Trồng rừng gỗ lớn, hướng làm giàu của người dân xã Đạp Thanh

Huyện Ba Chẽ đang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi, nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2020-2025).

Xã Đạp Thanh cách trung tâm huyện khoảng 40km, từng là xã khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ông Đồng Nguyên Khánh, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh, cho biết: Với diện tích trên 9000ha, thu nhập của gần 600 nhân khẩu phần lớn dựa vào trồng rừng.

Rừng keo của gia đình anh Ninh Văn Hòa đã đem lại thu nhập ổn định kinh tế cho gia đình

Rừng keo của gia đình anh Ninh Văn Hòa đã đem lại thu nhập ổn định kinh tế cho gia đình

Hiện trung bình mỗi hộ dân ở Đạp Thanh có 9ha sản xuất lâm nghiệp và ngoài mục tiêu chính là trồng các loại cây gỗ lớn như lim, lát, dổi và cây bản địa như quế, thông, sa mộc... cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, ba kích, cát sâm cũng được người dân tập trung sản xuất. Theo ông Khánh, đây là hướng đi bền vững, làm giàu cho người dân ở Đạp Thanh nói riêng và huyện Ba Chẽ nói chung.

“Hiện nay thu nhập của bà con đạt 70 triệu đồng/năm/người. Vừa rồi với Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy, cũng như của Huyện ủy tập trung phát triển cây gỗ lớn và dược liệu, Đạp Thanh cũng đang tập trung vào 2 lợi thế này để phát triển môi trường cũng như gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp. Định hướng của chúng tôi phát triển năm 2025-2030 quy hoạch để thu nhập của bà con là 150 triệu đồng/người/năm”, ông Khánh cho hay.

Chính quyền xã luôn đồng hành với người dân, vận động, tuyên truyền các hộ gia đình đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp để người dân mua cây giống, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật.

Anh Trần Văn Long ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh cho hay: Gia đình anh trước kia chủ yếu trồng rau, cây ăn quả, mùa nào quả đó. Nhưng nhờ sự định hướng của chính quyền địa phương và những người có kinh nghiệm hướng dẫn, giờ kinh tế cũng đã thay đổi nhiều.

“Nhà tôi trồng chè hoa vàng khoảng 1ha, 1 năm thu lợi từ tiền bán hoa được 40-50 triệu, thu lá chưa tính, nói chung thu được khoảng 60 triệu/năm. Từ 2011, có cây trà hoa vàng, kinh tế ổn định vì thu lợi nhuận nhiều hơn. Cũng xây được nhà, kinh tế không khó khăn, sinh hoạt thuận lợi hơn trước rất nhiều”, anh Long chia sẻ.

Xã Đạp Thanh với 9000ha đất để phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển cây gỗ lớn, cây bản địa và cây dược liệu. Đây cũng là thế mạnh của xã Đạp Thanh nói riêng và của cả huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh nói chung

Xã Đạp Thanh với 9000ha đất để phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển cây gỗ lớn, cây bản địa và cây dược liệu. Đây cũng là thế mạnh của xã Đạp Thanh nói riêng và của cả huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh nói chung

Anh Long cho biết, khi bắt đầu chuyển đổi cây trồng, chính quyền xã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đến 70%, còn gia đình chỉ bỏ công sức, cây giống và được xã cho người xuống hỗ trợ tận tình. Không chỉ gia đình anh Long mà người dân xã Đạp Thanh đều đồng lòng phát triển rừng cây gỗ lớn, cây dược liệu và đều thành công.

Anh Ninh Văn Hòa, người Sán Chỉ, ở xã Đạp Thanh kể: Quãng thời gian 10 năm về trước cuộc sống khó khăn bộn bề. Thời điểm đó, đa phần người dân trong xã đều trồng hoa màu, thu nhập thấp, kinh tế tự cung tự cấp, ít ai nghĩ đến việc làm giàu. Nhưng rồi chuyển đổi cây trồng đúng là luồng gió mới, khiến cho xã Đạp Thanh khởi sắc, cuộc sống của người dân từng ngày được đổi thay, gia đình anh cũng không ngoại lệ.

Nhà anh Hòa hiện đang tập trung vào sản xuất 4ha đất rừng, trong đó cây chủ lực là thông lấy nhựa, keo lấy gỗ, ngoài ra là trồng trà hoa vàng, ba kích tím. Các loại cây trồng của gia đình anh Hòa đều đang trong giai đoạn được khai thác, hứa hẹn đem lại bội thu.

“Trước thời điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bộ mặt của xã Đạp Thanh trước đây chủ yếu là nhà tre, vách nứa, 1 số gia đình có điều kiện thì nhà gỗ. Sau thời điểm chuyển đổi kinh tế cây trồng, vật nuôi, bà con xây được nhà, sắm được xe. Hiện tại cứ đi dọc tuyến đường chính, vào các xóm, cơ bản bà xây được nhà, sắm được các phương tiện đi lại, xe máy là phổ thông, 1 số hộ gia đình sắm được xe ô tô. Nhà cửa 90% đều là nhà kiên cố”, anh Hòa cho biết.

5 năm trước, người dân ở Đạp Thanh chỉ có thu nhập khoảng 15 triệu/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo là 50%. Nhưng đến nay, Đạp Thanh không còn hộ nghèo, cận nghèo. Sự thay đổi ngoạn mục đó chính là nhờ chính quyền và người dân đã nhanh chóng đi đúng hướng trong phát triển lâm nghiệp, chung tay cùng với Ba Chẽ trở thành huyện có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và lâm, nông nghiệp - dịch vụ gắn với giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Lan Anh/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-rung-go-lon-huong-lam-giau-cua-nguoi-dan-xa-dap-thanh-post1066255.vov