Trông người để ngẫm đến mình (Bài 1): Quan chức cỡ nào mới được ngồi hạng thương gia?
Mới đây, trong bài viết có tựa đề 'Tiêu tiền ngân sách', Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra một câu chuyện khiến nhiều người dân không khỏi bất ngờ: 'Đại diện các cơ quan quốc tế cho Việt Nam vay tiền thì đi hạng phổ thông, tiết kiệm. Còn người đi vay tiền thì ngồi ghế hạng thương gia'.
Tại sao lại có sự việc ngược đời như vậy, vị chuyên gia giải thích: “Bộ Tài Chính quy định cấp Thứ trưởng được đi máy bay hạng thương gia, bất kể chặng bay dài hay ngắn. Vì thế, khi đi máy bay từ Hà Nội vào TP HCM, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, còn giám đốc Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các cơ quan của Liên Hợp Quốc thì lại đi hạng phổ thông hết cả. Vì Liên Hợp Quốc và rất nhiều nước quy định, đi máy bay quá 8 tiếng đồng hồ mới được đi hạng thương gia, bởi trong thời gian đó có thể ngủ để sáng hôm sau đến nơi có thể làm việc được, còn đi từ Hà Nội vào TP HCM thì không cần đi hạng thương gia”.
Đem câu chuyện trao đổi với nhiều công chức, chúng tôi đều nhận được xác nhận tương tự. Một trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của một tỉnh ở miền núi kể, khi tiếp đoàn của tổ chức nước ngoài đến khảo sát: “Đoàn họ có 8 người đi chung một xe ô tô. Trong khi lên tới tỉnh thì phía đón tiếp gồm lãnh đạo tỉnh, huyện, mỗi người đều có xe riêng đưa đón, chưa kể xe của ban, ngành khác”.
Vậy quy định của các nước về vấn đề này như thế nào?
Từ chức vì chuyến bay xa xỉ
Theo Washington Post, năm 2018, Scott Pruitt – Cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã bị dư luận phanh phui những chuyến du lịch sang trọng cùng sự xa xỉ trên khoang hạng nhất.
Người dân cho rằng tiền thuế mà họ vất vả nộp cho nhà nước phải chi trả cho chiếc ghế hạng nhất (1.641 USD) từ Washington DC đến New York hoàn toàn không xứng đáng. Chi phí này cao gấp 6 lần so với một chiếc ghế hạng phổ thông. Trong khi chuyến bay từ DC đến New York không dài quá 14 giờ. Và Pruitt rất khỏe mạnh.
Chưa kể, hai ngày sau, chuyến bay dài 59 dặm (chỉ khoảng 95km) của ông ta từ Cincinnati đến New York trị giá tới 36.068 USD. Sau đó, chuyến bay cá nhân của ông ta đến Rome cũng tiêu tốn khoảng 7.000 USD. Tóm lại, trong vòng 6 tháng, người ta thống kê chỉ riêng các chuyến bay của vị quan chức này đã tiêu tốn hơn 90.000 USD ngân sách. Chưa kể, Scott Pruitt còn ở trong những khách sạn hạng nhất ở mỗi thành phố ông ta đến thăm.
Dư luận đặt câu hỏi: Điều này có cần thiết không? Đây có phải là cách phân bổ tiền thuế từ người dân trong khi đang có rất nhiều nhu cầu cấp bách của quốc gia cần được xử lý?
Theo pháp luật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, quan chức chính phủ khi đi du lịch bằng ngân sách nhà nước buộc phải thực hiện những quy định nghiêm ngặt của liên bang. Từng tiểu bang cũng có những quy định cụ thể giới hạn quan chức loại nào, vì mục đích gì, với thời gian chuyến bay như thế nào sẽ được chi trả tiền vé máy bay hạng phổ thông, hạng thương gia hay khoang hạng nhất. Nguyên tắc quan trọng nhất là ưu tiên những chuyến công tác ít tốn kém nhất mà vẫn đạt được mục đích của chuyến đi.
Theo đó, trường hợp quan chức được chi trả đi khoang hạng nhất là cực kì hiếm hoi và đặc thù. Ví dụ chuyến bay phải từ 14 giờ trở lên, quan chức khuyết tật, hoặc trong hoàn cảnh an ninh đặc biệt, hoặc nếu không đi khoang hạng nhất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản chính phủ. Vụ bê bối này đã khiến Scott Pruitt phải từ bỏ chức vụ của mình.
