Trồng phục hồi gần 10ha rừng

Ngày 21/5, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và chính quyền địa phương huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức Chương trình trồng phục hồi rừng tại bản Hua Tạ.

Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Bích Ngọc

Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2023 với chủ đề “Từ cam kết đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” và ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023, đồng thời thúc đẩy lan tỏa thông điệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường tới cộng đồng.

Hoạt động trồng rừng được thực hiện tại bản Pa Cốp và bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - khu vực sinh cảnh chính của loài vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp vốn đang bị đe dọa về sinh cảnh và nguồn thức ăn do rừng bị suy thoái và phân mảnh.

Trong ngày 21/5, chương trình đã trồng được hơn 5.000 cây giổi, trám, móc, đa, mắc mật, 1.000 cây dâu da xoan, phát tán gần 9.000 bom hạt trên diện tích gần 10ha, phục hồi những mảnh rừng bị suy thoái do tác động từ các hoạt động của con người.

Đây là lần thứ hai chương trình trồng phục hồi rừng được tổ chức tại Vân Hồ, trong kế hoạch dài hạn của PanNature nhằm phục hồi dải rừng tự nhiên tại đây, góp phần bảo tồn quần thể vượn đen má trắng.

Ông Trần Đức Hiển, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện Vân Hồ cho biết: “Năm 2020, PanNature cùng với cộng đồng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ đã ghi nhận quần thể 13 cá thể vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp. Trong 3 năm qua, PanNature đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu sinh thái và bảo tồn vượn đen má trắng tại Vân Hồ. Sắp tới chúng tôi đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Vân Hồ chỉ đạo ban quản lý và cộng đồng các bản Hua Tạt, Pa Cốp tiếp tục phối hợp với PanNature cùng các đơn vị liên quan quản lý tốt diện tích rừng trên địa bàn, chăm sóc diện tích rừng trồng và bảo vệ quần thể vượn đen má trắng”.

Người dân và đại biểu tham gia trồng rừng trên núi đá xã Vân Hồ. Ảnh: Bích Ngọc

Người dân và đại biểu tham gia trồng rừng trên núi đá xã Vân Hồ. Ảnh: Bích Ngọc

Tại lễ phát động chương trình, ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho hay: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ hoạt động trồng rừng do PanNature tổ chức tại Vân Hồ nhằm phục hồi những diện tích rừng bị suy thoái, góp phần bảo vệ ngôi nhà chung cho các loài động, thực vật hoang dã tại đây.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong rằng trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng PanNature triển khai các hoạt động phục hồi rừng, vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, vừa thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature chia sẻ: “Tại Vân Hồ, PanNature chọn cách phục hồi những mảng rừng bị chia cắt, suy thoái bằng cách bổ sung các loài cây bản địa và những loài cây là nguồn thức ăn chính của quần thể vượn đen má trắng quý hiếm. Chúng tôi có kế hoạch dài hạn nhằm phục hồi rừng ở khu vực này nhằm phục hồi quần thể loài vượn, đồng thời góp phần thúc đẩy các giải pháp sinh kế xanh cho cộng đồng địa phương. Trong kế hoạch này, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng địa phương, các tổ chức, cá nhân trong cả nước”.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trong-phuc-hoi-gan-10ha-rung-post461439.html