Trồng khoai môn luân canh đậu phộng đạt hiệu quả kinh tế

Qua lời giới thiệu của chị Bùi Thị Thanh Nhụy – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hàm Phú (huyện Hàm Thuận Bắc), tôi có mặt tại ruộng khoai môn và đậu phộng của chị Lê Thị Hoa, ở thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú vào 1 ngày cao điểm mùa khô năm 2021. Thời điểm những ngày cuối tháng 4, tháng 5 nắng gắt, các loại cây màu ngắn ngày khó phát triển nhưng 2 sào đậu phộng và 2 sào khoai môn sáp trái vụ chủ động nước tưới của chị Hoa vẫn vươn mình xanh tốt, hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Trồng khoai môn luân canh đậu ph

Chị Hoa phấn khởi cho biết: Hiện đậu phộng và khoai môn được gần 2 tháng tuổi; giai đoạn này đậu phộng bắt đầu ngậm sữa đậu củ, khoai môn tập trung dưỡng chất phát triển thân, lá nên rất cần nhiều nước tưới. Nhờ thực hiện phương pháp trồng lên luống, bên dưới rãnh luôn có nước đảm bảo giữ ẩm nên cây phát triển tốt. Khoai môn sáp có thời gian sinh trưởng 6 tháng, mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ, 1 vụ chính và vụ nghịch; đậu phộng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn chỉ 3 tháng, mỗi năm sản xuất 3 vụ.

Chị Hoa đang chăm sóc khoai môn và đậu phộng

Hàng năm, chị Hoa trồng luân canh 2 vụ đậu phộng, 1 vụ khoai môn trên diện tích 4 sào, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Trung bình mỗi vụ khoai môn đạt sản lượng từ 1,5 – 2 tấn/ sào, trừ chi phí thu lãi dao động từ 15 – 20 triệu đồng; đậu phộng đạt sản lượng từ 8 tạ - 1 tấn/sào, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhờ thực hiện phương pháp sản xuất luân canh nên cây trồng ít sâu bệnh hại. Theo chị Hoa, quy trình kỹ thuật sản xuất đậu phộng luân canh khoai môn đơn giản, dễ áp dụng nhưng do thu hoạch bằng thủ công nên nhọc công.

Thiết nghĩ, Hội Nông dân xã Hàm Phú nói riêng, huyện Hàm Thuận Bắc nói chung cần nghiên cứu, nhân rộng phương pháp sản xuất 2 loại cây trồng này trong nông dân, nhằm đa dạng hóa cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Thường

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/trong-khoai-mon-luan-canh-dau-phong-dat-hieu-qua-kinh-te-137800.html