Ông Lý Văn Minh (SN 1960) là lao động tự do thuê nhà tại hẻm 7/1, đường Đào Trí, Khu 3, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Vợ ông qua đời ngày 13/8/2021 vì COVID-19. Sau gần 9 tháng vợ qua đời, chiều chiều, ông vẫn đều đặn thắp nhang cho vợ.
“Lúc ăn cơm thấy nhớ bà ấy lắm. Cứ tới bữa là bà hay nói chuyện này, chuyện kia”. Vợ mất, ông chỉ còn có một mình.
Ông Minh là con cả nên hay gọi là ông Hai hoặc ông Hai Minh. Vợ chồng ông Hai Minh từ Sóc Trăng lên TP.HCM làm thuê đã được hơn 10 năm. Ông làm phụ hồ, bà bán hủ tiếu. Hai người chưa từng có một đám cưới, cứ ở với nhau thành tình nghĩa vợ chồng, thấm thoát đã được gần 20 năm.
Ngày hai cữ cơm, ông qua nhà em trai lấy đồ ăn rồi đem về phòng.
Căn nhà đầu hẻm hai vợ chồng từng ở phải bán gán nợ. Ông Minh thuê tạm một căn phòng trọ ở gần cuối ngõ. Mỗi tháng ông trả chủ trọ 1triệu rưỡi tiền nhà.
Hôm nay thành phố đổ mưa, nhà em trai ngại đi chợ nên ông chỉ có cơm và cá mắm.
Thấy làm ăn trên thành phố có đồng ra, đồng vào, ông Hai đưa gia đình em trai lên thành phố làm ăn.
Sống trong con hẻm này đa phần là lao động tự do, ai mướn gì làm đó. Tương tự như gia đình ông Hai Minh, họ thường đưa họ hàng trong gia đình lên thành phố kiếm việc làm, sống cùng chung một dãy trọ.
Đầu tháng 8/2021, TP.HCM bước vào đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, riêng ngày 22/8/2021, TP.HCM ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới với gần 600 ca tử vong. Đây là đợt bùng phát lớn nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất mà Việt Nam từng trải qua.
Con hẻm này chìm trong bệnh dịch. 80% trong số 90 hộ gia đình ở đây có người mắc COVID-19. Nhà nhà dán giấy đỏ cách ly.
Bà Cao Thị Ngọc Hạnh – vợ ông Hai Minh là một trong những người không qua khỏi. Lúc vợ mất ông vẫn còn nợ 11 triệu tiền mai táng.
“Lúc bà ấy mất, tôi tính về Sóc Trăng với mẹ già. Nhưng mấy đứa trên này nó bảo là về đó thì biết mần* gì? Ông thì có tuổi rồi, yếu rồi”. (*mần: từ địa phương – tức làm, ý chỉ kế sinh nhai)
“Rồi cháu tôi bảo về đây chăm cho nó đàn gà, đau ốm bệnh tật gì thì nó lo cho. Thỉnh thoảng nó qua lại cho 500 ngàn tiền uống nước, hút thuốc vậy đó”.
“Hồi bà mới mất, vô nhà rồi nhìn đồ của bà ấy hay dùng, tôi không chịu nổi. Rồi lại phải quay ra” – ông Hai Minh lắc đầu mạnh như thể để những ký ức cũ tan biến ở trong đầu.
“Nhưng cứ buồn với nhớ mãi thế thì còn làm ăn được gì nữa, rồi mình cũng sinh bệnh. Thời gian rồi sẽ nguôi ngoai. Mình phải sống tiếp”.
Ông Hai Minh gầy tọp so với hồi tôi gặp năm ngoái. Tuy nhà không còn nữa nhưng ông Minh đã trả được tất cả các khoản nợ. Mỗi chiều về ông lại thắp hương cho vợ “xin bà cho khỏi đau cái giò*, khỏi phải uống thuốc nữa”. (giò: từ địa phương – tức chân, ý chỉ bệnh khớp). Ông chỉ chồng thuốc xếp ngay ngắn ở đầu giường.
Bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1970), quê ở An Giang cũng là người thuê nhà trong con hẻm này. Trước đây bà làm công nhân môi trường, giờ hết việc về phụ bán hàng với con.
Cuối tháng 7/2021, cả gia đình bà và gia đình em gái mắc COVID-19. 8 người đi cách ly tập trung thì chỉ có 7 người về. Mãi đến Tết Nguyên đán, bà và gia đình mới đưa tro cốt của em gái bà về được An Giang.
Hôm nay trời mưa, gia đình bà và em gái quây quần ăn cơm chung với nhau.
8 tháng về trước, một bữa cơm bình dị như thế này là điều không tưởng
Gia đình bà Hậu cũng vừa mới có thêm thành viên. Bé Na là cháu ngoại của em gái bà.
“Cái mặt, cái mặt là giống hết bà ngoại này.” – cả nhà bà Hậu nựng đứa cháu nhỏ mới ra đời. Mỗi người một câu.
“Bé Na ra đời là cái bù đắp lớn nhất. Hồi bà mất, mẹ cũng bệnh (mắc COVID-19) mà vẫn ra đời được khỏe mạnh là giỏi lắm đó”.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 là một thời kỳ lịch sử khó có thể quên đối với bất cứ người dân nào của TP.HCM. Đây là thời điểm nguồn cung vaccine còn rất hạn chế. Dịch bệnh len lỏi vào từng ngõ ngách, không kể mái nhà của người giàu hay người nghèo, đổ ập lên đầu họ. Không ai biết đã có chính xác bao nhiêu cuộc chia tay không kịp nói lời từ biệt.
Sau cơn mưa trời lại rạng. Thành phố lại cựa mình sống lại, xe lại kẹt trên đường lớn, dòng người lại hối hả.
Tại con hẻm này, bụi nhài đầu ngõ đã nở hoa. Khói bếp lại quấn quýt trong những căn nhà nhỏ. Trong mùi nhang đã thoảng mùi cơm mới./.
Thi Uyên/VOV.VN