Trọng tài cầu lông Việt Nam, họ là ai?

Thế giới trọng tài thể thao luôn ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị, và cầu lông cũng không phải ngoại lệ. Việt Nam hiện có không ít trọng tài cầu lông đủ trình độ làm nhiệm vụ ở các giải quốc tế, và họ chính là chỗ dựa thầm lặng bên cạnh nhiều vận động viên mỗi khi xuất ngoại.

Am hiểu từng khía cạnh nhỏ

Nhiều người hâm mộ bóng đá hẳn từng đọc câu chuyện Jose Mourinho am hiểu luật hơn cả trọng tài. Ông thậm chí đã tận dụng điều đó để căn dặn học trò, qua đó thực hiện một số thủ thuật có lợi cho CLB trên sân. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc am hiểu luật từng môn trong thi đấu thể thao, qua đó nắm lấy kiến thức làm điểm tựa.

Trọng tài cầu lông là công việc đòi hỏi sự tập trung và trình độ chuyên môn cao.

Trọng tài cầu lông là công việc đòi hỏi sự tập trung và trình độ chuyên môn cao.

Cầu lông cũng có nhiều điểm tương tự bóng đá. Bạn có thể thi đấu giao lưu mà không cần tới trọng tài phân xử, nhưng những người cầm cân nảy mực là điều buộc phải có từ giải cấp độ phong trào. Lượng người có nhu cầu theo học trọng tài cầu lông ở Việt Nam cũng rất lớn.

Cầu lông là môn thể thao quốc dân, lại nằm trong chương trình thi đấu Olympic, nên mỗi lớp đào tạo trọng tài của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam luôn thu hút hàng trăm học viên tham dự. Những người theo học thường là cựu VĐV, HLV cả cấp địa phương và phong trào. Họ cần học làm trọng tài để cập nhật quy định, luật cầu lông hiện hành.

Học các khóa đào tạo trọng tài cầu lông là điều cần thiết cho công tác huấn luyện, cũng như thi đấu quốc tế. Trong bối cảnh cầu lông thế giới điều chỉnh nhiều quy định từ giai đoạn cuối năm 2024 đến đầu năm 2026 tới, việc học và cập nhật quy định càng quan trọng hơn. Thiếu kiến thức cũng đồng nghĩa với tụt hậu và chịu bất lợi khi thi đấu.

Với từng cá nhân, nắm rõ luật cầu lông là điều cần thiết để HLV truyền đạt cho VĐV, học viên. Thực tế là nhiều trọng tài cầu lông Việt Nam đã quản lý, điều hành những CLB rất lớn, có hàng trăm học viên theo học thường xuyên. Việc họ làm nhiệm vụ ở một số giải đấu, dù chỉ là cấp độ phong trào, cũng giúp họ quảng bá ít nhiều cho CLB.

Việt Nam có nhiều trọng tài quốc tế và đã xuất ngoại làm việc trước đây.

Việt Nam có nhiều trọng tài quốc tế và đã xuất ngoại làm việc trước đây.

Có một điểm chung giữa các trọng tài cầu lông Việt Nam. Họ am hiểu rất rõ quy định và luật cầu lông thế giới hiện hành, bao gồm cả những điều rất nhỏ. Tại Vietnam Challenge 2025 vừa qua, có VĐV đã phải đổi áo trước giờ vào thi đấu, vì người này vô tình mặc áo trùng màu với áo đối thủ. Khi đó, người có thứ hạng quốc tế thấp hơn buộc phải thay áo.

"Không ai muốn sử dụng những quy định, điều luật quốc tế để gây khó khăn cho VĐV, HLV. Tuy nhiên, đây là việc làm nằm trong khung chương trình thi đấu. Nếu VĐV không tuân thủ triệt để và trọng tài cho qua, điều đó trở nên bất công với VĐV còn lại", một trọng tài chia sẻ.

Vươn ra thế giới

Số lượng học viên theo học các lớp đào tạo trọng tài cầu lông ở Việt Nam mỗi năm lên tới cả trăm người. Vì thế, Việt Nam không ít người đủ khả năng trở thành trọng tài cầu lông. Tuy nhiên, chỉ có một số ít trọng tài cầu lông thường xuyên góp mặt tại các giải quốc gia.

