Trồng lúa hữu cơ xuất khẩu ở Gò Công Tây

Gò Công Tây nằm ở phía Đông tỉnh Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.

Thăm quan mô hình trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.

Thăm quan mô hình trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.

Với hàng chục ngàn ha canh tác mỗi năm 3 vụ, khu vực này được xem là vựa lúa gạo hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu của tỉnh. Phát huy lợi thế này, huyện hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác, tuyển chọn giống tốt, giống đặc sản và ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư thâm canh nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu.

Trồng lúa hữu cơ gắn với doanh nghiệp bao tiêu, giải quyết đầu ra đã giúp cho nông dân an tâm đầy mạnh sản xuất được địa phương triển khai gần đây là mô hình mới, đang mở ra hướng phát triển bền vững cho cây lúa và nghề trồng lúa tại huyện Gò Công Tây hôm nay.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây Mai Đức Tấn cho biết, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Gò Công Tây quan tâm khuyến nông, khuyến khích nông dân chú trọng chuyển đổi từ trồng lúa thường sang trồng giống lúa chất lượng cao xuất khẩu mà chủ lực là giống VD 20 đặc sản, hướng bà con áp dụng kỹ thuật canh tác theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo quy trình trồng lúa hữu cơ đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không gây ô nhiễm môi trường, môi sinh kết hợp trồng hoa bờ ruộng dẫn dụ thiên địch theo mô hình công nghệ sinh thái phòng chống rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá,…

Từ định hướng này, Gò Công Tây đã mở rộng vùng trồng lúa VD 20 đặc sản lên khoảng 2.500 ha canh tác mỗi năm 3 vụ, chiếm trên 25% tổng diện tích canh tác toàn huyện. Đây cũng là địa phương có vùng canh tác giống VD 20 tập trung lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Lúa giống VD 20 chất lượng cao, dẻo, thơm, được thị trường ưa chuộng nên luôn bán được giá cao.

Cùng đó, địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khầu khó tính, nông dân an tâm đẩy mạnh thâm canh theo khoa học công nghệ. Đi đầu có các doanh nghiệp như Công ty TNHH HK, Doanh nghiệp Hai Thanh, Công ty TNHH Vinh Hiển, Doanh nghiệp Hoàng Thiện… với diện tích liên kết theo mô hình cánh đồng lớn lên đến 2.500 - 3.000 ha/năm.

Đáng chú ý, Công ty TNHH HK còn xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật canh tác, định hướng nông dân trồng lúa VD 20 theo quy trình hữu cơ, nâng cao giá trị hạt gạo và mạnh mẽ thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính. Tại Gò Công Tây, Công ty TNHH HK hợp đồng liên kết với nông dân thực hiện khoảng 100 ha lúa hữu cơ tại hai xã Đồng Thạnh và Vĩnh Hựu đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.

Lúa VD 20 hữu cơ theo mô hình liên kết sản xuất được Công ty TNHH HK bao tiêu với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg không chỉ bảo đảm thu nhập cho bà con mà còn là động lực để nông dân gắn kết doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hạt gạo trên thị trường xuất khẩu nói chung.

Dự kiến, vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tới, huyện Gò Công Tây sẽ mở rộng vùng trồng lúa VD 20 theo quy trình hữu cơ lên gấp đôi hiện nay, khoảng 200 ha tại các xã trọng điểm Đồng Thạnh, Vĩnh Hựu, Bình Phú, Bình Nhì.

Là người nhiều năm tiên phong trồng lúa hữu cơ đạt kết quả cao, ông Cao Hồng Tiết - ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây cho biết, ông chuyển từ trồng lúa thường sang canh tác giống VD 20 đặc sản, chất lượng cao nổi tiếng ở Tiền Giang trên diện tích canh tác 2 ha; đồng thời áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất. Ông chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn cho sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.

Mô hình trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây.

Lúa trồng theo quy trình hữu cơ nên được Công ty TNHH HK bao tiêu với giá cao hơn thị trường bình quân 200 đồng/kg. Đầu ra yên tâm và lợi nhuận mang lại cao hơn hẳn trước đây. Vụ Hè Thu 2020, năng suất thu hoạch khoảng 50 tạ/ha và giá bán lên đến 8.400 đồng/kg, ông Tiết thu khoảng 84 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo gương ông Tiết, cánh đồng hàng trăm ha ở xã Đồng Thạnh nhiều năm nay dần chuyển sang trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu.

Giám đốc Công ty TNHH HK Châu Minh Hải cho biết, cùng với chuyển giao quy trình công nghệ canh tác theo hướng hữu cơ an toàn cho sức khỏe và đảm bảo môi sinh, môi trường, tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu, năm 2020, doanh nghiệp đã đăng ký và được công nhận thương hiệu gạo VD 20 – đặc sản Gò Công đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 2 sao. Đây là bước tiến mới trên đường xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đặc sản Gò Công Tây, thiết thực đưa nghề trồng lúa phát triển mạnh và bền vững.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trong-lua-huu-co-xuat-khau-o-go-cong-tay-20201007091710275.htm