Trọng tài thương mại khi 'kinh tế tư nhân là trụ cột'
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam đặt mục tiêu biến Việt Nam 'trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài'. Theo giới chuyên gia, đây là một bước tiến mới, rất đáng khích lệ, trong bối cảnh Nhà nước xác định kinh tế tư nhân như là một trụ cột của nền kinh tế. Một hệ thống trung tâm trọng tài cùng một hệ thống tư pháp thương mại đáng tin cậy sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm đến và ở lại lâu dài với Việt Nam.

“Kinh tế tư nhân là trụ cột“ - Tư pháp thương mại phải rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, giảm chi phí rủi ro cho doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ
Gỡ vướng cho trọng tài thương mại
Mở đầu Tọa đàm: “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới”, tổ chức tại trường Đại học Luật TPHCM vào ngày 24-4-2025, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết dưới góc độ một nhà nghiên cứu, ông nhận thấy hiện Nhà nước đang rất muốn thiết chế trọng tài phát triển. Mới đây, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, có một câu rất quan trọng đó là đặt mục tiêu làm sao để Việt Nam “trở thành địa điểm tin cậy về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”. Trước đây chúng ta chỉ thúc đẩy làm sao để trọng tài phát triển, còn bây giờ là “trở thành địa điểm tin cậy”. Sự phát triển này là cần thiết, bởi vì tòa án hay trọng tài đều có thể giải quyết tranh chấp, nhưng giải quyết tại tòa án thì chúng ta phải tiêu tốn một lượng rất lớn ngân sách của Nhà nước, còn trọng tài thì dựa vào tiền của các đương sự nên Nhà nước có thể giảm bớt rất nhiều chi phí cho ngân sách.

GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: lsvn.vn
Tiếp lời GS.TS. Đại, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Trọng tài viên VIAC - cho rằng trên thực tế mình phải đặt câu chuyện trọng tài trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân, xác định “kinh tế tư nhân là trụ cột” mà Đảng và Nhà nước muốn thúc đẩy. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rằng để phát triển được kinh tế tư nhân thì Nhà nước cần cải cách hệ thống tư pháp thương mại. Trong đó Tổng Bí thư có những yêu cầu như: tư pháp thương mại phải rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, giảm chi phí rủi ro cho doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả, tính minh bạch của tòa kinh tế và trọng tài thương mại, đảm bảo các phán quyết cân bằng khách quan giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi chính đáng. “Tổng Bí thư nói vậy và tôi tin là toàn bộ ban chính sách, tư vấn của Đảng đều thấy rõ nếu mình không có hệ thống tư pháp, hệ thống trọng tài đáng tin cậy thì người ta chỉ vào làm rồi rút nhanh chứ không dám giữ vốn lâu dài. Đó là điều chắc chắn”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, nói riêng về câu chuyện trọng tài thương mại, theo ông Nghĩa, muốn thế giới tin vào trọng tài Việt Nam thì cần phải gỡ được ba vướng mắc hiện nay, đó là: thiếu tầm nhìn, thiếu đầu tư, thiếu cạnh tranh quốc tế.
Đầu tiên, không thể nhìn trọng tài như một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần. Trên thực tế, tòa án phải là lõi của các hoạt động tư pháp, trong đó trọng tài chỉ có thể phát triển được nếu tòa án thấy rằng trọng tài chính là thiết chế hỗ trợ cho tòa án, làm cho công lý cho doanh nghiệp được thực thi. Nếu họ từ bỏ quyền đến tòa để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì đấy là quyền tự nguyện, họ làm thì mình phải bảo vệ quyền tối thượng đó của họ, còn tòa sẽ giám sát, canh chừng giúp. “Do đó, trọng tài cũng không thể đơn thuần là dịch vụ thu phí có tính kinh doanh mà phải là một thứ nằm trong chương trình thúc đẩy tiệm cận công lý, đảm bảo công bằng. Đó phải là thứ Nhà nước quy định rất chặt chẽ”, ông Nghĩa nói.
Nói riêng về câu chuyện trọng tài thương mại, theo PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, muốn thế giới tin vào trọng tài Việt Nam thì cần phải gỡ được ba vướng mắc hiện nay, đó là: thiếu tầm nhìn, thiếu đầu tư, thiếu cạnh tranh quốc tế.
Một thực trạng khác là thiếu sự đầu tư, quản lý dẫn đến sự hình thành tự phát, manh mún của các trung tâm trọng tài. Theo ông Nghĩa, hai ba mươi năm vừa rồi xã hội đã có một chút niềm tin vào các tổ chức trọng tài, nếu bây giờ cứ để cạnh tranh lẫn nhau, rồi trọng tài viên chất lượng không tốt, thư ký không tốt, quy trình không chặt chẽ thì đây là cách nhanh nhất để làm mất uy tín của thiết chế trọng tài. Như thế sẽ không bao giờ có những trung tâm trọng tài trở thành trung tâm đáng tin cậy trên thế giới. Tức là phải có nguồn lực đầu tư tập trung, quản lý và sàng lọc chặt chẽ. “Quảng Đông trở thành trung tâm trọng tài rất mạnh trong thời gian khoảng 10 năm vừa rồi. Mình có thể sang học hỏi người ta cách làm sao để lột xác từ một trung tâm không ai biết thành một tay chơi toàn cầu”, ông Nghĩa gợi ý.
Cho rằng cần có một tư duy đồng bộ, một sự giám sát và sự đầu tư từ phía Nhà nước với hệ thống trọng tài, tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, điều quan trọng là mở ra một không gian cởi mở, lành mạnh để các trung tâm trọng tài cạnh tranh phát triển chứ không nên duy ý chí, lập ra một trung tâm trọng tài riêng cho Trung tâm tài chính quốc tế rồi dồn toàn lực cho nó như kiểu thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước - quả đấm thép trước đây. “Nếu chọn ngay người thắng cuộc, nói rằng chỗ này sau này sẽ là đẳng cấp quốc tế, làm tại Trung tâm tài chính quốc tế và chỗ đấy nước ngoài sẽ tin, đó là giấc mơ mà tôi nghĩ là hoàn toàn không có căn cứ”, ông Nghĩa nói.
Đồng ý với quan điểm của ông Nghĩa, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cho biết ông không phản đối việc thành lập Trung tâm Trọng tài tài chính quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, nhưng không nên tạo ra sự độc quyền bằng thể chế cho trung tâm này hơn các trung tâm khác. Ngoài ra, để nâng cao vị thế, uy tín cho trọng tài, trước khi có các giải pháp quản lý, giám sát từ phía Nhà nước thì bản thân các trung tâm trọng tài phải tiên phong để giữ uy tín của mình. “Hoàn toàn có thể đề ra tiêu chí cho bộ phận thư ký, tiêu chí để bổ nhiệm trọng tài viên của trung tâm trọng tài của mình. Cùng với đó là yêu cầu cập nhật kiến thức để duy trì tư cách trọng tài viên của mình”, ông Hiếu nói.
Băn khoăn thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài
Một vấn đề khác được các chuyên gia hết sức quan tâm đó là thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài có thể được trao cho tòa cấp khu vực khi sửa Luật Tổ chức tòa án nhân dân sắp tới.
GS.TS. Đỗ Văn Đại cho biết, trong các hệ thống quốc tế hiện nay, khi một bên không hài lòng với phán quyết của trọng tài thì có quyền yêu cầu tòa án xem xét hủy. Luật Trọng tài Việt Nam hiện cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, ít nhất ba nước châu Âu có hệ thống trọng tài phát triển là Pháp, Thụy Sỹ và Bỉ đã sửa đổi luật theo hướng, đối với tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp thương mại quốc tế, đương sự được quyền thỏa thuận loại trừ thẩm quyền của tòa án trong việc giám sát trọng tài. “Lý do họ làm như vậy, bởi vì các đương sự khi chọn trọng tài tức là họ muốn giữ được sự ưu việt của trọng tài ở tính bảo mật. Thứ hai là họ không thích “văn hóa pháp đình”. Họ muốn né mọi quan hệ với tòa án. Thứ ba là họ tôn trọng quyền định đoạt. “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế cũng đã ghi nhận cho các bên thỏa thuận loại trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại tòa án. Đây là thông điệp rõ ràng cho thấy sự ủng hộ (thiết chế) trọng tài từ phía Nhà nước, thực sự muốn biến Việt Nam thành địa điểm đáng tin cậy trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, ông Đại nói.