Ngoài ông này, còn có thể kể đến Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh - Tom Price đã phải từ chức năm 2017 sau khi công khai thông tin ông đã sử dụng máy bay riêng với chi phí của người nộp thuế cho các chuyến du lịch nội địa. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều phải đối mặt với sự giám sát liên quan đến việc chi trả quá “mát tay” cho các chuyến bay xa xỉ trên tiền thuế của người dân.
Tiết kiệm ngân sách là một vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với một đất nước. Trong đó, nhiều nước trên thế giới đều có quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng ngân sách cho việc đi lại của các quan chức chính phủ.
Đơn cử, tại Hoa Kỳ, các cơ quan lập pháp liên bang và Tòa án tối cao có bộ quy tắc riêng điều chỉnh việc đi lại của mỗi cơ quan này. Điều này nhằm hạn chế các nghị sĩ không được phép sử dụng các nguồn lực của chính phủ nhằm phục vụ các cuộc vận động chính trị hoặc những công việc riêng.
Vấn đề “sống còn” của Liên Hợp Quốc
Vấn đề quan chức được bay hạng nhất, hạng thương gia hay hạng phổ thông là một vấn đề đã được Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra thảo luận từ vài thập kỷ nay. Chính sách của Liên Hợp Quốc (UN Travel Policy) quy định: quyền được đi lại bằng hàng không của các quan chức, đại diện các cơ quan thuộc LHQ không có nghĩa là các chủ thể luôn được sử dụng tiền ngân sách để mua vé ở ở hạng phổ thông hoặc hạng thương gia; mà còn phụ thuộc vào mục đích bay, thời gian bay và các điều kiện đặc biệt của chủ thể.
Theo đó, chi phí hàng không nên được tính toán ở mức tiết kiệm nhất. Hiện, trong Chính sách Du lịch của LHQ chia ra hai hạng mức chính: Hạng phổ thông (Hạng Y) và Hạng thương gia (Hạng C). Đặc biệt, mọi chuyến du lịch trên khoang hạng nhất (First-class) đều phải có sự chấp thuận đặc biệt của Tổng thư ký LHQ hoặc phê chuẩn từ Trụ sở LHQ.
Về cơ bản, thời gian bay của hành trình của mỗi nhân viên, quan chức của LHQ sẽ quyết định họ được chi trả hạng thương gia (Hạng C) hay hạng phổ thông (Hạng Y). Cụ thể, đối tượng đầu tiên là các quan chức cấp ASG (cấp quản trị) trở lên, thành viên các ủy ban, chuyên gia, báo cáo viên đặc biệt với mục đích chuyến bay thuộc một trong những trường hợp sau: cuộc họp, tái bổ nhiệm, nghỉ phép, thăm gia đình… (theo quy định của LHQ). Đối tượng này sẽ được xếp hạng thương gia nếu chuyến bay kéo dài hơn 9 giờ hoặc hạng phổ thông nếu chuyến bay dưới 9 giờ.
Còn đối tượng là các nhân viên của LHQ và các thành viên gia đình đủ điều kiện được đi cùng; các chuyên gia dưới cấp ASG; tất cả các chuyến bay dưới 9 tiếng đồng hồ đều được xếp hạng phổ thông. Còn đối với chuyến bay trên 9 giờ, đối tượng này được chia làm hai trường hợp: với mục đích họp, bổ nhiệm, tái định cư sẽ được chi trả chuyến bay ở hạng thương gia; với mục đích thăm thân, tham quan, giáo dục… đều được xếp hạng phổ thông.
Quả thực, không phải tự nhiên, LHQ phải có những quy định rõ ràng về việc sử dụng ngân sách trong các chuyến bay hàng không của nhân viên, quan chức. Vấn đề này đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận của các cơ quan lập pháp và các cơ quan giám sát của LHQ trong ít nhất 4 thập kỷ qua. Bắt đầu từ năm 1972, Đơn vị Kiểm tra Thống kê quỹ (JIU) của LHQ đã đưa ra những số liệu đáng suy ngẫm về vấn đề chi tiêu của LHQ trong việc du lịch hàng không của các nhân viên, quan chức nói riêng; và hình thức đi lại khác nói chung (ví như bằng đường tàu, đường bộ, đường thủy).