Trồng màu giúp đồng bào Khmer có thu nhập ổn định
Bên cạnh trồng lúa, bà con Khmer ở tỉnh Sóc Trăng còn gắn bó lâu đời với nghề trồng màu, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Trở lại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu những ngày đầu năm, không khí nhộn nhịp hẳn lên bởi hình ảnh nông dân tất bật từ chuẩn bị đất, chăm sóc màu cho đến thu hoạch các loại nông sản được trồng. Không còn là hình ảnh một màu xanh riêng của cây hành tím nữa, tại các cánh đồng đã được bà con chuyển đổi sang trồng loại màu có giá trị kinh tế ổn định hơn. Trong đó nhiều nhất phải kể đến củ cải trắng.
Anh Thạch Đên ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cho biết, vụ này gia đình trồng 4.000m2 củ cải trắng. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nên củ cải trắng trúng mùa. Hiện, anh đã thu hoạch được 2 công, còn lại 2 công cũng đang chuẩn bị thu hoạch. Cũng như nhiều hộ dân gần nhà, gia đình không bán củ cải trắng tươi mà để lại làm củ cải muối để bán vì giá được cao hơn. Anh Đên ước tính, trên diện tích 4 công, ông thu về khoảng 20 tấn củ cải muối.
“Nếu mà được mùa sẽ thu về từ 5-6 tấn củ cải muối. Nếu giá 5.000 – 6.000 đồng thì cũng có lời. Trừ chi phí xong cũng lời 10 - 15 triệu đồng, thậm chí là 20 triệu đồng, nếu giá cao hơn. Cũng tùy sản lượng, nếu thu về ít thì cũng không lời nhiều. Nông sản này trồng rất ít bị lỗ vốn”, anh Đên nói.
Là vùng được biết đến nhiều hơn với nông sản hành tím. Tuy nhiên, những năm gần đây, với điệp khúc được mùa mất giá, nhiều người quay lưng với hành tím. Với nông dân, củ cải trắng được xem là cây màu “ăn chắc”, đặc biệt không phải lo về đầu ra, ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, trong khi chi phí đầu tư ít. Nếu củ cải trắng có giá thì người dân sẽ bán ngay, còn nếu giá xuống thấp thì họ sẽ dự trữ lại, phơi khô làm củ cải muối, chờ khi thị trường có giá thì mới bán ra.
Ngoài củ cải trắng thì những năm qua, nhiều bà con Khmer trồng cây rau hẹ ở Sóc Trăng cũng có thu nhập cao và ổn định. Loại nông sản này được trồng nhiều nhất ở huyện Mỹ Xuyên với các xã Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú…
Bà Danh Thị Phal, ở xã Tham Đôn cho biết, gia đình có gần 20 năm làm nghề trồng màu, theo đó, những năm gần đây, bà luôn dành hơn 1.000m2 đất bờ kênh để trồng rau hẹ. Cây hẹ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp lại cho thu hoạch quanh năm. Cứ cách 2-3 ngày là bà lại thu hoạch một lần. Thời điểm rau hẹ cho bông nhiều nhất, một lần thu hoạch, gia đình cũng kiếm trên 1 triệu đồng/công. Ở mùa khô này, dù cây rau hẹ phát triển kém hơn, nhưng vẫn cho thu nhập khá vì được giá.
“Tôi trồng hơn 1 công, cũng kiếm được 500.000-700.000 đồng. Mỗi lần thu hoạch, bỏ cách 2 ngày, nếu trồng nhiều thì thu hoạch được nhiều”,bà Danh Thị Phal nói.
Theo người dân trồng hẹ, loại cây màu này thu hoạch được cả lá và bông, đặc biệt cây phát triển lâu, kéo dài từ 2,5 - 3 năm mới phải trồng lại. Trong khi mùa nắng cây rau hẹ cho giá rất cao, có năm, giá lên tới 50.000 đồng /kg, người dân có thể kiếm thu nhập 5 - 8 triệu đồng mỗi công, mỗi tháng. Hiện nay, nhiều hộ còn trồng theo mô hình VietGAP và đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, giúp giảm nhiều chi phí và sức lao động.
Ông Chung Ngọc Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tham Đôn cho biết: “Trên địa bàn xã Tham Đôn, ngoài cây lúa, bà con còn tận dụng trồng màu, cũng là chủ lực của xã để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, lợi nhuận, xóa đói giảm nghèo. So sánh một 1.000m2 của cây màu thì thu nhập bằng 7 công ruộng trồng lúa”.
Hiện nay, tại các cánh đồng vùng chuyên canh màu của huyện Mỹ Xuyên, đa số người dân đều dành một phần diện tích để trồng cây rau hẹ, vì đây là cây màu giúp bà con phát triển kinh tế bền vững./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-mau-giup-dong-bao-khmer-co-thu-nhap-on-dinh-997992.vov