Trồng rau màu cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống hạn mặn và giảm nhẹ thiên tai, trong mùa khô 2023 -2024, nông dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã trồng được gần 14.000 ha rau màu, tập trung tại những địa bàn ven biển, trong nội đồng xa, vùng ảnh hưởng hạn mặn đang gặp khó khăn… Bà con đã thu hoạch đạt sản lượng gần 256.000 tấn rau màu hàng hóa.

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, qua khảo sát, trong mùa khô hạn năm nay, tình hình sản xuất rau màu thích ứng biến đổi khí hậu ở các huyện, thành vùng dự án ngọt hóa Gò Công Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công thuận lợi, nông dân trúng mùa, trúng giá. Ước tính, mỗi ha rau màu thực phẩm bà con lãi ròng trên 133 triệu đồng/ha, dưa hấu lãi trên 82 triệu đồng/ha, bắp lãi trên 100 triệu đồng/ ha,… đều cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa năng suất cao vừa giảm được nguy cơ hạn mặn gây hại trong mùa khô năm nay.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Từ thắng lợi của vụ rau màu trong mùa khô 2023 - 2024, trong hai vụ Hè Thu và Thu Đông 2024 tới, các huyện, thành trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công sẽ trồng thêm 15.400 ha rau màu các loại với sản lượng trên 315.000 tấn rau màu hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh.

Nhằm nâng cao giá trị cây rau màu thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang khuyến khích đưa cây màu xuống chân ruộng gắn với quan tâm tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân. Đồng thời, hình thành mạng lưới các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh rau màu, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn tại các địa bàn trọng điểm, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, bà con an tâm đẩy mạnh sản xuất.

Tùy theo đặc thù từng vùng, từng tiểu vùng, nông dân chọn phát triển những cây màu chủ lực và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa.

Mặt khác, nhân rộng các mô hình luân canh, xen canh hoặc chuyên canh màu trên ruộng, thích ứng biến đổi khí hậu vừa giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; giúp nông dân xây dựng cơ cấu cây trồng và mùa vụ hợp lý, hiệu quả, tăng thu nhập, giảm nhẹ thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân địa bàn khó khăn.

Hiện nay, các địa phương trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên trồng rau an toàn như Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Thạnh Trị), Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Quới (Yên Luông), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Bình Tân), Hợp tác xã rau an toàn Bình nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau quả Long Thuận (thành phố Gò Công),…

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, các hợp tác xã tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trồng rau màu theo tiêu chí GAP, trồng rau trong nhà màng hoặc nhà lưới…

Theo đó, toàn vùng có hàng trăm nhà lưới trồng rau an toàn, trên 90% diện tích sử dụng giống rau F1, hàng trăm ha rau đạt tiêu chí VietGAP,… Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) Nguyễn Thanh Quang đánh giá, việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu tưới tiêu đang được nông dân các vùng chuyên canh áp dụng rộng rãi trong canh tác rau màu.

Chưa kể, với việc đầu tư nhà lưới trồng rau an toàn, Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh đã giúp giảm sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, mỗi năm quay từ 10 - 11 vòng rau màu thực phẩm; nông dân thu lợi nhuận cao.

Đồng thời, các hợp tác xã còn liên kết với các siêu thị, bếp ăn tập thể, các chợ đầu mối trong ngoài tỉnh nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân hưởng lợi. Trung bình mỗi ngày, các hợp tác xã rau an toàn nơi đây cung ứng thị trường 39 chủng loại rau với sản lượng 2 tấn đến 3 tấn/ hợp tác xã.

Nằm ven biển Gò Công (Tiền Giang), huyện Gò Công Đông định hướng nông dân phát triển cây màu tại những địa bàn ven biển khó khăn, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai do hạn - mặn trong mùa khô hàng năm. Trong mùa khô năm nay, với trên 5.600 ha rau màu trồng, Gò Công Đông là một trong những địa phương có vùng trồng rau màu ứng phó hạn mặn lớn ở vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Trong số đó, ấp Cây Bàng (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) là ấp giáp biển, nằm phía Bắc vàm Cửa Tiểu (sông Tiền) nên bị ảnh hưởng hạn mặn vào mùa khô hàng năm rất khốc liệt. Để khắc phục, nông dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng, giảm nhẹ thiên tai theo hướng chuyển sang trồng những cây rau màu thích hợp, đặc biệt là dưa hấu.

Ông Nguyễn Văn Khuê, Trưởng ấp Cây Bàng (xã Tân Thành, Gò Công Đông) cho biết, để ứng phó hạn mặn, nông dân trong ấp đã chuyển 100% diện tích đất canh tác sang trồng rau màu trong đó có khoảng 40 ha dưa hấu trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Theo ông Khuê, dưa hấu trồng ven biển Tân Thành nổi tiếng về chất lượng được thị trường ưa chuộng, cho lợi nhuận hàng trăm triêu đồng/ ha, nông dân rất phấn khởi. Điển hình như ông Trương Văn Ra (ấp Cây Bàng, Tân Thành), trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, với 8.000 m2 dưa hấu, ông đạt sản lượng 24 tấn quả, bán giá 8.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 80 triệu đồng, cao gấp đôi trồng lúa trước đây.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trong-rau-mau-cho-loi-nhuan-tren-100-trieu-dongha-20240603101043211.htm