Trồng rau thời 4.0
Không còn vất vả đội nắng mưa cào đất, tưới rau, giờ đây vườn rau hữu cơ với diện tích hơn 3.000m2 của gia đình ông Huỳnh Kim Toàn (1966, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức chăm bón nhờ ứng dụng tự động hóa.
Không còn vất vả đội nắng mưa cào đất, tưới rau, giờ đây vườn rau hữu cơ với diện tích hơn 3.000m2 của gia đình ông Huỳnh Kim Toàn (1966, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức chăm bón nhờ ứng dụng tự động hóa.
Đến vườn rau của ông Huỳnh Kim Toàn, ngoài những sản phẩm rau sạch đang phát triển tươi tốt thì đập ngay vào mắt tôi chính là những thiết bị máy móc hiện đại được ông Toàn vận hành vào việc chăm sóc rau sạch hằng ngày. Vốn xuất thân là một kỹ sư cơ khí chế tạo máy, sau thời gian dài bôn ba tại thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, nay ông quyết định trở về mảnh đất quê hương để gần với gia đình, tổ tiên. Sinh ra trong gia đình làm nông chính hiệu, lại được học hỏi bài bản về cơ khí, ông Toàn nảy ra ý tưởng ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp để giảm thiểu được chi phí cũng như sức lực con người.
Bắt đầu từ tháng 8-2019, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân P. Khuê Mỹ, ông Toàn đã xin được khu đất bỏ trống gần nhà để thử nghiệm mô hình. Từ khu đất cao lổm chổm đá, đầy rác thải đã được ông san bằng phẳng, chia thành từng luống thẳng tắp và xử lý nguồn nước tưới đảm bảo. Song song việc cải tạo đất, ông Toàn bắt tay vào việc nghiên cứu, thiết kế hệ thống dây chuyền chăm sóc rau tự động trên chính vườn rau của mình. Tận dụng các loại sắt thép đã qua sử dụng, ông mày mò lắp ráp máy móc nhằm ứng dụng cho việc cào đất và tưới tiêu. Dàn tưới nước tự động được thiết kế có mái tôn với 10 đường ống nước có thể tưới cùng lúc gần 10 luống rau. Thao tác đơn giản, chỉ cần bấm nút trên hệ thống máy, dàn tưới của ông Toàn bắt đầu chạy trên hai đường ray trải dài cho đến hết khu vườn. "Trước đây khi máy móc còn đang được thử nghiệm, công đoạn tưới rau tốn khoảng 2 giờ mới xong. Từ khi hệ thống được hoàn chỉnh, vườn rau của tôi chỉ mất khoảng 15 phút vận hành, từng luống rau đã được cung cấp nước và chất dinh dưỡng đầy đủ. Nhìn thấy nông sản tươi tốt, tôi càng có động lực chế tạo và thử nghiệm thành công để nhiều nông dân áp dụng cho ra năng suất cao hơn", ông Toàn thổ lộ.
Cùng với dàn tưới nước, máy xới đất cũng được chế tạo hoạt động thay thế cho con người. Dù khởi đầu còn nhiều khó khăn, công việc chế tạo đều được thử nghiệm nhiều lần. Dây chuyền chạy chưa được ông lại sửa rồi lại thay đổi cho đến khi nào hoàn chỉnh mới an tâm sản xuất. Đến nay, kinh phí cho toàn bộ hệ thống được ông Toàn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Ông cho biết, diện tích càng lớn thì việc áp dụng tự động hóa trong nông nghiệp càng tiết kiệm chi phí. Vườn rau rộng hơn 3.000m2 nhưng chỉ cần có bốn nhân lực, công việc của họ chỉ nhổ cỏ và thu hoạch sản phẩm đem bán. Vườn rau hữu cơ của ông đang cung cấp cho thị trường chủ yếu các loại rau ăn lá phổ biến như: rau cải canh, cải ngồng, cải ngọt, rau muống, xà lách, rau húng. Trung bình mỗi ngày ông Toàn thu nhập từ việc bán rau gần 1 triệu đồng.
Ngoài việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, ông Toàn vẫn không quên nghiên cứu cách chăm sóc rau bằng phương pháp hữu cơ đạt hiệu quả cao. Hiểu được khí hậu hay mưa bão của miền Trung, không cần tốn kém dựng nhà kính chống sâu bọ, ông chế tạo những khung sắt thấp với chiều cao vừa tầm luống rau và che phủ bằng tấm lưới hạn chế sâu bọ. Đặc biệt, thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, ông sử dụng một loại "thuốc" tổng hợp, gồm rượu trắng, gừng, tỏi, ớt cay, thuốc lào với tỷ lệ phù hợp, ngâm một thời gian rồi đưa ra phun. Phòng trừ sâu bệnh bằng các dung dịch hữu cơ tự chế, dù thời gian cây phát triển gấp đôi nhưng thân thiện, an toàn, sản phẩm bán ra được giá, được khách hàng tin tưởng. "Quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Làm rau hữu cơ tuy khó nhưng đấy là giai đoạn đầu thôi. Còn bây giờ thì dễ lắm, cách thức đã nắm rõ rồi. Chỉ cần pha chế, ủ phân cho vào máy móc hoạt động là xong. Điều đáng mừng là rau chúng tôi làm ra được mọi người đón nhận, rau ngày nào thu hoạch bán sạch ngày đó", bà Hoàng Phương Trang (vợ ông Toàn) chia sẻ.
Không chỉ là một trong những nông dân sáng tạo và chịu khó trong công việc, ông Toàn còn là một Chi hội trưởng Hội nông dân đầy tâm huyết. Ông được vinh dự là gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi của P. Khuê Mỹ. Dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, bởi theo ông chỉ có đưa cơ giới hóa, cơ khí vào mới tăng giá trị nông nghiệp, thực hiện mục tiêu làm giàu cho nông dân.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_222094_trong-rau-thoi-40.aspx