Trồng rừng sai chỗ sẽ làm Trái đất càng nóng thêm
Các nhà khoa học hôm 26.3 cho biết rằng việc trồng cây không đúng chỗ thực sự có thể góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Thay vào đó, việc dùng bản đồ xác định những vị trí tốt nhất để trồng lại rừng sẽ làm mát hành tinh.
Từ lâu chúng ta đã tin rằng với cây xanh hấp thụ carbon dioxide, vịec khôi phục các khu rừng bị suy thoái hoặc trồng cây non để tăng độ che phủ rừng là một công cụ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhưng theo nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, trong một số trường hợp, nhiều cây hơn có nghĩa là bề mặt Trái đất phản xạ ít ánh nắng mặt trời hơn và hành tinh chịu hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Susan Cook-Patton, một thành viên trong nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết: “Có một số nơi, việc trồng lại cây sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực về khí hậu”.
Theo Cook-Patton, các nhà khoa học đã hiểu rằng việc phục hồi độ che phủ của cây dẫn đến những thay đổi về suất phản chiếu – lượng bức xạ mặt trời bị dội ngược lại khỏi bề mặt hành tinh – nhưng không có công cụ để giải thích điều đó.
Bằng cách sử dụng các bản đồ mới, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể xem xét tác động làm mát từ cây cối và sự nóng lên do suất phản chiếu giảm.
Họ phát hiện ra rằng các dự án không tính đến suất phản chiếu vào phương trình đã đánh giá cao quá mức lợi ích khí hậu từ việc trồng thêm cây. Con số bị đánh giá quá mức lên tới từ 20 đến 80%.
Cook-Patton cho biết bản đồ cung cấp cái nhìn toàn diện giúp các nhà hoạch định chính sách xác định nơi tốt nhất để phân bổ các nguồn lực khan hiếm nhằm tạo ra tác động tối đa đến khí hậu. Nhà khoa học phục hồi rừng hàng đầu tại The Nature Conservancy khẳng định: “Cũng có nhiều nơi, việc khôi phục độ che phủ của cây là một ý tưởng tuyệt vời để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi chỉ đang cố gắng giúp mọi người tìm ra những địa điểm đó”.
Tuyết và băng có suất phản chiếu cao nhất so với bất kỳ nơi nào trên bề mặt Trái đất. Một số vùng ở Nam Cực phản xạ tới 90% bức xạ mặt trời chiếu tới.
Đó là một trong những cơ chế làm mát chính của Trái đất, cùng với việc mặt đất và đại dương hấp thụ lượng nhiệt dư thừa và khí nhà kính – thứ làm nóng hành tinh.
Nghiên cứu này cho thấy nhiều quốc gia đã cam kết trồng hàng tỉ cây xanh như một bức tường thành chống lại sự nóng lên toàn cầu nhưng không phải tất cả nỗ lực đều mang lại hiệu quả như nhau.
Cook-Patton cho biết các môi trường nhiệt đới, ẩm ướt như lưu vực sông Amazon và Congo có khả năng lưu trữ carbon cao và ít thay đổi suất phản chiếu. Điều đó khiến những nơi như vậy trở thành địa điểm lý tưởng để khôi phục độ che phủ rừng. Còn trồng rừng ở vùng đồng cỏ ôn đới hay thảo nguyên savanna thì chỉ đem lại tác dụng ngược.
Theo Cook-Patton, ngay cả các dự án ở vị trí tốt nhất khi tính đến những thay đổi về suất phản chiếu thì hiệu suất làm mát cũng giảm đến 20%. Nhưng Cook-Patton nhấn mạnh rằng việc khôi phục rừng mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho con người và hành tinh, chẳng hạn như hỗ trợ hệ sinh thái, điều hòa không khí, bảo vệ nguồn nước, cùng nhiều lợi ích khác.
Nhà khoa học sinh thái này cho biết: “Chúng tôi thực sự không muốn công việc của mình làm trở ngại với phong trào trồng rừng. Nhưng chúng ta không thể trồng cây ở mọi nơi. Chúng ta không có đủ tiền, thời gian, nguồn lực, con người hoặc cây giống. Do vậy, vấn đề thực sự ở đây là tận dụng tối đa các khoản đầu tư hạn chế và gắng thu được lợi ích cao nhất có thể về khí hậu trên mỗi ha đầu tư”.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu (gồm 3 tiến sĩ Rafael Stern, Jonathan Muller và Eyal Rotenberg thuộc Phòng thí nghiệm của Giáo sư Dan Yakir tại Khoa Khoa học Trái đất và Hành tinh thuộc Weizmann) đã khẳng định việc trồng rừng ở sa mạc sẽ làm Trái đất nóng hơn do rừng có suất phản xạ nhiệt kém xa so với sa mạc. Tuy nhiên, nếu tận dụng sa mạc để làm trang trại pin điện thì lại rất tốt.
Họ khẳng định: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng trong môi trường khô cằn, nơi tồn tại phần lớn diện tích đất trống, việc xây dựng trang trại năng lượng mặt trời hiệu quả hơn nhiều so với trồng rừng - khi nói đến việc đối phó với khủng hoảng khí hậu. Trong môi trường này, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên những khu vực nhỏ hơn nhiều so với rừng (có khi chỉ bằng 1/100) sẽ bù đắp được lượng khí thải carbon tương đương”.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn nhấn mạnh: Các khu rừng hiện hấp thụ gần 1/3 lượng khí thải carbon hằng năm của nhân loại, do đó, điều quan trọng là phải bảo vệ năng lực này và ngăn chặn nạn phá rừng trên diện rộng diễn ra ở các vùng nhiệt đới.
Hơn nữa, rừng đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ mưa toàn cầu và duy trì đa dạng sinh học. Vì vậy, họ kết luận rằng các khu rừng trên Trái đất phải được bảo vệ và giải pháp tốt nhất cho giải quyết khủng hoảng khí hậu là lồng ghép việc trồng và phục hồi rừng ở những vùng ẩm ướt, kết hợp với việc lắp đặt các cánh đồng pin mặt trời ở những vùng khô cằn.