Tỷ giá liệu sẽ ra sao sau thỏa thuận thuế quan với Mỹ?

Sau các luồng thông tin sơ bộ ban đầu từ phía Mỹ về mức thuế quan mới áp lên hàng hóa Việt Nam, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã nhích lên vùng đỉnh trong những ngày đầu tháng 7-2025. Câu hỏi đặt ra lúc này là tỷ giá sẽ biến động ra sao dưới tác động của chính sách thuế mới?

Tỷ giá liệu sẽ ra sao sau thỏa thuận thuế quan với Mỹ? Ảnh: TL

Tỷ giá liệu sẽ ra sao sau thỏa thuận thuế quan với Mỹ? Ảnh: TL

Chuyển động ngược chiều của tiền đồng so với các đồng tiền trong khu vực

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 26.200 đồng/đô la và vượt đỉnh trong những ngày đầu tháng 7-2025, tương đương mức tăng khoảng 2,7% so với đầu năm. Thật ra, xu hướng này đã diễn ra từ trước khi có thông tin sơ bộ ban đầu từ phía Mỹ về mức thuế quan với Việt Nam và trong bối cảnh chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế giảm hơn 10% kể từ đầu năm 2025, khiến tiền đồng trở thành đồng tiền mất giá nhất trong khu vực trong năm nay (tính tới đầu tháng 7). Diễn biến này cho thấy, biến động của tiền đồng không hoàn toàn đến từ yếu tố kỹ thuật hay tác động chính sách lãi suất quốc tế, mà phản ánh áp lực nội tại trong cán cân thanh toán tổng thể và xu hướng rút vốn ròng khỏi Việt Nam đang gia tăng thời gian qua.

Số liệu cán cân thanh toán trong quí 1-2025 cho thấy, Việt Nam tiếp tục bị thâm hụt ròng gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, cao hơn so với mức thâm hụt cùng kỳ năm trước là 1,4 tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy yếu của cán cân vãng lai và dòng vốn tài chính tiếp tục rút khỏi thị trường Việt Nam. Cụ thể, mặc dù vẫn ghi nhận thặng dư cán cân vãng lai hơn 3,9 tỉ đô la Mỹ trong quí 1, nhưng con số này thấp hơn đáng kể so với mức 5,2 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm trước. Trong đó, sự sụt giảm do thặng dư hàng hóa bị giảm mạnh cũng như khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đẩy mạnh rút lợi nhuận về nước trong quí.

Cán cân vốn và tài chính tiếp tục cho thấy dòng vốn tài chính tiếp tục chảy ra khỏi Việt Nam, với mức hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ trong quí 1-2025, so với mức thặng dư hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ. Trong đó, đầu tư FDI vẫn tăng nhẹ, đạt hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ và đầu tư gián tiếp bị rút ròng hơn 0,9 tỉ đô la Mỹ - tăng so với mức rút hơn 0,5 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ. Đáng chú ý là các dòng tiền liên quan đến tiền gửi, cho vay, trả nợ tiếp tục bị rút ròng mạnh khỏi Việt Nam, đạt hơn 6,2 tỉ đô la Mỹ, tăng so với mức hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ cùng kỳ.

Ước tính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối quí 1-2025 còn khoảng 80 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 2,4 tháng nhập khẩu, thấp hơn so với khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này khiến Ngân hàng Nhà nước có ít sự lựa chọn và phải cân nhắc kỹ hơn trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong bối cảnh phải tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ảnh hưởng của thỏa thuận thuế quan Việt Nam - Mỹ lên tỷ giá?

Một trong những yếu tố quan trọng tác động lên tỷ giá liên quan tới lo ngại thuế quan sẽ làm giảm thặng dư thương mại với Mỹ, đối tác xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Trong quí 1-2025, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỉ đô la Mỹ, trong khi nhập khẩu chỉ 4,1 tỉ đô la Mỹ, tạo ra mức thặng dư lên tới 27,3 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó thặng dư thương mại tổng thể với toàn bộ các đối tác thương mại chỉ hơn 3,1 tỉ đô la Mỹ.

Vừa qua, có một số thông tin sơ bộ ban đầu từ phía Mỹ về các mức thuế mới mà Mỹ sẽ áp dụng với Việt Nam, trong đó có thuế đối với hàng hóa trung chuyển từ nước thứ ba. Mặc dù việc đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của các mức thuế quan này cần phải chờ thêm thời gian, ít nhất là sau khi họ công bố mức thuế với các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia hay Bangladesh...) cũng như thông tin chi tiết cụ thể về định nghĩa như thế nào là hàng hóa trung chuyển, tuy nhiên, một hệ quả có thể thấy trước là nếu thặng dư thương mại với Mỹ suy yếu sẽ làm giảm nguồn cung đô la Mỹ và tác động tiêu cực lên cán cân tổng thể.

Tỷ giá có thể ổn định hơn vào cuối quí 3-2025?

Trong ngắn hạn, sau khi Mỹ công bố mức thuế áp dụng với Việt Nam và hoàn tất công bố thuế đối với các quốc gia khác, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về mức độ cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu mức thuế của Việt Nam thấp hơn hoặc không khác biệt quá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh thu hút FDI (như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan hay Bangladesh), thì dòng vốn FDI có thể sớm giải ngân trở lại. Điều này có thể kiểm chứng qua thực tế là trong năm tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký ở mức cao, đạt 18,4 tỉ đô la Mỹ (tăng 66,1% so với cùng kỳ), nhưng giải ngân mới chỉ đạt 8,9 tỉ đô la Mỹ và tỷ lệ giải ngân đạt 48,4% - thấp hơn mức trung bình 66,3% trong năm 2024. Khi thông tin rõ ràng hơn, giải ngân vốn FDI sẽ cải thiện, tăng nguồn cung ngoại tệ và hỗ trợ trở lại cho cán cân thanh toán, từ đó giúp tỷ giá ổn định hơn.

Nhìn xa hơn, khi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan đã được định hình rõ ràng, bao gồm cả chính sách giảm thuế trong nước Mỹ và tăng thuế đối ứng với các quốc gia bên ngoài, khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới có thông tin rõ ràng để đánh giá tác động trước khi thực hiện điều chỉnh lãi suất. Dự báo Fed sẽ chưa giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 7-2025 nhưng có thể bắt đầu thực hiện cắt giảm vào tháng 9-2025 và có thể tiếp tục xu hướng cắt giảm dài hạn hơn sau đó. Khi đó, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ có thể thu hẹp dần, thậm chí chuyển sang trạng thái dương, giúp giảm áp lực dòng vốn chảy ra và có cơ sở để thu hút thêm vốn ngoại tệ chảy vào. Dòng vốn tài chính là một trong những động lực quan trọng giúp bổ sung ngoại tệ vào và đảm bảo ổn định tỷ giá.

Trịnh Duy Viết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ty-gia-lieu-se-ra-sao-sau-thoa-thuan-thue-quan-voi-my/