Trồng mận trong mùng lưới mang hiệu quả kinh tế cao
Phát triển mô hình trồng mận, nhiều nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Lợi (Châu Thành, An Giang) đã mạnh dạn áp dụng phương pháp bao lưới cho vườn. Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế những tác hại của sâu bệnh, đặc biệt là đối tượng ruồi vàng hại trái. Từ đó, giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trồng mận trong mùng lưới giúp hạn chế tác hại của sâu bệnh, ruồi vàng
Trồng mận sạch
Những năm qua, Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng và điều kiện tự nhiên. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp, nông dân không còn độc tôn trồng cây lúa, thay thế bằng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong số các mô hình đã chuyển đổi trên địa bàn thì trồng mận trong mùng lưới được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Là một trong những người khởi xướng mô hình trồng mận trong mùng lưới, ông Đỗ Hất Ô cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu canh tác cây lúa, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2017, sau khi tìm hiểu thông tin tại nhiều địa phương, ông Ô mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất để trồng mận hồng đào đá. Trong quá trình canh tác, thấy nhiều nông dân ở TP. Cần Thơ áp dụng phương pháp trồng trong mùng lưới nên ông mạnh dạn áp dụng theo.
Với 4 công đất, ông Ô đầu tư 25 triệu đồng mua lưới phủ cả vườn, nhờ chăm sóc tốt nên chỉ sau 18 tháng bắt đầu cho trái. Với 130 gốc, đợt đầu tiên gia đình ông thu hoạch 3 tấn trái, bán với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 45 triệu đồng. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Ô tiếp tục mở rộng diện tích vườn lên khoảng 2,5ha, đồng thời trồng thêm giống mận An Phước.
Sau 5 năm phát triển mô hình, ông Ô cho biết, chỉ mất từ 7-8 triệu đồng/công để đầu tư mua lưới mà có thể sử dụng ít nhất 3 năm. Từ việc bao lưới đã giúp ông tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhân công phun thuốc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất.
“Từ lúc bắt đầu trồng, tôi đã sử dụng phương pháp phủ lưới. Do đó không so sánh được chi phí giữa trồng trong mùng và ở ngoài như thế nào, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là từ thời điểm cho trái đến lúc thu hoạch tôi chỉ cần phun thuốc 1 lần, cách thời điểm thu hoạch 25 ngày là đủ. Mặc dù sử dụng ít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng trái vẫn lớn, tròn, ngọt và màu sắc rất bắt mắt”.
Hiện nay, với diện tích 2,5ha, trồng chủ yếu 2 giống mận An Phước và hồng đào đá, ông Ô thu hoạch 3 vụ/năm. Với giá bán từ 10.000-20.000 đồng/kg, mỗi năm ông Ô thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/công.
Liên kết nông dân
Cũng phát triển mô hình trồng mận trong mùng lưới như ông Đỗ Hất Ô, ông Nguyễn Ngọc Trí lựa chọn cây mận hồng đào, canh tác trên diện tích hơn 2.000m2, với số lượng 128 gốc. Đến nay, vườn mận của ông Trí đã gần 3 năm tuổi và đã thu hoạch 1 đợt trái. Vụ đầu tiên, gia đình ông thu hoạch khoảng 5 tấn trái và bán với giá 10.000 đồng/kg. Hiện nay, vườn mận đang tiếp tục cho trái, năng suất được dự đoán sẽ tăng gấp đôi so với vụ đầu tiên.
Ông Trí chia sẻ: “Bước đầu cho thấy mô hình trồng mận trong mùng lưới mang lại hiệu quả kinh tế khả quan nên gia đình tôi rất yên tâm. Mận cho năng suất mỗi năm mỗi cao, lại được ưa chuộng nên đầu ra được đảm bảo”.
Hiện nay, để giúp nông dân có “diễn đàn” giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi đã thành lập Tổ hợp tác trồng mận Hòa Lợi, với sự tham gia của 5 thành viên, canh tác trên diện tích 5,2ha, do Đỗ Hất Ô là tổ trưởng. Tham gia tổ hợp tác, thành viên còn được hỗ trợ kỹ thuật cũng như vốn phát triển sản xuất…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự đánh giá, mô hình trồng mận trong mùng lưới hiện đang phát triển ở địa phương và đã mang hiệu quả cao. Thời gian tới, địa phương sẽ củng cố và nâng chất hiệu quả của tổ hợp tác, từ đó tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
ĐỨC TOÀN
Xã Vĩnh Lợi có diện tích cây ăn trái trên 32ha, chiếm 1,33% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích vườn cây ăn trái còn nhỏ lẻ, nằm rải rác trên toàn xã, chủ yếu tập trung ở ấp Hòa Lợi 2, Hòa Lợi 3 dọc theo 2 bên tuyến kênh Bốn Tổng và Nam Kênh Làng. Các loại cây trồng chủ yếu là: mít, ổi, mận, xoài… trong đó, xoài và mận là loại cây trồng có thu nhập khá ổn định.