Trọng tài thương mại và những thách thức từ dự thảo
Việt Nam trở thành địa điểm tin cậy giải quyết tranh chấp (về tài chính) bằng trọng tài là một mục tiêu quan trọng đặt ra tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính quốc tế. Tuy nhiên, còn nhiều ý khác nhau xoay quanh một số nội dung tại dự thảo này cũng như những dự luật liên quan trực tiếp đến trọng tài thương mại, dự kiến sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp vừa khai mạc ngày 5.5 vừa qua.
Nhà nước không nên chọn người thắng cuộc
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới” diễn ra cuối tháng 4 vừa qua tại Đại học Luật TP.HCM, PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC, nói cần đặt trọng tài thương mại trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy kinh tế tư nhân như là trụ cột.

PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa phát biểu tại tọa đàm “Cơ chế hỗ trợ và giám sát của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong bối cảnh mới”.
Nhắc lại một ý trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm công bố trung tuần tháng 3 vừa qua, rằng “nhà nước cần cải cách hệ thống tư pháp thương mại...”, ông Nghĩa nêu quan điểm tòa án đóng vai trò “cái lõi” trong quá trình cải cách. Theo đó, tòa án cần nhìn nhận trọng tài thương mại như một thiết chế hỗ trợ tòa án, đáp ứng nhu cầu công lý của doanh nghiệp. Vì vậy trọng tài thương mại không phải là dịch vụ theo đuổi mục tiêu kinh doanh, mà phải nằm trong chương trình thúc đẩy tiệm cận công lý. Tầm nhìn này là cơ sở để Nhà nước đầu tư nguồn lực vật chất và con người.
Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách, trọng tài viên cũng nên chủ động đi thực tế những trung tâm trọng tài ở vùng duyên hải của Trung Quốc. “Quảng Đông trở thành một trung tâm trọng tài rất mạnh trong 10 năm qua. Chúng ta có thể học cách người ta lột xác từ một trung tâm trọng tài không ai biết thành một trung tâm trọng tài cạnh tranh toàn cầu”, ông Nghĩa nói Trung Quốc không chỉ du nhập chuẩn mực quốc tế, mà còn xuất khẩu được chuẩn mực giải quyết tranh chấp của mình ra nước ngoài.
Dự thảo Nghị quyết trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp (về tài chính) riêng cho Trung tâm Trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế là một nội dung còn vấp phải những ý kiến trái chiều. Nền kinh tế từng trả giá cho những “quả đấm thép” như Vinashin khi “nhà nước chọn người thắng cuộc”. Là nhà đầu tư cho hệ thống trọng tài, Nhà nước gây sức ép để hệ thống này buộc phải cạnh tranh quốc tế. Khi ấy, mục tiêu trở thành địa điểm giải quyết tranh chấp tài chính quốc tế tin cậy (may ra) mới có cơ hội. “Chọn ngay người thắng cuộc, nói chỗ ấy sau này đạt đẳng cấp quốc tế, (nhà đầu tư, doanh nghiệp) nước ngoài sẽ tin cậy (lựa chọn giải quyết tranh chấp) là không không có căn cứ”, ông Nghĩa nói.

TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội, chia sẻ tại sự kiện.
Tán đồng cách tiếp cận dài hạn về trọng tài thương mại của PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội, ủng hộ quyền tự do lựa chọn cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp của đương sự thay vì áp đặt thiết chế độc quyền. Từ thực tế “nhiều nhà đầu tư quan ngại phán quyết trọng tài bị hủy vì bất cứ lý do gì”, ông Hiếu cho biết đã góp ý bằng văn bản với cơ quan soạn thảo Nghị quyết về việc trao cho các đương sự tự thỏa thuận từ bỏ quyền xem xét lại phán quyết trọng tài của tòa án.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Hiếu cho rằng các trung tâm trọng tài nên chủ động nâng cấp: “Hoàn toàn có thể tạo ra tiêu chí cho bộ phận thư ký, tiêu chí trở thành trọng tài viên. Thậm chí cũng cần bổ sung tiêu chí cập nhật kiến thức để duy trì tư cách trọng tài viên”, ông Hiếu nhận định.
Trình bày kinh nghiệm quốc tế, GS-TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, trọng tài viên VIAC, cho biết Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, những quốc gia được xem là có hệ thống trọng tài phát triển bậc nhất thế giới đã sửa luật, cho phép đương sự từ bỏ quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài bởi ba lý do. Thứ nhất là các bên muốn tận dụng tính ưu việt của trọng tài là bảo mật thông tin tranh chấp. Thứ hai là người ta không thích văn hóa pháp đình. Và sau cùng là tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự.
“Dự thảo Nghị quyết (mới nhất) về trung tâm tài chính quốc tế ghi nhận các bên được quyền thỏa thuận loại trừ hủy phán quyết trọng tài tại tòa án. Điểm tích cực này mà được Quốc hội thông qua sẽ phát đi thông điệp Việt Nam ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, quyết tâm trở thành địa điểm tin cậy giải quyết tranh chấp tài chính quốc tế”, ông Đại bày tỏ. Trường hợp các bên không thỏa thuận, phán quyết của trọng tài sẽ được tòa án xem xét lại theo yêu cầu của đương sự.

