Trồng rau trái vụ: Cơ hội để nông dân Mường Khương thoát nghèo

Những ngày này, trong khi rau bắp cải của các tỉnh dưới xuôi mới đang kỳ xuống giống, thì lứa bắp cải trái vụ trồng từ tháng 4 của nhiều hộ dân ở huyện Mường Khương lại đang mùa thu hoạch. Trên vùng cao này, bắp cải không cần tưới nước, phun thuốc trừ sâu, chỉ bỏ công chăm sóc nhưng cây nào cũng cuộn tròn, nặng hàng cân.

Rau bắp cải hợp khí hậu nên sinh trưởng tốt tại Mường Khương.

Rau bắp cải hợp khí hậu nên sinh trưởng tốt tại Mường Khương.

Nếu như những năm trước, thời điểm này các hộ dân thôn Sàng Chải, xã Pha Long (Mường Khương) đang tập trung cấy lúa mùa thì năm nay toàn bộ diện tích ruộng đã được chuyển sang trồng rau bắp cải. Mặc dù là năm đầu tiên trồng rau bắp cải trái vụ nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc nên diện tích rau của hầu hết các hộ dân phát triển tốt. Nay rau bắp cải đã cho thu hoạch, lại có doanh nghiệp đưa xe ô tô vào tận nơi thu mua nên các hộ dân đều rất phấn khởi.

Người dân xã Pha Long hối hả thu hoạch rau.

Người dân xã Pha Long hối hả thu hoạch rau.

Bà Hảng Thị Tẩn, thôn Sàng Chải, xã Pha Long cho biết: Cùng với các hộ khác trong thôn, gia đình tôi làm đất, gieo trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, bắp cải thành phẩm của bà con đảm bảo về chất lượng và mẫu mã, bình quân mỗi cây có trọng lượng 1,5 – 3 kg. Vụ tới gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng rau bắp cải để nâng cao thu nhập.

Rau bắp cải có trọng lượng trung bình 1,5 – 3kg/cây.

Rau bắp cải có trọng lượng trung bình 1,5 – 3kg/cây.

Là năm đầu tiên đưa cây rau bắp cải vào trồng trái vụ nhưng xã Pha Long đã có 18 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha. Ban đầu, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân tham gia mô hình. Sau khi được đi tham quan thực tế tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát và Si Ma Cai, đồng thời, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền nên người dân đã tin tưởng và hăng hái tham gia. Đặc biệt, trong số 18 hộ tham gia mô hình thì có tới 11 hộ nghèo và khó khăn nhất của xã.

Rau thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nên người dân rất phấn khởi.

Rau thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nên người dân rất phấn khởi.

Ông Vàng Tỉn Dung, Chủ tịch UBND xã Pha Long cho biết: Cây rau bắp cải đang là niềm hy vọng lớn của người dân địa phương. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất ruộng phù hợp sang trồng bắp cải.

Được biết, rau bắp cải trái vụ đã được trồng ở một số xã vùng thượng huyện Mường Khương từ nhiều năm nay, nhưng với hình thức nhỏ lẻ, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu của gia đình và số ít được tiêu thụ nội huyện. Nhận thấy ưu thế về khí hậu cũng như thị trường rộng lớn, huyện Mường Khương đã tìm nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ giống, vận động nhân dân chuyển sang trồng rau bắp cải trái vụ.

Vận chuyển rau bắp cải đến điểm tập kết.

Vận chuyển rau bắp cải đến điểm tập kết.

Năm 2020 là năm đầu tiên huyện Mường Khương triển khai trồng rau trái vụ trên quy mô lớn với diện tích 12,6 ha, tại 6 xã vùng thượng huyện gồm: Tả Ngải Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, La Pan Tẩn, Cao Sơn. Tham gia trồng, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; hộ dân có đất và thực hiện trồng, chăm sóc rau đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật.

Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nhấn mạnh: Mô hình bước đầu đã cho hiệu quả, nhận thức của nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác được nâng lên. Đây cũng là một trong những mô hình giúp thúc đẩy, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất mà mục tiêu tái cơ cấu trồng trọt đang tiến tới. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau trái vụ và liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo tính toán, mỗi ha bắp cải trái vụ cho năng suất 30 – 40 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập tối thiểu 150 triệu đồng/ha; mỗi năm trồng 3 vụ sẽ cho nguồn thu cao gấp khoảng 8 lần so với trồng ngô, trồng lúa.

Đơn vị thu mua phân loại, đóng gói sản phẩm rau trước khi đưa lên xe.

Đơn vị thu mua phân loại, đóng gói sản phẩm rau trước khi đưa lên xe.

Hiện, phần lớn sản phẩm rau bắp cải trái vụ của Mường Khương được Hợp tác xã Cao Sơn – đơn vị đầu mối thu mua và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan – Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng liên kết với một số doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm rau tiêu thụ tại các tỉnh, thành dưới xuôi như: Quảng Ninh, Hải Phòng…

Theo rà soát của huyện Mương Khương, diện tích có thể trồng được rau bắp cải trái vụ đạt 100 – 200 ha. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển loại cây này. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đưa một số loại rau ôn đới khác vào trồng như: Súp lơ xanh, cải thảo, ớt, cà chua, rau cần tây…

Rau bắp cải được vận chuyển lên xe tải để mang đi xuất khẩu.

Rau bắp cải được vận chuyển lên xe tải để mang đi xuất khẩu.

Mô hình trồng rau bắp cải trái vụ được triển khai nhằm giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân vùng cao còn lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, người dân cũng chưa biết tính toán và ngại chuyển đổi theo hướng mới, nên chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa để giúp đồng bào tiếp cận được hướng đi hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các xã vùng cao trên địa bàn.

Hoàng Thương – Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/trong-rau-trai-vu-co-hoi-de-nong-dan-muong-khuong-thoat-ngheo-z3n20200622154139668.htm