Giao thông thông minh - Tương lai của thành phố hiện đại
Đó là chủ đề của hội thảo do Tập đoàn Viettel tổ chức vào ngày 4/12, với sự tham gia của lãnh đạo Viettel tại 25 tỉnh, thành khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Tham dự có ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Giao thông thông minh (ITS) là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả. Công nghệ thông tin nói chung và giao thông thông minh – ITS nói riêng, đóng góp rất hiệu quả vào việc giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tuyên bố và sớm hành động theo hướng đưa công nghệ thông tin (CNTT) tích hợp viễn thông tới mọi ngõ ngách của đời sống. Bằng cách làm sáng tạo trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, nhiều giải pháp ITS đã được triển khai phát huy hiệu quả rất tốt để hỗ trợ cho việc quản lý và điều hành giao thông đô thị, giúp giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cụ thể như: Giải pháp bãi đỗ xe thông minh; giải pháp giám sát và xử lý vi phạm bằng hình ảnh qua hệ thống camera; giải pháp vé điện tử cho giao thông công cộng; điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh.
Đối với lĩnh vực đô thị thông minh thì Viettel đã có quá trình nghiên cứu hơn 5 năm với nhiều mô hình trên thế giới và dựa trên những đặc thù của Việt Nam, lựa chọn 9 nhóm sản phẩm bao gồm: Nhóm sản phẩm khung kiến trúc; nhóm sản phẩm hạ tầng; nhóm sản phẩm tương tác; nhóm sản phẩm lĩnh vực y tế thông minh; nhóm sản phẩm giáo dục thông minh; nhóm sản phẩm giao thông thông minh; nhóm sản phẩm an toàn, bảo mật thông tin; nhóm sản phẩm quản lý thông tin báo chí và truyền thông; nhóm sản phẩm trung tâm giám sát điều hành. Đối với mỗi địa phương, Viettel có những điều chỉnh phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đô thị thông minh phải tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời xử lý thông tin, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Viettel giữ vai trò là đơn vị tư vấn, thiết kế công cụ, giải pháp, đầu tư hạ tầng hệ thống trước cho các địa phương sử dụng đến đâu chi trả cho Viettel đến đó.
Tại hội thảo, các vấn đề được đưa ra nhằm giải quyết các tình trạng: Tắc nghẽn giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường… Với nhiều tham luận như: Giải pháp quản lý bãi đỗ xe thông minh, Giải pháp giám sát đường cao tốc hiện đại, Vấn đề giao thông trong bối cảnh đô thị hóa…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: Tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án này đã được triển khai với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bao gồm việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả; Phát triển các bãi đỗ xe thông minh; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông; Nâng cao ý thức giao thông của người dân; Ứng dụng cung cấp thông tin cho người dân và du khách; Giải pháp quản lý và điều khiển giao thông; Giải pháp bãi đỗ xe thông minh; Giải pháp vé điện tử thông minh; Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng áp dụng cho xe buýt và cảnh báo kẹt xe ở các thời điểm mật độ xe cao và dự kiến lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cũng là một mục tiêu quan trọng của tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh đang tiếp tục tranh thủ huy động hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và địa phương, tập trung nguồn lực đầu tư ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm, bức xúc về hạ tầng giao thông cả giao thông đối nội lẫn đối ngoại vẫn còn chưa hoàn thiện với mục tiêu giải quyết tất cả các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, giảm triệt để ùn tắc giao thông, tăng kết nối giao thông từ nông thôn đến đến thành thị và đến các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions nhấn mạnh: "Hôm nay, chúng ta đã có cơ hội thảo luận, trao đổi về những xu hướng mới nhất trong công nghệ giao thông, từ các hệ thống giám sát thông minh sử dụng trí thông minh nhân tạo, phân tích xử lý dữ liệu lớn để tối ưu hóa luồng giao thông giảm thiểu tắc nghẽn đến những đến giải pháp thanh toán không tiền mặt mang lại trải nghiệm nhanh chóng, an toàn cho người dân; từ các giải pháp giao thông nội đô tới giao thông đường cao tốc kết nối liên vùng, các giải pháp nâng cao ATGT và tăng hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Các bài tham luận đã cung cấp nhiều kiến thức quý báu, không chỉ về công nghệ mà còn về thông tin thị trường giao thông thông minh quốc tế, khu vực và trong nước qua đó cho chúng ta thấy được những cơ hội to lớn khi đầu tư vào giao thông minh để phát triển đô thị thông minh bền vững.
Một trong những thông điệp quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ hội thảo này là giao thông thông minh không phải là một giải pháp tách biệt, mà là sự kết hợp và đồng bộ của nhiều yếu tố, từ hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, chính sách, cho đến sự tham gia chủ động của cộng đồng. Chúng ta cần có một tầm nhìn dài hạn, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân để có thể xây dựng một hệ thống giao thông thông minh hiệu quả, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội".
Trên cơ sở đó, hội thảo đã thống nhất kiến nghị một số nội dung đối với các địa phương để xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh một cách bài bản, hiện đại phù hợp với định hướng nhà nước và khả năng của địa phương. Cụ thể, về các thành phần chức năng, xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh cung cấp tối thiểu các dịch vụ thông minh. Bên cạnh cung cấp các dịch vụ thông minh thì xây dựng hệ thống quản lý giao thông cần phải đảm bảo các nguyên tắc là: có khả năng tích hợp, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; Đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành thông minh IOC, trung tâm chỉ huy của cảnh sát giao thông và cơ quan, tổ chức có liên quan.