Trọng tài Nguyễn Phạm Duy Anh có 20 năm làm việc tại các giải quốc tế, từng làm nhiệm vụ tại Olympic Tokyo.

Trọng tài Nguyễn Phạm Duy Anh có 20 năm làm việc tại các giải quốc tế, từng làm nhiệm vụ tại Olympic Tokyo.

Những trọng tài trên cũng thường được chọn để làm nhiệm vụ tại các giải quốc tế diễn ra ở Việt Nam hàng năm. Bởi, ngoại trừ Vietnam Open có cấp độ Super 100 (thuộc hệ thống World Tour và cần có trọng tài quốc tế làm nhiệm vụ), những giải cấp độ Challenge và International hoàn toàn được phép sử dụng trọng tài nội đạt chuẩn quốc tế.

Đánh giá về mặt bằng chung trình độ trọng tài Việt Nam tại các giải quốc tế, một HLV công tâm nhận xét: "Mọi người thường ít để ý đến công tác trọng tài và tranh cãi về một số tình huống cầu trong sân hay ngoài sân, mà không đánh giá bức tranh chung. Là người từng dẫn VĐV thi đấu nhiều giải quốc tế, tôi khẳng định trọng tài Việt Nam làm việc khách quan và có mặt bằng chuyên môn rất tốt".

Để so sánh trọng tài cầu lông Việt Nam và quốc tế, HLV này cho biết, ông từng cảm thấy bất ngờ khi một số giải quy mô nhỏ ở châu Âu và Bắc Mỹ không dùng nhiều trọng tài dây như Việt Nam. Với kinh phí hạn hẹp, những giải này đôi khi xếp trọng tài chính và trọng tài giao cầu kiêm luôn vị trí bắt dây, miễn sao vẫn trong điều kiện cho phép của quốc tế.

"Một vấn đề khác là phản xạ và mắt nhìn của trọng tài với những tình huống cầu phải chuẩn xác. Trọng tài Việt Nam phải làm việc liên tục tại nhiều giải đấu từ nhỏ đến lớn. Họ đã quen với áp lực và tần suất làm việc cao độ, nên ra quyết định tốt hơn không ít đồng nghiệp nước ngoài", HLV kể trên chia sẻ thêm.

Những trọng tài làm nhiệm vụ quốc tế có điểm chung là giỏi ngoại ngữ. Họ giỏi tới mức giao tiếp thành thạo với những VĐV nói tiếng Anh của khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Thành thạo tiếng Anh là tiêu chí bắt buộc với trọng tài quốc tế, nên nhiều trọng tài cầu lông Việt Nam vốn là sinh viên, hoặc giảng viên ngoại ngữ của những trường đại học lớn.

Khác với trọng tài chính và trọng tài giao cầu, trọng tài dây thường được chọn từ những người địa phương từng theo học khóa đào tạo trọng tài quốc gia. Họ được phổ biến, cập nhật quy định trước giải, sau đó bước vào làm nhiệm vụ. Trải nghiệm làm trọng tài tại các giải quốc tế là điều khó quên với rất nhiều người, và họ luôn nắm lấy khi có dịp.

Công việc trái tay

Giống nhiều môn thể thao khác, trọng tài cầu lông là công việc trái tay của mọi người. Vì lý do trên, mỗi lần làm nhiệm vụ ở các giải quốc gia và quốc tế, trọng tài phải xin đơn vị chủ quản cho phép nghỉ trọn 1 tuần. Đây là điều kiện không dễ với nhiều trọng tài, bởi họ vốn là công chức nhà nước, hoặc giảng viên đại học.

Trọng tài dây là những người chịu áp lực rất lớn trước mỗi tình huống cầu trong - ngoài sân.

Trọng tài dây là những người chịu áp lực rất lớn trước mỗi tình huống cầu trong - ngoài sân.

Một điểm khó khác là các giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam lại tổ chức vào đầu và cuối năm. Khi ấy, trọng tài thường dành toàn bộ ngày nghỉ phép trong năm để làm nhiệm vụ. Trong trường hợp ngày phép đã hết, họ có thể xin nghỉ không lương, đồng thời tạm bàn giao công việc ngắn hạn cho đồng nghiệp để lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Lịch làm việc của trọng tài cầu lông cũng gần như kín theo từng ngày trong tuần. Họ liên tục vào - ra theo từng trận đấu. Tốc độ quay vòng trọng tài của môn cầu lông diễn ra với tần suất rất lớn, tới mức nhiều cán bộ quốc tế ghi nhận Việt Nam có nhiều trọng tài thực sự giỏi.

Lịch làm việc kín tuần cũng khiến nhiều trọng tài không có thời gian nghỉ sau khi giải đấu kết thúc. Tại Vietnam Challenge 2025, có trọng tài sau khi bắt một trận chung kết đã lập tức xách va ly và bắt taxi thẳng từ nhà thi đấu ra sân bay, "nếu không nhanh thì trễ chuyến bay mất".

Trọng tài này cho biết, mình phải làm thủ tục trả phòng khách sạn trước đó và dọn toàn bộ đồ đạc trước buổi làm việc cuối cùng. Điều này đã trở thành thói quen, bởi nhiều đồng nghiệp cũng làm vậy tại các giải đấu quốc tế ở nước ngoài. Sáng hôm sau, họ lại đi làm như những người lao động bình thường khác tại cơ quan mình làm việc.

Các trọng tài cầu lông Việt Nam được đánh giá nắm vững chuyên môn, yêu nghề và thành thạo ngoại ngữ. Không ít người đã làm việc tại các giải quốc tế. Những trọng tài cầu lông giàu kinh nghiệm nhất của Việt Nam đã xuất hiện ở giải vô địch thế giới, cũng như ASIAD và Olympic.

Vì lý do trên, cầu lông Việt Nam thực sự có vị thế không hề thấp. VĐV Việt Nam khi thi đấu quốc tế cũng ít phải nhận quyết định bất lợi từ trọng tài. Bởi, các trọng tài đã trở thành chỗ dựa thầm lặng cho họ trên hành trình vươn ra thế giới, bằng sự công tâm và trình độ chuyên môn.

"Chúng tôi làm công việc này một phần bởi đây là điều cần làm, cũng vì cầu lông từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống. Nếu chúng tôi không thể trở thành VĐV chuyên nghiệp, việc làm HLV hay trọng tài cũng không quá tệ. Có nhiều cách để mỗi người sống với đam mê", một trọng tài bộc bạch.

Công việc hàng tháng

Theo lịch thi đấu thể thao thành tích cao 2025, Việt Nam có 6 giải cầu lông quốc gia và 4 giải quốc tế diễn ra trong năm nay. Trong khi đó, 2 tháng đầu và 2 tháng cuối gần như không có giải đấu diễn ra. Vì thế, các trọng tài phải liên tục làm nhiệm vụ với tần suất 1-2 giải mỗi tháng trong 8 tháng còn lại của năm.

"Theo thời gian, các giải cầu lông quy mô quốc gia của Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều. Số giải quốc tế tổ chức ở Việt Nam cũng vậy. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 giải quốc tế diễn ra tại Việt Nam. Con số dần tăng lên 3, và giờ là 4 giải, vì thế công việc cho các chúng tôi cũng ngày một nhiều hơn", một trọng tài chia sẻ.

Với những người "thích xê dịch", công việc của một trọng tài cầu lông có thể là trải nghiệm thú vị cho họ. Trong 1 năm, trọng tài sẽ có dịp đến mọi miền đất nước. Các giải cầu lông quốc tế diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Bắc Ninh. Trong khi đó, các giải quốc gia năm nay được tổ chức tại Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên.

Bên cạnh các giải quy mô quốc gia và quốc tế, trọng tài cầu lông còn liên tục làm việc tại một số giải phong trào. Vào dịp cuối tuần, họ có thể nhận lời bắt cho một số trận đấu giao lưu. Vì thế, trọng tài cầu lông có thể là công việc tay trái, nhưng thực sự làm "không hết việc".

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trong-tai-cau-long-viet-nam-ho-la-ai--i774179/