Trồng sen trên đất Thành Sen

TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) còn gọi là Thành Sen nhưng lâu nay cây sen chỉ tồn tại trong sử tích. Để khôi phục, phát huy nét văn hóa của Thành Sen xưa và tạo nên những sản phẩm đặc trưng mới, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến phát triển du lịch, dự án trồng sen với quy mô lớn đã được thành phố gấp rút triển khai.

Dự án trồng sen của TP Hà Tĩnh giúp người dân nâng cao thu nhập.

Dự án trồng sen của TP Hà Tĩnh giúp người dân nâng cao thu nhập.

Dự án có tên “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại thành phố Hà Tĩnh”. Sau 2 năm triển khai, dự án đã phát huy hiệu quả, cảnh quan thành phố ngày một đổi thay, những đầm lầy hoang hóa giờ đây hóa thành những ao sen trù phú.

Thành Sen đãngát hương sen

Tháng 6, những đầm sen lớn ở Đồng Môn, Thạch Hưng, Thạch Linh, Văn Yên… của TP Hà Tĩnh như tỏa sáng rực rỡ hơn bởi những sắc màu trù phú, thơm ngát tỏa ra từ các chủng sen khác nhau. Sau vụ lúa bội thu, nông dân đô thị Thành Sen mừng vui đi “hái lộc” từ các ao sen.

Ông Hồ Sỹ Long (73 tuổi, thôn Liên Công, xã Đồng Môn) là một lao động tích cực của HTX Sen Hào Thành. Từ khi được giao trọng trách chăm sóc, quản lý khu vực đầm sen Đồng Tran (xã Thạch Môn) đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã vơi bớt khó khăn bởi có thêm nguồn thu nhập.

Hái những bông sen cánh trắng viền hồng cho khách, ông Long hào hứng cho biết: Đến tuổi này rồi còn góp phần đưa cái đẹp đến cho đời, cho du khách và tạo ra thu nhập ngoài trồng lúa nên tôi rất vui. Chiều chiều, khách từ trung tâm thành phố đến đầm sen tham quan, chụp ảnh rất đông. Hợp tác xã (HTX) đang thả nuôi cá, hoàn thiện cảnh quan, xây dựng khu dịch vụ để chuẩn bị đón khách du lịch” - ông Long nói.

Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được HTX Sen Hào Thành triển khai từ tháng 5/2021 với diện tích đến nay là 25ha, mô hình liên kết với các tổ hợp tác, hộ dân tại địa phương để sản xuất các sản phẩm từ sen.

Ông Tống Trần Tín - Giám đốc HTX Sen Hào Thành cho biết: “Nhằm phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, HTX đã tiến hành thuê đất, chuyển đổi từ đất lúa, diện tích ao hồ kém hiệu quả sang trồng sen theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông qua việc liên kết, tích tụ ruộng đất, phát triển vùng nguyên liệu sen trên những vùng đất nông nghiệp trũng, ao hồ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đảm bảo các yếu tố sản xuất an toàn và lựa chọn giống sen phù hợp, có năng suất cao. Đến nay, HTX đã trồng trên 10 chủng sen các loại như: Sen bách diệp Hồ Tây, sen cao sản mặt bằng, sen tứ thời, sen cánh trắng viền hồng…”.

Theo đánh giá, đối với trồng sen lấy hạt, người nông dân có thể cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm và trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ (mỗi năm 2 vụ). Ngoài thu mua sen nguyên liệu (bông sen, hạt sen, lá sen, ngó sen, tâm sen, củ sen), HTX cũng đã chế biến hàng chục sản phẩm từ sen như: Trà búp sen, trà lá sen, hoa sen sấy giòn, hạt sen tươi… Tất cả các sản phẩm đã được giới thiệu và bày bán ở 5 điểm cửa hàng bán lẻ của hệ thống Thành Sen Mart và một số điểm kinh doanh rau, củ, quả sạch. Đặc biệt, một số sản phẩm từ sen đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tạo giá trị bền vững

Ông Trần Viết Phương - Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến cho dự án trồng sen) cho biết: Để trồng, thu hoạch và sản xuất các sản phẩm từ sen cũng gặp không ít khó khăn. Trồng sen hầu hết tận dụng các ao hồ, đầm lầy hoang hóa nên rất dễ ô nhiễm hữu cơ, phải cải làm sạch ao hồ trước khi trồng. Kỹ thuật trồng đòi hỏi khá khắt khe, nước phải sạch, bùn dày, xử lý ốc bươu vàng trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển. Khai thác sen phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật. Chẳng hạn để hái hoa sen làm trà, 4h sáng phải ra đầm hái, hoàn thành trước 6h sáng và bỏ trà vào bông sen trước 8h sáng mới đảm bảo mùi vị.

Theo ông Phương, năng suất từ sen phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc cũng như thu hái. Đối với sen bách diệp Hồ Tây (lấy hoa), đạt bình quân khoảng 50.000 bông/vụ/ha; sen cao sản mặt bằng (lấy hạt) đạt 2 tấn/vụ/ha… Để tăng hiệu quả sản xuất, phải khai thác nhiều sản phẩm, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu như lấy hạt, ngó sen, lá, hoa, củ… đồng thời chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung để chế biến các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường. Mặt khác, cần đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để chế biến sâu các sản phẩm như hạt sen sấy, mứt sen, trà tâm sen, củ sen sấy, miến củ sen…

Thực tế cho thấy, các phẩm chế biến từ sen tại TP Hà Tĩnh đang được khách hàng và các đối tác đón nhận, từng bước khẳng định thương hiệu đặc trưng nông nghiệp đô thị, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa Thành Sen. Dự án trồng sen trên đất Thành Sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở TP Hà Tĩnh. Nông dân tranh thủ lúc nông nhàn để gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng trăm lao động.

Ông Dương Tất Thắng - Bí thư thành ủy TP Hà Tĩnh chia sẻ: Việc nghiên cứu, phát triển các giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái ngoài lợi ích về kinh tế còn mang lại giá trị về truyền thống, lịch sử, góp phần khôi phục lại nét văn hóa của Thành Sen xưa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng mới gắn với truyền thống văn hóa của thành phố.

Đặc biệt, dự án kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm trong việc chuyển đổi sang đất trồng sen đối với những vùng ao, hồ trũng hoặc vùng trồng lúa kém hiệu quả, là hình ảnh thực tiễn để người dân học hỏi kinh nghiệm, tiến tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với du lịch sinh thái. Qua đó góp phần thực hiện thành công, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại thành phố Hà Tĩnh.

Theo tài liệu khảo cổ học, cách đây hàng nghìn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống. Ðến năm 1831, vua Minh Mệnh chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh chính thức được thành lập, gồm 2 phủ, 6 huyện. Năm Nhâm Ngọ (1882), Tự Đức năm thứ 34, tỉnh thành Hà Tĩnh mới được xây dựng bằng đá ong. Trong thành có nhiều hồ nước trồng sen, đến mùa hè sen nở rộ, hương thơm tỏa ngát cả vùng nên được gọi là Thành Sen.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trong-sen-tren-dat-thanh-sen-5720319.html