'Trồng người' bằng nghệ thuật
Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đau đầu chờ chính sách giải quyết cho hàng nghìn nghệ sĩ, vận động viên hết tuổi nghề chưa đến tuổi nghỉ hưu, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phải ngày đêm giải bài toán thiếu giáo viên dạy các môn nghệ thuật.

Nghệ sĩ Hòa Minzy giao lưu với học sinh tại trường học. (Nguồn: Facebook)
Tại Hội thảo khoa học “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam” năm 2024, PGS.TS Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê đến năm học 2023-2024, trên cả nước có khoảng 2.400 trường THPT.
Nếu chỉ tính mỗi trường cần ít nhất một giáo viên âm nhạc và một giáo viên mỹ thuật, bậc THPT đang thiếu khoảng 4.800 giáo viên hai bộ môn này. Ngoài ra, trên thực tế dù được học trong nhiều năm phổ thông nhưng phần lớn học sinh đều ngơ ngác khi nhìn nốt nhạc và mù mờ về mỹ thuật.
Mới đây, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hôm trước làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên. Cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, ký hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế thôi, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ”.
Gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm đang nhận được nhiều quan tâm và hưởng ứng từ dư luận. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng sao không liên kết giữa giáo dục và văn hóa, sẽ giải được bài toán Tổng Bí thư đưa ra.
Thứ nhất, với ngành giáo dục, không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt đội ngũ giảng dạy nghệ thuật mà còn góp phần đưa văn hóa, nghệ thuật vào trường học một cách sống động hơn. Các em không chỉ học qua sách vở, mà còn được trực tiếp trải nghiệm, tiếp xúc với những nghệ sĩ có chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
Thứ hai, với lĩnh vực nghệ thuật, thể thao có thể giải bài toán cho các nhân lực hết tuổi nghề chưa đến tuổi về hưu. Nếu được tạo điều kiện tham gia giảng dạy, những nghệ sĩ múa, vận động viên có thể vừa đảm bảo thu nhập, vừa giữ lửa đam mê, đồng thời đóng góp vào việc giáo dục nghệ thuật cho học sinh, tránh tình trạng lao động nghệ thuật bị bỏ rơi khi hết thời kỳ đỉnh cao. Bên cạnh đó, giúp học sinh tiếp cận thực tiễn mà còn tạo không gian phát triển tài năng, phát hiện ra tài năng từ sớm cho đất nước.
Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương tăng cường giáo dục toàn diện, giúp học sinh không chỉ giỏi lý thuyết mà còn am hiểu văn hóa truyền thống, có khả năng cảm thụ nghệ thuật từ những người thực hành nghề. Điều này không chỉ giúp truyền cảm hứng mà còn đảm bảo chất lượng giảng dạy nghệ thuật tại trường học.
Thực tế, tại một số địa phương như Quảng Trị, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình “trường học hạnh phúc” trong đó nghệ sĩ, đạo diễn, nhà báo, bác sĩ được mời đến giao lưu, dạy kỹ năng mềm, kể chuyện truyền cảm hứng. Học sinh học qua talkshow, vẽ tranh tường, dựng kịch ngắn...
Tại Hà Nội, Viện Goethe đã phối hợp với các nghệ sĩ đương đại tổ chức lớp học nghệ thuật tại trường học phổ thông, giúp các em học cách cảm nhận và phản ánh cuộc sống qua nhiếp ảnh, âm thanh, hội họa. Đây là mô hình gần giống với “Artists in Schools” ở Anh – nơi nghệ sĩ không chỉ trình diễn, mà đồng hành cùng giáo viên để tạo ra các tiết học truyền cảm hứng.
Trong bối cảnh hiện tại, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở ra một ý tưởng mới mẻ, đầy tính nhân văn và khả thi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp ngành và sự chung tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nếu làm tốt, không chỉ các em học sinh được tiếp cận nghệ thuật từ những người thực hành chuyên nghiệp, mà các nghệ sĩ cũng sẽ có cơ hội nối dài hành trình nghệ thuật của mình theo cách bền vững.
Bắt tay giữa giáo dục và văn hóa - đó không chỉ là một hướng đi, mà là một cách để “trồng người” bằng nghệ thuật, để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được trao truyền hiệu quả qua từng thế hệ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trong-nguoi-bang-nghe-thuat-315148.html