Trồng rừng gỗ lớn ở Quang Bình

Việc trồng rừng gỗ lớn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích rừng; có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển bền vững của ngành Lâm nghiệp. Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã đầu tư, phát triển mô hình trồng rừng để nâng cao thu nhập, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNN huyện kiểm tra sự thích ứng với khí hậu của rừng Quế, thôn Pà Vầy Sủ, xã Yên Thành.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNN huyện kiểm tra sự thích ứng với khí hậu của rừng Quế, thôn Pà Vầy Sủ, xã Yên Thành.

Trồng rừng gỗ lớn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Để tăng hiệu quả thu nhập ổn định từ rừng cần đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng như: Keo, Quế, Bồ đề… Huyện luôn có chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân phát triển rừng, khuyến khích người dân tích tụ đất đai nhằm tạo ra các vùng trồng rừng tập trung. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng để người dân áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, cử cán bộ chuyên môn xuống các hộ dân hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc để nâng cao kinh nghiệm sản xuất, nhận thức về hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng. Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế rừng đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều hộ đã thoát nghèo. Thực hiện các chính sách khuyến lâm, giao đất, giao rừng cho nhân dân, hiệu quả kinh tế rừng đã được khẳng định, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng và lợi ích thiết thực từ rừng mang lại, nhiều gia đình đã đầu tư chăm sóc, mở rộng thêm diện tích rừng trồng. Hiện nay diện tích rừng trồng mới 1.079 ha, trồng sau khai thác 923 ha, cây giống 1.960 nghìn cây…

Anh Ngô Thành Đồng, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang tâm sự: Gia đình tôi trồng 3,5 ha keo Úc được 4 năm, 1 ha trong thời kỳ khai thác sẽ có 10 lần tỉa thưa, cây tỉa bán trung bình mỗi năm được 30 triệu đồng; Theo tính toán, trong 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch từ 500 - 550 tấn gỗ, với giá bán hiện nay 1 triệu đồng/tấn, trừ các chi phí thì gia đình cũng thu lãi gần 500 triệu đồng; hiệu quả từ trồng cây gỗ lớn sẽ cao hơn gấp 3 lần trồng cây gỗ nhỏ. Trước đây, nhiều hộ trong xã chỉ trồng những cây gỗ nhỏ không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng nay đã tích cực mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Xác định trồng rừng gỗ lớn kinh tế là hướng đi tạo đột phá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã quan tâm xây dựng chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng gắn với hình thành các cơ sở chế biến ở địa phương. Thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền các xã, thị trấn đôn đốc nhân dân trồng dặm, chăm sóc rừng trồng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ tuần tra rừng; phân công các thành viên tuần tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, triển khai phương án quản lý rừng bền vững, định hướng xuyên suốt là phát triển rừng; tăng cường công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng.

Trồng rừng cây gỗ lớn là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế rừng, đây là nền tảng để tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lâm nghiệp, nâng cao đời sống cho các hộ trồng rừng, để Quang Bình trở thành điểm sáng trên toàn tỉnh về phát triển rừng gỗ lớn.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202102/trong-rung-go-lon-o-quang-binh-772628/