Trồng khóm, hướng đi mới của nông dân Vĩnh Phú

Mô hình 'Dân vận khéo' của tổ hợp tác trồng khóm trên đất phèn, trũng giúp nông dân ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có thu nhập từ 85-100 triệu đồng/ha.

Ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng có diện tích đất nông nghiệp 295ha, trong đó có 186ha đất nhiễm phèn sản xuất lúa kém hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú Lương Quốc Tri cho biết nông dân ấp Lương Trực chọn khóm là loại cây trồng chủ lực vì khóm thích hợp với vùng đất phèn, trũng. Khóm dễ trồng, ít sâu bệnh, ít chi phí, bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Trồng khóm có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao.

"Qua kinh nghiệm trồng và chia sẻ kinh nghiệm trồng khóm, nông dân ấp Lương Trực trồng khóm cho trái quanh năm, nhất là trồng khóm trái vụ, giúp nông dân nâng cao thu nhập”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú Lương Quốc Tri phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng khóm ấp Lương Trực là người đầu tiên khởi điểm trồng khóm cho biết năm 2016, ông chuyển 1,5ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khóm. Sau một năm thấy hiệu quả cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Đến nay diện tích khóm của gia đình ông Minh trên 4ha, thu hoạch từ 4.000-5.000 trái/ha/tháng. Giá khóm từ 7.000-12.000 đồng/trái, thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm. Tôi phấn khởi và vận động người dân trong ấp cùng trồng khóm.

Đồng chí Lương Quốc Trinh (giữa) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tham quan vườn khóm một năm tuổi của ông Nguyễn Hồng Nam (bìa phải), ngụ ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú.

Đồng chí Lương Quốc Trinh (giữa) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tham quan vườn khóm một năm tuổi của ông Nguyễn Hồng Nam (bìa phải), ngụ ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú.

Ông Nguyễn Hồng Nam (54 tuổi), ngụ ấp Lương Trực là thành viên tổ hợp tác trồng khóm chia sẻ: “Tôi thấy trồng khóm đạt hiệu quả cao, cuối năm 2022 tôi lên liếp trồng 6 công khóm. Tôi học hỏi kinh nghiệm trồng từ thành viên tổ hợp tác như lên liếp, chọn giống và chăm sóc đúng kỹ thuật. Đến nay khóm nhà tôi được 1 năm tuổi, đang sinh trưởng và phát triển tốt, tôi phấn khởi lắm”.

Tổ hợp tác trồng khóm ấp Lương Trực thành lập từ năm 2021, ban đầu chỉ có 5 hộ dân tham gia trồng với diện tích 11ha. Đến năm 2022 nâng lên 10 hộ, các hộ được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền 300 triệu đồng để đầu tư trồng khóm. Hiện tổ hợp tác có 34 thành viên với tổng diện tích 50ha. Nông dân phấn khởi với mức lợi nhuận từ 85-100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Trồng khóm hiệu quả là phải chăm sóc đúng kỹ thuật, chọn con giống tốt. Đặc biệt nắm bắt nhu cầu thị trường để chủ động thu hoạch khóm đúng mùa vụ thì thu nhập của người trồng khóm sẽ cao, giúp nông dân ổn định kinh tế”.

Tổ hợp tác trồng khóm ấp Lương Trực phối hợp các cấp, ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ cho vay các nguồn vốn với lãi suất thấp; tìm đầu ra, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giảm chi phí, tăng thu nhập cho hội viên và nông dân.

Ông Trần Văn Đực, ngụ ấp Lương Trực cho biết: “Tôi trồng 5ha khóm, lợi nhuận 120 triệu đồng/ha, tôi rất phấn khởi khi mô hình trồng khóm của ấp đạt hiệu quả cao. Nhất là không lo đầu ra sản phẩm, không bị ép giá, giúp tôi và nông dân trong tổ hợp tác yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú Lương Quốc Trinh cho biết khóm Vĩnh Phú được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Giồng Riềng đợt I năm 2023 công nhận đạt OCOP 3 sao. Mô hình trồng khóm đã mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Vĩnh Phú, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

"Đây là hướng phát triển bền vững, xã khuyến khích nông dân nhân rộng thời gian tới và hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phú Lương Quốc Trinh nói.

Bài và ảnh: BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/trong-khom-huong-di-moi-cua-nong-dan-vinh-phu-17788.html