Trong miền ký ức: Những trò nghịch dại

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Ảnh minh họa.

Ngoài “thú vui” trộm hoa quả, thì điều cốt yếu khiến lũ trẻ làng tôi ngày ấy bị gọi là “lũ trời đánh thánh vật” đến từ những trò nghịch dại, quậy phá mà hậu quả đúng nghĩa là phá làng phá xóm.

Dạo ấy, con đường trục chính của làng là đường đất khá bằng phẳng. Mà cái sự bằng phẳng ấy khiến lưu thông của người làng trở nên nhàm chán trong mắt lũ chúng tôi. Chẳng nhớ đứa nào đầu têu, nhưng tối khuya hôm ấy, cả bọn nhằm lúc đường làng không còn người qua lại, thì hì hụi ngồi khoét đất, tạo thành những cái hố chừng đặt vừa cái chảo gang. Có đứa còn tai quái hơn, bỏ cả một bãi phân trâu xuống hố. Sau đó thì sẵn rơm hai bên vệ đường, đem phủ lên trên các hố. Đấy, các cụ ngày xưa ngụy trang hố bẫy giặc, chắc cũng đến thế là cùng - cả bọn hí hửng tán thưởng lẫn nhau.

Những cái bẫy phát huy hiệu quả tức thì. Sáng sớm hôm sau, người làng tôi trên đường đi chợ, chốc chốc lại nghe vang lên tiếng ối, oái kèm những câu chửi thề. Khổ thân nhất là mẹ thằng Ốc Sẹo, chở khay đậu phụ nóng hổi đến gần cổng chợ thì bánh trước xe đạp thụp xuống đúng cái hố có bãi phân trâu. Người xe ngã lăn kềnh ra đất, lấm lem phân trâu, khay đậu phụ thì văng tung tóe, nát bét. Trưa hôm ấy, đại bản doanh gốc sung cổ thụ ở bến nước tịch không một bóng con nít. Đến tận hai ngày sau, mông và lưng đứa nào cũng còn hằn lên những “con lươn” to như ngón tay cái. Thằng Ốc Sẹo còn bị mẹ nó bắt đi hót phân bò nguyên tuần trời.

Dù sao thì mấy cái hố bẫy ấy chỉ tồn tại chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nên chỉ khiến người làng tôi bực dọc ít lâu. Nhưng vẫn còn đó những trò oái oăm khác khiến xóm làng tối nào cũng náo động, trong đó có trò chọc chó. Đến giờ ngẫm lại, chúng tôi cũng chẳng hiểu vì sao ngày xưa lại chơi trò này, vì chẳng nhằm mục đích gì cả. Chỉ đơn giản là mỗi buổi tối, cả bọn rong ruổi từ làng trên đến xóm dưới, hễ nhà nào có nuôi chó thì bày trò huýt sáo, đập cổng, ném đá khiến con chó rồ lên, sủa váng trời rồi lao ra đuổi, đánh động toàn bộ chó trong làng cùng sủa tạo nên một dàn hợp âm inh tai nhức óc. Cả lũ vừa chạy vừa la hét ầm ĩ như vỡ đê, có khi gặp con chó to quá, dữ quá, còn vấp chân nhau ngã sấp mặt. Có lẽ, trò này chỉ duy nhất một mục đích là mang đến cho cả lũ cảm giác được mạo hiểm, kiểu như được bơm một liều Adrenaline thẳng lên não vậy. Mà thật ra, nhờ có cái trò chọc chó, mà làng tôi mới bớt được mấy phần... êm đềm, trở thành miền quê... sôi động trong ký ức.

Nhà lão Chột có con chó vện dữ lắm, thứ chó lai Béc-giê to như con bê ấy nên chẳng đứa nào dám chọc vào. Có lẽ vì thế mà nó được đà, đuổi cắn bất cứ đứa trẻ nào đi ngang qua cổng, mà khổ cái là muốn đi đến sân kho phải đi qua nhà lão Chột. Mỗi lần phải đi qua đây, đứa nào đứa nấy phải chuẩn bị tinh thần chạy bạt mạng, đông thì còn đỡ sợ, chứ nhiều đứa đi một mình đã bị con chó lùa phải lao cả xuống mương, khối đứa còn lưu vết răng con vện ở bắp chân, ở mông. Lão Chột là một gã say rượu cay độc với con nít, mà có lẽ với cả làng ấy, tôi sẽ kể về lão trong dịp sau.

Tối hôm đó, sau khi kết thúc trận bóng bưởi, thằng Phềnh thủ môn tung tẩy “quả bóng” trên tay ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói dứt khoát, rằng sẽ bắt con vện phải “trả nợ máu”. Vết răng của con vện vẫn khiến nó chưa ngồi bệt được mấy ngày qua.

Chúng tôi đã trừng trị một số con chó dữ thế này rồi, nên cả bọn nhìn nhau hồi lâu rồi gật đầu “chốt kế hoạch”. Một cái hố được đào để vùi 4 “quả bóng”, một đống lửa được đốt bên trên.

Quý độc giả đã đọc “Tuổi thơ dữ dội”, hẳn nhớ cách Lượm dùng quả bòng nướng trừng trị con chó lông sói của tên Đội-lùn. Tối hôm đó, đám trẻ làng tôi cũng trừng trị con chó của lão Chột hệt như vậy. Một tiếng rú thảm thiết vang lên trong đêm và từ đó về sau, cứ đám trẻ chúng tôi đi ngang qua là con chó cụp đuôi lủi vào cổng. Từ xa, nó nhe bộ hàm trơ lợi ra gầm gừ dọa dẫm trông đến tội. May nó vẫn còn mấy cái răng hàm để ăn và sống thêm được ít lâu trước khi bị chính chủ nó biến thành món nhậu. Khỏi phải nói lão Chột điên đú thế nào, lão tìm đến tận nhà từng đứa để tố cáo, đe dọa. Nhưng lần này chẳng đứa nào bị đòn, vì chủ tớ con chó chuyên cắn càn đó đều là “hung thần” của người làng.

Trong “nhật lý thời gian” về những trò nghịch dại còn nhiều lắm, như là thằng Mắt Híp buộc dây ngang hông con chuột, đầu dây buộc cái giẻ tẩm dầu. Một lát sau thì cả làng náo động đi lấy nước dập đám hỏa hoạn ở chợ. “Thủ phạm” là con chuột kéo theo cái mồi lửa đằng sau, hoảng loạn, điên cuồng chui khắp các lều quán trong chợ để tìm chỗ trốn; chạy đến đâu, lửa bén vào các mái tranh, vách nứa đến đấy.

Thực ra thì, có đứa trẻ nào lớn lên từ làng hồi ấy, mà không nghịch dại như thế. Nhưng ngẫm lại những hậu quả mới thấy, không nên vì thú vui của mình mà làm tổn hại đến người khác.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/trong-mien-ky-uc-nhung-tro-nghich-dai/28400.htm