Trồng mắc ca không chỉ là chuyện xuống giống
ĐBP - Gần đây, tại một số địa bàn, các hộ dân đã tự phát trồng cây mắc ca ngoài quy hoạch mà chưa có các thông tin đầy đủ về loài cây này. Tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu thiếu sự tính toán cẩn trọng và nóng vội đầu tư theo kiểu tự phát sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Thực tế thì việc trồng mắc ca không đơn giản chỉ là chuyện xuống giống như một số loại cây trồng khác, mà yêu cầu quy trình, kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là chất lượng giống cây trồng. Trước thực trạng đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không tự ý trồng và tiếp tục mở rộng diện tích loại cây còn khá mới mẻ này khi chưa có quy hoạch.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng, nhà đầu tư tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng mắc ca theo hình thức liên kết, tránh trồng kiểu tự phát để đảm bảo lợi ích kinh tế.
Quả mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” trên thị trường và triển vọng có thể mang lại nguồn thu lớn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Bởi vậy, thời gian qua tỉnh ta tăng cường công tác mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng mắc ca; cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực, chủ động kết nối, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng mắc ca theo hình thức liên kết hợp tác xã để đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia. Nhờ đó đến nay toàn tỉnh có 11 dự án trồng mắc ca của 10 nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng 71.415ha, với tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng.
Đến nay, tổng diện tích mắc ca được trồng trong quy hoạch 3.498ha cây mắc ca. Tuy nhiên, ngoài diện tích trên, người dân một số địa bàn tự phát trồng không theo quy hoạch, định hướng phát triển của chính quyền các cấp. Nguyên nhân là những năm gần đây, giá cả của nhiều loại nông sản là cây trồng chủ lực thiếu ổn định, nhất là giá cà phê, cao su... khiến không ít người nông dân tìm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cũng trong thời điểm này, nhiều nguồn thông tin về cây mắc ca phù hợp điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân chuyển sang trồng cây mắc ca.
Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về diện tích cây mắc ca do người dân trồng tự phát, nhưng điều đáng lo là hầu hết các hộ dân trồng cây mắc ca đều khá mơ hồ về quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thị trường đầu ra loại nông sản này. Đặc biệt, chất lượng cây giống là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại đối với những người trồng mắc ca. Thậm chí, nhiều người tìm đến cây mắc ca chỉ qua kênh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc một số đơn vị cung ứng giống ở nơi khác về địa bàn giới thiệu.
Điển hình, tại huyện Nậm Pồ ngoài 2 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, hiện người dân một số xã trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã Nậm Chua, Nà Khoa, Nà Hỳ, Vàng Đán... tự mua cây giống trồng mắc ca, với tổng diện tích khoảng 40ha. Nhiều hộ dân trồng xen canh, nhưng cũng có hộ trồng theo kiểu chuyên canh, chuyển đổi cây trồng khác sang để trồng mắc ca.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Để kiểm soát tốt tình hình phát triển cây mắc ca tại địa phương, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở sản xuất, mua bán giống; khuyến cáo người dân không nên tự phát trồng cây mắc ca. Huyện cũng yêu cầu UBND các xã cần tăng cường công tác kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý trồng cây mắc ca, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương.
Tương tự, tại huyện Mường Nhé, ngoài 452,22ha mắc ca do Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc) triển khai thực hiện, thì một số hộ dân tự trồng. Đặc biệt, năm 2019, mỗi xã tham gia trồng 1ha.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Huyện thường xuyên rà soát, kiểm tra diện tích trồng mắc ca cả trong và ngoài quy hoạch. Để người dân không tự ý mua giống mắc ca về trồng, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng theo hình thức liên kết hợp tác xã. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được một hợp tác xã mắc ca do người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và hợp tác xã liên kết thực hiện.
Cây mắc ca dù được đánh giá có nhiều tiềm năng về kinh tế, nhưng nếu trồng không theo quy hoạch, đúng quy trình kỹ thuật và chất lượng cây giống sẽ gây hệ lụy lớn. Vì vậy, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về việc phát triển loại cây này; tuyệt đối không để người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Về phía người dân không nên nóng vội, đua nhau trồng cây mắc ca trong khi chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, vì sẽ gây thiệt hại cho nông dân. Hơn nữa, cây mắc ca là cây trồng mới, cần thời gian đánh giá một cách chính xác và toàn diện loài cây này có phù hợp để trồng đại trà hay không. Mặt khác, thị trường về mắc ca trong nước chưa hình thành. Đặc biệt, đây là cây trồng dài ngày, sau 6 - 7 năm mới cho thu hoạch, tiền đầu tư lớn.
Để ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô trồng cây mắc ca theo kiểu tự phát, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trồng mắc ca. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, phát triển cây mắc ca trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc phát triển mắc ca tự phát, thực hiện quản lý giống, quy trình kỹ thuật trồng mắc ca theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng mắc ca tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về giá trị cây mắc ca; định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh và lợi ích khi tham gia thực hiện các dự án mắc ca, tránh tình trạng người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch.