Trong sóng gió luôn có những người lính Biên phòng
Quận Thanh Khê là địa bàn có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất của TP Đà Nẵng với 236 phương tiện/1.195 lao động, trong đó có 85 phương tiện đánh bắt xa bờ, gồm nhiều tàu công suất lớn trên 1.000CV thường xuyên hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó cũng đặt ra cho Đồn Biên phòng Phú Lộc, BĐBP Đà Nẵng nhiều thách thức trong công tác quản lý. Tuy nhiên, những năm qua, đơn vị luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi.
Có thể nói, Trạm thông tin liên lạc biển của Đồn Biên phòng Phú Lộc là “điểm mấu chốt” trong quản lý tàu đánh bắt xa bờ. Trạm được Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư thiết bị hiện đại, có hệ thống liên lạc với ngư dân gồm máy nhắn tin và máy định vị GPS được hiển thị trên màn hình máy tính. UBND quận Thanh Khê đầu tư xây dựng nhà làm việc và trang bị máy ICOM, trị giá 500 triệu đồng. Trạm thông tin liên lạc biển của Đồn Biên phòng Phú Lộc có tần suất liên lạc thường xuyên với các phương tiện vùng lộng và vùng khơi. Đây là vấn đề quan trọng bởi các tàu hoạt động ở vùng khơi có thời gian hoạt động dài ngày trên biển, là lực lượng cung cấp những thông tin liên quan đến chủ quyền hay hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.
Hằng năm, Đồn Biên phòng Phú Lộc tổ chức hội nghị tổng kết công tác thông tin liên lạc biển nhằm đánh giá hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại để đảm bảo thông tin thông suốt hỗ trợ ngư dân cũng như phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bằng nhiều nguồn khác nhau, đơn vị cũng tổ chức khen thưởng những ngư dân tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền biển đảo, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Những năm qua, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của Đồn Biên phòng Phú Lộc luôn được chính quyền địa phương và ngư dân đánh giá cao bởi sự nhanh nhạy, chính xác. Điển hình: Ngày 12-9-2019, tàu cá ĐNa 90421TS của chủ tàu Lê Văn Dỏng (trú tại tổ 49, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) gồm 9 lao động ra khơi đánh bắt tại vùng biển Thừa Thiên Huế. Đến khoảng 2 giờ, ngày 13-9, 5 ngư dân trên tàu có dấu hiệu bị ngộ độc, mỏi mệt, trong đó, người xuất hiện triệu chứng nặng nhất là thuyền trưởng Lê Văn Nở (44 tuổi, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê). Đến 5 giờ cùng ngày, ông Nở lên cơn co giật rồi tử vong.
Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Phú Lộc đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng điều tàu đi cứu nạn. Đến 9 giờ 25 phút cùng ngày, 3 ngư dân bị ngộ độc nặng gồm: Lê Văn Mười (49 tuổi), Lê Văn Nam (52 tuổi), Nguyễn Văn Thương (35 tuổi), cùng ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, được tàu của Hải đội 2, BĐBP Đà Nẵng đưa về bờ, kịp thời cấp cứu đảm bảo tính mạng.
Tiếp đó, vào lúc 20 giờ, ngày 16-9, đơn vị nhận được thông tin tàu ĐNa 90307TS, trên tàu có 9 lao động do ông Nguyễn Phú Hùng (sinh năm 1979, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, hoạt động lưới vây tại 18 độ vĩ Bắc, 114 độ 30 kinh Đông (cách Đà Nẵng 420 hải lý) thì ngư dân trên tàu là ông Phan Đức Mười (sinh năm 1951, trú tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) bị viêm túi mật cấp. Thuyền trưởng Nguyễn Phú Hùng đã liên lạc về Đồn Biên phòng Phú Lộc yêu cầu được cứu nạn.
Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP để đề xuất Bộ Ngoại giao Việt Nam làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc phối hợp cứu trợ nhân đạo. Đến 14 giờ, ngày 17-9, lực lượng chức năng Trung Quốc tiếp nhận thuyền viên Mười cùng ông Lê Văn Thanh, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê đi cùng chăm sóc. Sau đó, ngư dân Phan Đức Mười đã được cứu sống kịp thời. Việc liên lạc với phía Trung Quốc để phối hợp cứu trợ nhân đạo là việc làm rất sáng tạo, bởi nếu điều tàu từ Đà Nẵng ra cứu nạn thì hết sức khó khăn vì khoảng cách xa, thời tiết diễn biến xấu.
Với việc vận động ngư dân quận Thanh Khê tham gia Tổ tàu thuyền đoàn kết, Đồn Biên phòng Phú Lộc đã liên kết những phương tiện làm ăn trên biển thành khối đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khai thác thủy sản cũng như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, trên địa bàn quận Thanh Khê có 13 Tổ tàu thuyền đoàn kết thuộc phường Xuân Hà và Thanh Khê Đông, mỗi tổ từ 3-7 tàu, thường là những tàu có cùng ngành nghề khai thác, có mối quan hệ họ hàng.
Ông Lê Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2 của phường Xuân Hà cho biết, Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2 có 5 phương tiện đều hành nghề lưới vây. Bản thân ông có hơn 30 năm đi biển nên rất hiểu việc giữ bí mật ngư trường nhưng cũng nhận thức rất rõ việc đối mặt với hiểm nguy. Trong những tình huống đó, ngư dân rất cần những thuyền bạn hỗ trợ. Bởi vậy, khi Đồn Biên phòng Phú Lộc vận động các chủ phương tiện thành lập Tổ tàu thuyền đoàn kết, ông đã hưởng ứng ngay. Việc thành lập các Tổ tàu thuyền đoàn kết đã hình thành nên “đầu mối liên lạc” khi ngư dân thường xuyên giữ mối liên hệ với Trạm Kiểm soát Biên phòng Thanh Hà, Đồn Biên phòng Phú Lộc, thông tin những vấn đề thời tiết, tàu gặp nạn, tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam...
Trung tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc chia sẻ: “Đà Nẵng là một trong những địa phương không có tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng liên quan đến “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Để có được điều đó, trong nhiều năm qua, đơn vị đã phối hợp với Hội Nông dân địa phương tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm chắc các quy định khi khai thác trên biển. Chúng tôi luôn xác định, việc trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân là điều quan trọng để ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi”.
Được biết, Đồn Biên phòng Phú Lộc luôn là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2019. Đơn vị đã lồng ghép nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền tập trung, nhỏ lẻ, thông qua các hội nghị, cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư, nhà trường trên địa bàn.
Không chỉ Đồn Biên phòng Phú Lộc mà trong thời gian qua, các đơn vị BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm văn hóa thể thao, Đài Truyền thanh các quận, phường tổ chức biên tập nội dung, ghi âm để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh hoặc chiếu băng, hình tại các lễ hội cầu an, cầu ngư, khu dân cư văn hóa biển, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà trường. Các đơn vị đã cung cấp hàng chục tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách cho các khu dân cư để người dân tìm hiểu, tra cứu kiến thức pháp luật; thường xuyên tăng cường công tác phối hợp giữa kiểm tra, kiểm soát hành chính với thanh tra thủy sản, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định pháp luật trên biển, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển và không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khác. Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản thành phố theo dõi chặt chẽ, tổng hợp báo cáo và đề xuất xử lý nghiêm nếu phương tiện nào không bật thiết bị 24/24 giờ để kết nối với các trạm bờ theo quy định.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trong-song-gio-luon-co-nhung-nguoi-linh-bien-phong/