Tuy nhiên, trong dự kiến sửa Luật Tòa án nhân dân sắp tới, lại đang có một “bước lùi” trong quy định về thẩm quyền can thiệp của tòa án với phán quyết trọng tài. Hiện nay, Việt Nam đang trao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho tòa cấp tỉnh (cấp giữa), nhưng dự kiến sắp tới thẩm quyền này sẽ được trao về cho tòa cấp khu vực (cấp thấp nhất). Theo GS.TS. Đỗ Văn Đại, trong cả ba nước có hệ thống trọng tài phát triển ở châu Âu là Anh, Pháp và Thụy Sỹ thì đều có vai trò của tòa tối cao. Ở Pháp khi phán quyết trọng tài vào tòa án, nếu tòa công nhận thì sẽ do tòa cấp thấp (cấp sơ thẩm) công nhận, nhưng nếu xem xét hủy thì thẩm quyền thuộc tòa cấp giữa (cấp phúc thẩm), sau đó đến cấp tối cao. Ở Thụy Sỹ thì không có sơ, phúc thẩm mà chỉ có duy nhất cấp tối cao xem xét phán quyết trọng tài. “Pháp, Thụy Sỹ đều đưa việc xem xét phán quyết trọng tài lên tòa cấp tối cao. Việt Nam cũng nên làm như vậy, bởi vì vấn đề pháp lý xoay quanh trọng tài cần người phán quyết có kinh nghiệm, trình độ. Do đó, có thể Việt Nam cân nhắc tiếp tục duy trì ở cấp giữa (phúc thẩm), chứ không nên đưa xuống cấp khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải có cơ chế giám sát tối cao phán quyết trọng tài như Pháp, Thụy Sỹ, Anh, để thống nhất pháp luật. Một điểm nữa, trong xu thế hội nhập, Việt Nam có thể có cơ chế để giải quyết tranh chấp sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, trong đó có tranh chấp trọng tài, giao cho tòa chuyên trách ở TPHCM và Hà Nội”, ông Đại khuyến nghị.
Nêu quan điểm cá nhân, bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó chánh án Tòa án nhân dân TPHCM, cho biết về thẩm quyền giải quyết phán quyết trọng tài hiện có hai quan điểm trái ngược nhau. Một là đồng ý giao cho tòa khu vực và quan điểm ngược lại là giữ nguyên thẩm quyền như hiện nay, để tòa cấp tỉnh giải quyết. Trong đó, quan điểm đề nghị giữ nguyên thẩm quyền giải quyết cho tòa cấp tỉnh căn cứ vào thực tế hiện nay: thủ tục xem xét lại phán quyết trọng tài là thủ tục đặc biệt, vừa là sơ thẩm vừa là chung thẩm. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, trong 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài mà các đương sự không thống nhất với phán quyết đó thì có quyền khởi kiện ra tòa án đề nghị hủy phán quyết trọng tài. Tòa cấp tỉnh sẽ thành lập một phiên họp gồm ba thẩm phán để xem xét lại phán quyết trọng tài. Hội đồng này khi ban hành quyết định có hủy hay không hủy thì quyết định đó là chung thẩm. Không có cơ hội sửa sai, không có cơ chế khiếu nại, kháng nghị và giám đốc thẩm. Hơn nữa, hiện nay, để xem xét lại những phán quyết trọng tài, đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất cao, ngày càng khó, giá trị tranh chấp ngày càng lớn, liên quan đến những lĩnh vực đặc thù như: logistics, L/C, tài chính... Sắp tới chúng ta thành lập các trung tâm tài chính quốc tế, nơi có những tranh chấp cực kỳ phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn hóa rất cao, đòi hỏi thẩm phán có tính chuyên nghiệp rất cao, còn phải áp dụng các điều ước quốc tế. Do đó, quan điểm cho rằng phải giữ lại thẩm quyền cho tòa cấp tỉnh cũng nêu vấn đề này. Nên trao cho tòa cấp tỉnh, nơi có đội ngũ thẩm phán từ trước đến giờ ở tòa Hà Nội và TPHCM được đánh giá tương đối chuyên nghiệp. “Với quan điểm cá nhân, tôi đồng nhất với quan điểm là nên giữ thẩm quyền của tòa cấp tỉnh hiện nay”, bà Dung nói.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trong-tai-thuong-mai-khi-kinh-te-tu-nhan-la-tru-cot/