Trồng rau không bón phân, nuôi cá không thay nước mà thành triệu phú

Từng bị vợ con lẫn bạn bè phản đối quyết liệt vì làm điều 'chưa ai từng làm', người đàn ông này đã thành công chứng minh quyết định 'điên rồ' của mình là chính xác.

Giám đốc bỏ phố về ngoại thành làm nông dân

Vốn là cử nhân của một trường đại học nông nghiệp, Lưu Vĩnh Quân (đến từ Sơn Đông, Trung Quốc) đã dành ra 16 năm để tạo nên một kỳ tích cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Quân đã tự mình xây dựng được công ty riêng về chăm sóc cây xanh ở Thượng Hải. Tuy nhiên, khi cuộc sống đang ổn định, anh bất ngờ có một quyết định khiến nhiều người cảm thấy quá “điên rồ” - chuyển ra ngoại thành sống và trồng rau.

Nghĩ là làm, anh Quân liền chọn một mảnh đất ở ngoại thành Thượng Hải và bắt đầu hành trình làm nông. Anh cho rằng, việc trồng rau tại ngoại ô và đem bán trong nội thành chắc chắn sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với việc trồng rau ở vùng khác và vận chuyển về Thượng Hải.

Tuy nhiên, khởi đầu thực tế không tốt đẹp như ông tưởng tượng. Do không nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, anh bị những người thu mua ép giá đến 2 lần, dẫn đến kết quả bị lỗ hơn 100.000 NDT (340 triệu đồng).

Sau đó, anh đã điều chỉnh lại kế hoạch, chuyển sang trồng các loại rau được người Thượng Hải ưa thích và mở rộng quy mô trồng để đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp quanh năm. Lần này kết quả đã khả quan hơn. Năm 2013, anh Quân đã kiếm được hơn 5 triệu NDT (hơn 17 tỉ đồng), bước đầu khởi nghiệp coi như đã thắng lợi.

Bị người thân lẫn bạn bè phản đối vì làm điều “điên rồ” chưa ai dám làm

Không ngủ quên trên chiến thắng, anh Quân tiếp tục tìm cách tối ưu hiệu suất cho khu vườn của mình. Trong một buổi đào tạo dành cho nông dân, anh lần đầu được tiếp xúc với khái niệm Aquaponics - mô hình trồng rau nuôi cá kết hợp.Theo đó, rau và cá có thể được nuôi trồng trong cùng một không gian mà không ảnh hưởng lẫn nhau, ngược lại còn có thể phát triển mạnh mẽ.

Nhưng đối với những người nông dân ở Trung Quốc lúc bấy giờ, cá không thể sống thiếu nước, còn rau củ sẽ bị héo và thối hỏng sau khi rời khỏi đất. Làm sao chúng có thể kết hợp với nhau được?

Khi ấy, công nghệ Aquaponics cũng chưa được áp dụng trên quy mô lớn ở Trung Quốc. Trong khi những người khác còn do dự thì anh Quân đã ngay lập tức bắt tay vào thử mô hình này.

Lần này, anh bị người nhà và bạn bè phản đối quyết liệt, bởi kiến thức về Aquaponics vượt quá phạm vi hiểu biết của hầu bết mọi người lúc đó. Nói cách khác, anh Quân hoàn toàn đơn độc trên hành trình mới này.

Quá trình nuôi cá theo mô hình Aquaponics khá vất vả. Ban đầu, anh nuôi cá trong xô nhựa lớn có đường kính 3m. Sau vài tháng, một số con cá bị chết, nguyên nhân là bởi phân, cặn và các loại rác thải khác không được dọn dẹp kịp thời. Phản ứng hóa học của những những loại rác này sẽ khiến hàm lượng oxy trong nước giảm dần, với đàn cá số lượng lớn, chúng sẽ dễ bị ngạt thở mà chết.

Sau này, anh cải tiến xô với phần đáy hình phễu, giúp rác, cặn được thải ra dễ dàng hơn, không bị kẹt lại trong bể, giải quyết hiệu quả vấn đề không đủ oxy cho cá. Tiếp đó, anh trồng kết hợp rau để chính thức hoàn thành hệ sinh thái tuần hoàn khép kín.

Trong hệ thống này, phân cá và cặn thức ăn có thể phản ứng hóa học với vi sinh vật để phân hủy và biến đổi, cuối cùng trở thành chất dinh dưỡng được rau hấp thụ. Ở phía ngược lại, hệ thống rễ rau còn có chức năng lọc sạch chất lượng nước. Nước sẽ tuần hoàn trở lại ao cá, nghĩa là ao cá không cần thay nước, rau có thể phát triển mà không cần bón phân. Có thể nói, đây là một mô hình không chỉ thân thiện với môi trường mà còn dễ dàng cho năng suất cao.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau hơn nửa năm áp dụng mô hình Aquaponics, một bể cá trong trang trại bỗng xuất hiện toàn cá chết. Hóa ra, do một đường ống cấp oxy chính bị rò rỉ nên đàn cá bị chết ngạt.

Lúc này, anh Quân không khỏi lo lắng tình trạng tương tự lặp lại trong tương lai, bởi ai có thể để mắt đến những vấn đề này 24/7? Anh bèn tìm đến các trường đại học và viện nghiên cứu để tìm kiếm sự trợ giúp. Kết quả là công nghệ giám sát kỹ thuật số có thể giải quyết được vấn đề này.

Sau khi trở về trang trại, anh Quân đã lắp đặt các thiết bị thăm dò, thiết bị theo dõi theo thời gian thực cho toàn bộ khu nuôi trồng. Hệ thống thiết bị này không chỉ ghi lại hình ảnh mà còn theo dõi được cả nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, v.v. Toàn bộ dữ liệu đều được lưu trữ trên đám mây, ngoài ra người dùng có thể giám sát từ xa thông qua điện thoại. Nếu có sự cố xảy ra, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến người dùng.

Kế đó, anh còn cải tiến thùng nuôi cá với sức chứa lớn hơn, đồng thời nuôi thêm các loại cá giá cao như cá vược miệng rộng để đa dạng hóa mặt hàng. Dần dần, anh còn ký hợp đồng với nhiều nhà hàng để cung cấp thịt cá tươi ngon, không có mùi hôi tanh. Ngoài ra, anh tìm cách tạo ra mô hình Aquaponics theo tỉ lệ nhỏ để làm giáo cụ trực quan cho nhiều trường học, giúp phổ cập kiến thức về mô hình hữu ích này đến với nhiều người hơn.

Bằng việc kinh doanh riêng, kết hợp với các nhà hàng và trường học, hiện tại, mức thu nhập hàng năm của anh Quân lên đến 36 triệu NDT, tương đương hơn 122 tỉ đồng.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trong-rau-khong-bon-phan-nuoi-ca-khong-thay-nuoc-ma-thanh-trieu-phu-204240412054207413.htm