GS-TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết có hệ thống trọng tài phát triển bậc nhất thế giới đã sửa luật, cho phép đương sự từ bỏ quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài.
Không nên trao thẩm quyền cho tòa khu vực xem xét lại phán quyết trọng tài
Luật Trọng tài Thương mại 2010 ghi nhận Tòa án Nhân dân cấp tỉnh (cấp giữa) có thẩm quyền xem xét lại phán quyết trọng tài. Việc dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân trao thẩm quyền xem xét lại phán quyết trọng tài cho tòa khu vực, tức là cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án theo chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, khiến dư luận ngỡ ngàng.
Ở Trung Quốc, theo PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, tòa án được trao thẩm quyền có nghĩa vụ báo cáo tòa cấp trên trong trường hợp định hủy phán quyết trọng tài. Tòa cấp trên có trách nhiệm xem xét, hướng dẫn tòa cấp dưới hủy phán quyết nếu yêu cầu của đương sự hợp lý. Ngược lại, tòa cấp dưới phải giải trình. “Đây là hình thức phúc thẩm tự động kiểu Trung Quốc”, ông Nghĩa nói.
Nhìn sang châu Âu, GS-TS. Đỗ Văn Đại cho biết, ở Pháp công nhận phán quyết trọng tài thuộc thẩm quyền của tòa cấp thấp nhưng quyền hủy phán quyết trọng tài thuộc tòa cấp giữa. Tuy nhiên, nếu không hài lòng với quyết định này, các đương sự có quyền tiếp tục yêu cầu tòa tối cao xem xét. Qua Thụy Sĩ, tòa tối cao là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xem xét lại phán quyết trọng tài. Quyết định của tòa tối cao không chỉ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật (trong khi ở Việt Nam, tòa cấp dưới mỗi nơi áp dụng pháp luật khi xem xét lại phán quyết trọng tài mỗi khác), mà còn hàm ý lựa chọn người phán quyết tốt nhất có thể là những thẩm phán có bề dày kinh nghiệm. “Thủ tục trọng tài cần đơn giản để giải quyết tranh chấp nhưng những vấn đề pháp lý xoay quanh trọng tài thì vô cùng phức tạp”, ông Đại lưu ý.

“Từ góc độ cá nhân, tôi thống nhất giữ lại thẩm quyền xem xét phán quyết trọng tài ở tòa cấp tỉnh”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, phát biểu.
Tham dự tọa đàm với tư cách cá nhân, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, cho hay khi được đề nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Tòa án TP.HCM có hai quan điểm trái ngược nhau nhau liên quan đến nội dung trọng tài thương mại. Quan điểm thứ nhất thống nhất với dự thảo, trao thẩm quyền xem xét lại phán quyết trọng tài cho tòa khu vực.
Quan điểm thứ hai phản đối kịch liệt, đề nghị giữ nguyên thẩm quyền thuộc tòa án cấp tỉnh quy định tại Luật Trọng tài Thương mại 2010. Xem xét lại phán quyết trọng tài là thủ tục tố tụng đặc biệt. Trong vòng 30 ngày kể từ khi đương sự nhận được phán quyết trọng tài, nếu không thống nhất với phán quyết, đương sự có quyền khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy phán quyết đó. Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ thành lập Hội đồng gồm ba thẩm phán xem xét lại phán quyết đó. Quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm. Thế nên không có cơ hội sửa sai.
Lý do thứ hai là tranh chấp rất khó, giá trị tranh chấp rất lớn, liên quan đến những lĩnh vực đặc thù như logistics, L/C (Thư tín dụng - Letter of Credit), tài chính… “Chúng tôi cũng phải học”, bà Dung nói sắp tới thành lập trung tâm tài chính quốc tế, tranh chấp còn phức tạp hơn nữa. Giải pháp nâng cấp chất lượng thẩm phán tòa khu vực thông qua đào tạo đòi hỏi thời gian, e rằng khó kịp chuẩn bị đội ngũ có năng lực chuyên môn đáp ứng được nhiệm vụ. Hiện nay mỗi tháng, bình quân mỗi thẩm phán tòa cấp huyện (sắp tới là tòa khu vực) giải quyết 12 - 15 vụ việc, từ dân sự đến hình sự. Thêm thẩm quyền xem xét phán quyết trọng tài sẽ gia tăng áp lực cho lực lượng thẩm phán ở tòa khu vực.
Lý do thứ ba, TP.HCM dự kiến có 10 tòa khu vực. Tòa khu vực số 1 gồm tòa án quận 1, quận 3, quận 4. Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định thẩm quyền của tòa án theo địa hạt, là nơi trung tâm trọng tài ra phán quyết. Phần lớn các trung tâm trọng tài tại TP.HCM hiện đặt trụ sở tại quận 1 và quận 3. Như vậy, việc xem xét lại phán quyết trọng tài sẽ dồn về tòa khu vực số 1. “Từ góc độ cá nhân, tôi thống nhất giữ lại thẩm quyền xem xét phán quyết trọng tài ở tòa cấp tỉnh”, bà Dung phát biểu.
Điều 48 Luật Trọng tài Thương mại 2010 cho phép Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của (các) bên tham gia tranh chấp. Tuy nhiên, luật không cho phép Hội đồng Trọng tài triệu tập bên thứ ba để lấy lời chứng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là lý do mà PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần trao lại cho tòa: “Chỉ có tòa án mới cân đo đong đếm lợi ích của nhiều bên trước khi quyết định can thiệp vào tài sản”.