Trong mọi hoàn cảnh, bộ đội không thiếu rau xanh
Đóng quân trên địa bàn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi cho công tác tăng gia sản xuất (TGSX), song trong nhiều năm qua, Lữ đoàn Pháo binh 40 luôn là điển hình tiên tiến của Quân đoàn 3 về TGSX nhờ sự sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chỉ huy.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi, khu TGSX tập trung, vườn cây ăn quả, cây công nghiệp của Lữ đoàn Pháo binh 40 được quy hoạch, xây dựng bài bản, quy mô. Diện tích trồng rau rộng 10.000m2, trong đó có 3.800m2 được làm bằng khung sắt vững chãi, phủ lưới chắn côn trùng và che mưa, che nắng. Hệ thống tưới tự động được kéo đến từng luống rau với các van điều tiết nước khá khoa học. Đa dạng hóa cây trồng, kết hợp xen canh, gối vụ, chuyên canh, thâm canh các loại rau: Su hào, cải bắp, cải thảo, cải củ, cải ngọt, mồng tơi, rau gia vị… Nhờ đó mà hạn hán hay mưa lớn kéo dài cũng không ảnh hưởng nhiều đến công tác tăng gia của đơn vị, bảo đảm đủ 100% nhu cầu rau xanh cho bộ đội với giá rẻ hơn thị trường 20-25%. Rau xanh của lữ đoàn được chăm bón bằng phân vi sinh và chế phẩm sinh học do đơn vị làm nên an toàn tuyệt đối, cán bộ, chiến sĩ yên tâm sử dụng.
Cùng với đó là chuồng trại chăn nuôi được xây dựng theo tiêu chí "3 cứng" và hầm xử lý chất thải khoa học, không gây hại cho môi trường. Duy trì đàn heo hơn 230 con và 500-700 con gia cầm đẻ trứng, 800 con gia cầm lấy thịt, đáp ứng đủ thịt lợn, thịt gia cầm và trứng cho các bếp ăn với giá rẻ hơn ngoài thị trường ít nhất 7%. Phát triển các vườn cây công nghiệp, như: Cao su, hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả với hàng chục héc-ta. Tạo quỹ vốn giúp đơn vị làm tốt công tác chính sách và đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường, khu vui chơi giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội...
Trao đổi với Trung tá Trần Văn Tú, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn Pháo binh 40, chúng tôi được biết, trước đây, công tác TGSX của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì mùa khô thiếu nước trầm trọng, đất đai lại cằn cỗi. Không chùn bước trước những yếu tố khách quan đó, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn cho triển khai mô hình TGSX tập trung dưới sự điều hành thống nhất của Phòng Hậu cần. Giao cho cá nhân phụ trách trên từng vườn rau, vườn cây, chuồng trại; các cơ quan, đơn vị cắt cử luân phiên cán bộ, chiến sĩ làm việc tại khu tăng gia vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Tập trung cải tạo đất và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi. Lập đề án xin kinh phí của Bộ Quốc phòng xây dựng hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt và tăng gia. Đặc biệt, lữ đoàn còn kết hợp giữa xây dựng thao trường huấn luyện với trồng cây lấy gỗ, như: Trắc, hương, keo, xà cừ... tạo thành những "thao trường xanh", che mát cho bộ đội huấn luyện. "Khi các cấp ủy, tổ chức đảng quyết tâm lãnh đạo; hệ thống chỉ huy điều hành nhịp nhàng, khoa học và cán bộ, chiến sĩ đồng lòng thì nhiệm vụ TGSX sẽ thành công", Trung tá Trần Văn Tú đúc kết.