồng Lạc, Tân Lập, Nam Cường…

Quả hồng không hạt đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và bước đầu khẳng định được thương hiệu. Hiện, hồng không hạt Chợ Đồn cung không đủ cầu.

Để phát triển diện tích và nâng cao năng suất, kể từ năm 2018, huyện định hướng phát triển sản xuất hồng không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đồng thời tập trung cải tạo, tăng năng suất, chất lượng, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao hiệu quả diện tích hồng hiện có.

Điển hình, nhờ phát triển sản xuất an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhiều vùng trồng hồng không hạt của HTX Tân Phong (xã Quảng Bạch) được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nhiều năm qua.

Với chứng nhận này, HTX trở thành đơn vị tiên phong của huyện Chợ Đồn và cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đạt chứng chỉ VietGAP cho quả hồng không hạt, mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt tại địa phương.

Dấu ấn từ các HTX

Được hỗ trợ đắc lực từ HTX Tân Phong, anh Phan Tấn Quỳnh (xã Quảng Bạch) hiện có vườn hồng với hơn 50 cây đang cho thu hoạch, chia sẻ: “Sau khi trồng thử nghiệm 10 gốc và cho hiệu quả cao, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn nhà sang trồng hồng. Với 50 gốc hồng hiện tại, mỗi năm tôi thu về xấp xỉ 100 triệu đồng”.

“Những năm qua, tôi và các hộ trồng hồng trong vùng nhận được nhiều sự hỗ trợ của HTX Tân Phong và chính quyền địa phương, không chỉ về kỹ thuật, máy móc hỗ trợ sản xuất, mà còn về ý thức sản xuất an toàn, tuân thủ quy định về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”, anh Quỳnh phấn khởi nói.

Một điều dễ thấy trong quá trình phát triển cây hồng không hạt ở Bắc Kạn là sự hiện diện của các HTX, với vai trò liên kết, đưa nông dân vào chuỗi giá trị gia tăng, đảm bảo năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm những năm qua.

Hồng không hạt sẽ tiếp tục được thúc đẩy thành cây trồng chủ lực ở Bắc Kạn (Ảnh: Thu Trang).

Hồng không hạt sẽ tiếp tục được thúc đẩy thành cây trồng chủ lực ở Bắc Kạn (Ảnh: Thu Trang).

Nếu ở huyện Chợ Đồn có HTX Tân Phong, thì ở huyện Ba Bể có HTX Đồng Lợi. Anh Đồng Văn Lợi, Giám đốc HTX, cho biết năm 2023, hồng không hạt Bắc Kạn được giá, được mùa, tính trung bình mỗi ha có thể cho sản lượng từ 9 - 12 tấn quả.

Hồng không hạt, theo anh Lợi, là cây lâu đời ở khu vực hồ Ba Bể. Nhưng phải từ năm 1990 trở đi, cây hồng không hạt mới đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Hồi đó, tư thương ở nhiều tỉnh thành đổ về mua, chở về xuôi, nên người tiêu dùng biết đến hồng không hạt Bắc Kạn nhiều hơn.

"Thấy cây hồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác, người dân ở xã Quảng Khê bắt đầu trồng diện tích lớn. Đến nay, riêng xã Quảng Khê có khoảng hơn 60ha diện tích cây hồng không hạt", Giám đốc HTX Đồng Lợi chia sẻ.

Các HTX Tân Phong hay Đồng Lợi chỉ là hai trong số nhiều HTX, tổ hợp tác đang góp phần hỗ trợ, thay đổi tư duy sản xuất của các hộ nông dân, thúc đẩy cây hồng ở Bắc Kạn phát triển theo hướng bền vững.

Xác định hướng đi dài hạn

Định hướng phát triển bền vững cũng là mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong trồng hồng không hạt. Đến nay, toàn huyện có trên 800 ha hồng không hạt (trên 60% diện tích đang cho thu hoạch), được trồng chủ yếu ở các huyện: Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn…

Hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp giấy Chứng nhận chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Với giá trị kinh tế cao, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hồng không hạt. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có tổng diện tích trồng hồng không hạt trên 1.000 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn.

Không chỉ chú trọng về mặt sản xuất, gia tăng diện tích, vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đang được các địa phương có thế mạnh về trồng hồng ở Bắc Kạn quan tâm. Cụ thể, việc tiêu thụ hiện được các sở, ngành liên quan, đặc biệt Sở Công Thương tạo điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hồng không hạt Bắc Kạn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Những năm qua, giá hồng không hạt Bắc Kạn dao động bình quân 12.000 - 30.000 đồng/kg, nếu chuyển về siêu thị tại các thành phố lớn sẽ có giá lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhìn chung, hồng không hạt hữu cơ đã "chinh phục" được nhiều thị trường khó tính.

Không thể phủ nhận cây hồng không hạt đang đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo tại Bắc Kạn. Đơn cử như ở Chợ Đồn, theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện còn 13,54%, giảm so với năm 2022 là 2,51%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,43%, giảm 1,35%.

Trên địa bàn toàn tỉnh, theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tổng hợp từ các huyện, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 là 22,25%, giảm 2,46% so với năm 2022. Năm 2023, các huyện, thành phố được giao 269.703,467 triệu đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang) để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Với những thành công đang có, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chính, trong đó có cây hồng không hạt. Giải pháp là vận dụng các chính sách, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong hình thành vùng trồng, liên kết tiêu thụ nông sản...

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/trong-hong-khong-hat-co-apos-cua-an-cua-de-apos-1097442.html