Trồng khóm trên đất nhiễm phèn, hướng đi mới cho nông dân ở xã Long Hưng, TP. Cần Thơ

Giữa vùng đất nhiễm phèn từng được xem là khó canh tác trước đây tại xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ, giờ đây là những ruộng khóm tươi tốt trải dài. Mô hình chuyển đổi cây trồng này không chỉ thích nghi tốt với điều kiện đất đai mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Trước đây, vùng đất xã Long Hưng bị nhiễm phèn nặng, trũng thấp, chủ yếu người dân canh tác cây mía, tràm, chuối…, hiệu quả mang lại không cao, cuộc sống người dân gặp khó khăn vì lợi nhuận không đáng kể. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác thủy lợi để xổ phèn, cải tạo đất, từ đó, nhiều người dân đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, khoảng 4-5 năm trở lại đây, cây khóm được người dân trồng và đang mang lại hiệu quả kinh tế hơn cả mong đợi.

Ông Trần Phi Hùng, người trồng khóm ở xã Long Hưng cho biết: "Đối với vùng đất này cây khóm rất là thích nghi. Hồi đó ở đây trồng mía, tràm, qua thời gian cây tràm không có giá thì khoảng năm 2020, phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (cũ) và UBND xã đã tổ chức cho người dân chúng tôi tham quan mô hình trồng khóm, sau đó thì kết hợp liên kết với công ty. Ban đầu thì chỉ có 5-6 ha trồng thôi, sau thời gian làm vài vụ thì đến thời điểm này đã có trên 10 hộ trồng khóm tại Long Hưng".

Ruộng trồng khóm ở xã Long Hưng

Ruộng trồng khóm ở xã Long Hưng

Khóm (hay còn gọi là dứa) là loại cây trồng chịu phèn tốt, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, vốn đầu tư cũng ít. Chỉ sau khoảng 15 – 16 tháng là có thể thu hoạch. Loại khóm được người dân ở Long Hưng đang trồng là giống khóm MD2 và hiện nay nông dân đang liên kết với một công ty chuyên chế biến trái cây xuất khẩu ở thành phố Cần Thơ vừa cung ứng vật tư đầu vào, vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời hỗ trợ cả về kỹ thuật trồng cho bà con.

Theo tính toán của người trồng khóm, mỗi vụ, khóm cho năng suất khoảng 70 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí xong, mỗi năm thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

Khóm phát triển tốt ở vùng đất trũng, nhiệm phèn tại Long Hưng

Khóm phát triển tốt ở vùng đất trũng, nhiệm phèn tại Long Hưng

Ông Võ Thanh Tùng, ở xã Long Hưng, hộ gắn bó với mô hình trồng khóm khoảng 3 năm nay và trồng 8.000 m2 khóm trên vùng đất nhiễm phèn cho biết: “Bình quân 1.000 m2, công ty sẽ yêu cầu trồng khoảng 4.000 cây khóm, đối với ruộng khóm trúng thì năng suất đạt 1,5kg/trái, như vậy là đạt khoảng 7 tấn rồi. Đối với ruộng năng suất trung bình thì khoảng 1,2-1,3kg/trái. Lợi nhuận của trồng khóm thì cũng tương đối cao, chúng tôi ước tính rồi, đạt khoảng 10 triệu/công/năm".

Cũng theo người trồng khóm, trong vụ này, công ty đang bao tiêu với trái khóm loại 1 có giá 6.500 đồng/kg, loại 2 giá 5.700 đồng/kg và loại 3 giá 3.000 đồng/kg, tăng vài trăm đồng so với trước đây. Với giá khóm được bao tiêu tăng lên, mỗi hecta khóm chắc chắn sẽ mang lại thu nhập cao hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng khóm. Đặc biệt, với sự chặt chẽ trong áp dụng quy trình trồng trọt của công ty bao tiêu, giúp khóm Long Hưng luôn cho năng suất cao, trái ngon, ngọt, đảm bảo sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tính đến nay, xã Long Hưng đã mở rộng diện tích trồng khóm MD2 lên 45 ha và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ trồng thêm 15ha đối với loại cây trồng này. Để tạo sự bền vững cho mô hình, xã Long Hưng còn vận động người dân thành lập Tổ hợp tác trồng khóm.

Thành công của mô hình trồng khóm không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương. Từ công tác khảo sát, định hướng cây trồng, đến hỗ trợ kỹ thuật, kết nối đầu ra, tất cả đều nằm trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của xã Long Hưng.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: "Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm, đồng thời có chỉ đạo để chuyển đổi mô hình trồng khóm, tiếp tục mở rộng diện tích, mở rộng vùng trồng để gắn với liên kết, ổn định, tạo thu nhập cao cho bà con. Chuyển đổi theo hướng đa cây, đa con, phù hợp với vùng đất Long Hưng, chúng tôi cũng sẽ có chính sách hỗ trợ về vốn sự nghiệp để mà hỗ trợ mô hình này chặt chẽ và bền vững".

Từ vùng đất khó trước đây, nhờ sự quyết liệt của địa phương và sự mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, người nông dân xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ đã tìm thấy hướng đi mới bền vững, hiệu quả và đầy triển vọng. Mô hình trồng khóm không chỉ mở ra cơ hội làm giàu cho bà con mà còn góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp của thành phố Cần Thơ.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-khom-tren-dat-nhiem-phen-huong-di-moi-cho-nong-dan-o-xa-long-hung-tp-can-tho-post1213885.vov