Trồng rừng gỗ lớn - vượt qua thách thức để phát triển bền vững. Bài 1: Lợi ích lớn từ trồng rừng gỗ lớn

Trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC chính là chủ trương lớn và cũng là giải pháp quan trọng để cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Những cánh rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; bảo vệ con người trước thiên tai...

Thay đổi tư duy để trồng rừng gỗ lớn

Những năm qua, việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng cách đẩy mạnh trồng rừng là một trong những phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, huy động đông đảo người dân các địa phương trong tỉnh tham gia. Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, những nông dân từ chỗ chỉ biết trồng rừng, bán “rừng non” 4 - 5 năm tuổi đã trở thành những người biết tính toán, cân nhắc lợi ích kinh tế khi thu nhập của họ đã tăng gấp 2, gấp 3 lần nhờ quyết tâm phát triển rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp - Ảnh: H.T

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp - Ảnh: H.T

30 năm gắn bó với rừng, ông Nguyễn Xuân Đức, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để đi đến quyết định chuyển từ trồng rừng ngắn ngày sang trồng cây gỗ lớn.

Bắt tay thực hiện chuyển đổi từ năm 2016, ông Đức để lại diện tích hơn 3 ha rừng keo 2 năm tuổi trong số tổng diện tích 8 ha rừng trồng của mình để đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Đến nay, rừng keo của gia đình ông đã đạt 9 năm tuổi, sinh trưởng tốt, nếu tiến hành khai thác thì đã mang lại lợi nhuận rất cao.

Tuy nhiên, ông Đức vẫn quyết định tiếp tục chăm sóc cây cho đến khi đạt 12 năm tuổi mới tiến hành khai thác.

“Từ thời điểm này, tôi không cần phải bỏ vốn để đầu tư trồng lại bao gồm chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu mà lãi vẫn cao gấp nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, trong thời gian chờ khai thác, tôi vẫn có thể tỉa thưa bớt cây để bán sản phẩm gỗ vụn, thu hồi vốn”, ông Đức tính toán.

Với kinh nghiệm của mình, ông Đức cho biết thêm: “Chênh lệch lợi nhuận là rất rõ ràng. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây.

Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5 - 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 70 - 90 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.

Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, hầu hết các cây đều đạt đường kính từ 18 cm trở lên, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3 /ha. Rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3 , tương đương 250 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng”.

Diện tích rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC nói riêng trên địa bàn tỉnh đang cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho 48 nhà máy và 126 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, đồ gỗ nội thất, đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm từ gỗ sản xuất tại Quảng Trị ngoài tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển và trở thành động lực thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, sự thay đổi phương thức trồng rừng phải bắt đầu từ trong suy nghĩ và phải có quyết tâm mới có thể thực hiện được.

Bởi trồng rừng không chỉ để bảo vệ nguồn sống và nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn là trách nhiệm với môi trường sống và cộng đồng. Ông Lục chia sẻ, HTX hiện có 55 ha rừng trồng keo, trong đó có 26 ha đã chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. rừng có chứng chỉ FSC.

“Qua quá trình triển khai mô hình, các thành viên trong HTX đã nhận thấy rằng, trồng và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế, giúp tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Lục cho biết.

Có thể nói, quyết tâm để chuyển đổi từ cây gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn chính là cuộc “cách mạng” thay đổi từ tư duy đến hành động, từ “làm ăn nhỏ” sang “làm ăn lớn” cho nông dân. Các cấp, các ngành cùng các địa phương cũng đang nỗ lực duy trì và nhân rộng các mô hình chuyển đổi thành công để làm minh chứng lợi ích thực tế rõ ràng, đồng thời đúc rút các kinh nghiệm, phương thức trồng rừng gỗ lớn hiệu quả nhất.

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển rừng gỗ lớn

Đề cập đến công tác phát triển rừng một cách bền vững tại phiên họp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, các ngành liên quan đã phối hợp kịp thời, các chủ rừng đã tích cực thực hiện, đặc biệt là sự chủ động của Nhân dân trong phong trào bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện thành công chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian tới, các ban, ngành và chính quyền địa phương cấp cơ sở cần phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng kiểm lâm, vận động Nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, gắn liền với cấp chứng chỉ rừng (FSC, PEFC…); tham gia thực hiện tốt các nội dung chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng bằng các hình thức liên doanh, liên kết và thành lập các HTX lâm nghiệp.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân có điều kiện sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cung ứng kịp thời, đầy đủ trên địa bàn tỉnh.

Cánh rừng gỗ lớn của gia đình ông Nguyễn Xuân Đức, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đang phát triển tốt -Ảnh: H.T

Cánh rừng gỗ lớn của gia đình ông Nguyễn Xuân Đức, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đang phát triển tốt -Ảnh: H.T

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp; huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp... Do đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 363,4 tỉ đồng năm 2010, đã đạt 1.103,7 tỉ đồng năm 2020, với tốc độ tăng bình quân 8,34%/năm trong giai đoạn 2010- 2021.

Tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 47,1% năm 2011, đã đạt 50% năm 2021. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với phát triển rừng gỗ lớn như Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025

Quyết định số 23/2017/QĐUBND ngày 7/9/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao cho các chủ rừng trên địa bàn…

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, có 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn do Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng; Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt hiệu quả.

Hiện nay đang thực hiện các mô hình trồng rừng gỗ lớn với giống keo lai nuôi cấy mô và keo tai tượng Úc với quy mô 130 ha (2019 - 2021) bước đầu được ghi nhận đạt hiệu quả cao. Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về chứng chỉ FSC cho các đối tượng là cán bộ lâm nghiệp, đại diện các HTX có rừng và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân để tham gia cấp chứng chỉ rừng.

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp đã phối hợp với các Tổ chức WWF, Tổ chức GFA (là đơn vị được Tổ chức FSC ủy quyền thực hiện việc đánh giá thường niên cấp chứng chỉ rừng FSC) tổ chức đánh giá, cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng tập trung khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng chế biến sâu các sản phẩm có nguyên liệu là gỗ rừng trồng trong tỉnh, hạn chế dần việc chế biến thô.

Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã trồng được 40.779 ha rừng trồng tập trung, trong đó diện tích rừng sản xuất cung cấp gỗ nguyên liệu là 39.026 ha. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ FSC.

Nhờ vậy, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.

Có thể thấy, cơ chế hỗ trợ đã có, lợi ích đã rõ ràng nhưng hiện nay tổng diện tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC của Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, mới chỉ đạt 18.321 ha, chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng diện tích trên 96.530 ha rừng trồng toàn tỉnh.

Trong đó chủ yếu tập trung ở các công ty lâm nghiệp với diện tích khoảng 13.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và HTX.

Vậy đâu là lý do khiến người dân chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn và cần phải có thêm những “cú hích” như thế nào để khuyến khích người dân đồng tình thực hiện, từ đó đạt được mục tiêu đến năm 2030 phát triển đạt 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Đây là bài toán khó rất cần sự chung tay tìm lời giải từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong thời gian tới.

Hà Trang - Lê An - Thanh Trúc

Bài 2: Vì sao người dân vẫn chưa mặn mà với rừng gỗ lớn?

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/trong-rung-go-lon-vuot-qua-thach-thuc-de-phat-trien-ben-vung-bai-1-loi-ich-lon-tu-trong-rung-go-lon/177094.htm