Trọng tài Việt Nam: Mỗi năm tốn hàng chục tỷ nhưng thiếu thầy giỏi?
Mỗi năm, bóng đá Việt Nam chi hàng chục tỷ cho công tác trọng tài nhưng sai vẫn hoàn sai, cãi vẫn cứ cãi...
Một lãnh đạo CLB kể với người viết về kinh phí cho trọng tài điều hành mỗi trận đấu ở V.League 2022: Trọng tài chính (8 triệu đồng), trợ lý trọng tài (5 triệu/người), giám sát trọng tài (5 triệu), giám sát trận đấu (6 triệu đồng).
Mỗi trận đấu chưa kể quan chức VPF, VFF thì có 6 thành viên kể trên làm nhiệm vụ với mức kinh phí: 36 triệu đồng (chưa thuế). Ngoài chi phí làm nhiệm vụ, tổ trọng tài còn được trả kinh phí di chuyển (máy bay), ăn ở (khách sạn). Con số này tạm tính trung bình khoảng 5 triệu/người. Tổng kinh phí là 30 triệu cho 6 người.
Như vậy, tổng kinh phí cho tổ trọng tài vào khoảng 65 triệu cho một trận đấu ở V.League.
Các khoản kinh phí khác cho trọng tài như tiền tập huấn… Đó là các khoản chi để nâng cao trình độ của trọng tài và điều hành tốt ở V.League.
Làm một phép tính thì tiền chi cho công tác trọng tài ở V.League, Cúp Quốc gia, giải hạng Nhất, các sân chơi khác. Con số tốn kém phải hàng chục tỷ đồng vào mỗi năm cho công tác trọng tài.
Chúng ta có thể làm một phép tính khác: Trọng tài bắt 1 trận có 8 triệu đồng. Nếu bắt 5 trận/tháng thì nhận 40 triệu đồng, chưa kể kinh phí di chuyển (máy bay), ăn ở (khách sạn).
Tiền chi rất nhiều nhưng công tác trọng tài luôn mang đến tranh cãi lớn. Chất lượng đào tạo trọng tài là chủ đề đáng nói của bóng đá Việt Nam, bởi không có trọng tài giỏi thì bóng đá không thể phát triển.
Năm ngoái, bóng đá Việt Nam vượt qua Brunei nhờ có thêm một trọng tài FIFA. Nhưng chỉ có 3 trọng tài FIFA thì chỉ bằng về số lượng với Lào, Campuchia và Philippines.
Năm nay, một trọng tài khác lên cấp FIFA là ông Lê Vũ Linh. Ba người còn lại gồm Ngô Duy Lân (Elite), Hoàng Ngọc Hà (FIFA), Nguyễn Mạnh Hải (FIFA).
Tuy nhiên, trọng tài FIFA thì bắt sai liên tục ở V.League 2022. Ông Ngô Duy Lân là ví dụ điển hình với hai lần bị dính "phốt". Ông Trương Hồng Vũ cũng từng là trọng tài FIFA nhưng cái sai thì như trò hề, điển hình vụ "bẻ còi" kinh điển trên sân Hàng Đẫy vào năm 2019 và lời lý giải là chỉ tay nhầm hướng.
V.League 2023 tiếp tục với những tranh cãi về trọng tài, kể cả lãnh đạo VPF và VFF cũng bị phê phán đến mức Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ đạo tăng cường các giải pháp đảm bảo chất lượng công tác điều hành trận đấu, công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2023.
Có câu nói rằng, phải có thầy giỏi thì trò mới giỏi và không có thầy giỏi thì không có trò giỏi. Trọng tài giỏi của Việt Nam liệu có được bao nhiêu người để nghĩ đến chuyện đào tạo ra một thế hệ trọng tài giỏi và tại sao từng có thời điểm bị thụt lùi thua cả số lượng trọng tài FIFA so với Lào, Campuchia?
Câu hỏi kể trên đang là vấn đề của bóng đá Việt Nam. Hãy thử nhìn vào một vấn đề sau đây: Chúng ta tốn tiền thuê các trọng tài ngoại sang bắt các trận đấu của V.League và việc tìm thầy giỏi đào tạo ra các trọng tài giỏi. Cách nào sẽ tốt hơn cho bóng đá Việt Nam?