Trồng na trái vụ ở Phong Niên

Na chính vụ thu hoạch vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, thời gian thu hoạch ngắn, còn na trái vụ cho thu hoạch từ 2 đến 3 tháng và kéo dài đến tháng 11 - 12 âm lịch. Do sản lượng ít nên na trái vụ tiêu thụ nhanh và giá bán cao gấp 2 lần so với na chính vụ.

Về xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng) thời điểm này, na trái vụ đang vào mùa thu hoạch rộ. Một số hộ cho biết: So với các cây trồng truyền thống, cây na trái vụ có ưu điểm hơn hẳn, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, lại khắc phục được tình trạng được mùa - mất giá.

Thu hoạch na trái vụ ở Phong Niên.

Thu hoạch na trái vụ ở Phong Niên.

Những ngày này, vợ chồng chị Lù Thị Thủy, ở thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên bận rộn với việc thu hoạch na trái vụ. Chị Thủy cho biết: Gia đình chị là một trong những hộ đi đầu về trồng na trái vụ ở Phong Niên. Sau gần 10 năm kiên trì, nhẫn nại bám đất trồng na, gia đình chị đã biến vùng đất khô cằn thành đồi na tươi tốt, trĩu quả.

Năm 2013, chị Thủy trồng thí điểm 400 gốc na, đến năm 2017 na bắt đầu cho trái. Nhưng na chính vụ thường thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, có nhiều hộ thu hoạch cùng thời điểm dẫn đến giá bán na không cao. Vì vậy, chị đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ. Kết quả, diện tích na được thụ phấn nhân tạo cho quả to, tròn đều hơn thụ phấn tự nhiên. Chất lượng na trái vụ không khác so với na chính vụ, mà giá bán lại cao hơn, hiệu quả kinh tế gấp đôi.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng na trái vụ, chị Thủy cho biết: Trồng na không cần kỹ thuật phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Muốn na chín sớm hay chín muộn đều do kỹ thuật cắt cành, có thể điều chỉnh thời điểm na chín để tăng giá trị của na. Biện pháp để na ra trái vụ là cắt, tỉa cành cho cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ, sau đó bọc túi ni lon từng quả để tránh ruồi vàng, các loài côn trùng chích, hút.

Với cách làm này, từ năm 2018, gia đình chị Thủy bắt đầu được thu hoạch na trái vụ. Na trái vụ có giá bán từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần na chính vụ, tiêu thụ rất thuận lợi, chín đến đâu tư thương về tận vườn thu mua đến đó. Hiện nay, gia đình chị Thủy có 2.000 gốc na, ước tính vụ na này cho gia đình thu hoạch khoảng 2 tấn quả, trị giá khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Lương Đức Luân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Niên, trên địa bàn xã có vài chục hộ trồng na, tuy nhiên chỉ có ít hộ đã áp dụng kỹ thuật để cho na ra trái vụ, tăng thêm thu nhập như gia đình chị Lùng Thị Thủy.

Xã Phong Niên hiện có khoảng 70 ha na, với hàng nghìn gốc na được các hộ duy trì trồng và phát triển từ nhiều năm nay, tập trung chủ yếu ở các thôn Cốc Sâm 2, cốc Sâm 5 và Cán Hồ. Ông Phạm Viết Hưng, Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết: Từ thành công của mô hình trồng na trái vụ đầu tiên ở Phong Niên, thời gian tới, cùng với các cây trồng chủ lực như bưởi, nhãn, xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình trồng na trái vụ, đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu “Na dai Phong Niên” thành sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349340-trong-na-trai-vu-o-phong-nien