Trọng tâm, trọng điểm hướng đến hiệu lực, hiệu quả
Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề cũng ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND tỉnh năm 2024.
Xác định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt
Theo Báo cáo của HĐND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Khóa XIX, từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp (trong đó có 3 kỳ họp chuyên đề, 1 kỳ họp thường lệ), thông qua 101 nghị quyết. Trong đó, nhiều nghị quyết tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội như: nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2023 - 2025; chủ trương thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; một số nghị quyết để cụ thể hóa quy định mới của Luật Đất đai năm 2024; sửa đổi, bổ sung, thay thế và ban hành mới một số cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực xây dựng, nội vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, lao động - xã hội, tài chính ngân sách....
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp theo hướng dành thời gian phù hợp cho việc thảo luận, giải trình; tăng thời lượng các phiên thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn, ý kiến, kiến nghị của cử tri; đổi mới phương thức làm việc, tăng cường sự tham gia của đại biểu HĐND tỉnh, phát huy trí tuệ tập thể, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm; việc thẩm tra các tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp được các Ban của HĐND tỉnh tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, cung cấp cơ sở quan trọng để các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết nghị các nội dung kỳ họp.
Đặc biệt, xác định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Hà Nam năm 2024 ngày càng được đổi mới theo hướng thực chất, giám sát có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bất cập trong thực tiễn, vấn đề được cử tri quan tâm.
Tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh Hà Nam đã dành nhiều thời lượng cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời kiến nghị của cử tri qua đường dây nóng; thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chuyên môn và lãnh đạo UBND tỉnh đưa ra những giải pháp, cam kết, lời hứa trước cử tri và Nhân dân để tập trung xử lý, qua đó, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri theo dõi, giám sát, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề cũng ngày càng được chú trọng với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Năm 2024, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 5 cuộc giám sát, trong đó giám sát của Thường trực HĐND tỉnh gồm 2 chuyên đề: việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; Giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND có chuyên đề về tình hình triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công do tỉnh quản lý trong danh mục các dự án được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư của tỉnh trong 3 năm (từ năm 2021 - 2023); Giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng được HĐND tỉnh Hà Nam quan tâm, đổi mới phương thức, bảo đảm hoạt động giám sát không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Nội dung giám sát được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều cử tri tỉnh Hà Nam đánh giá, việc lựa chọn nội dung giám sát của HĐND tỉnh ngày càng thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn; đáng chú ý, sau giám sát, nhiều tồn tại, hạn chế, bức xúc đã được các cấp, các ngành tổ chức khắc phục và có chuyển biến tích cực.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động
Trên cơ sở những kết quả đạt được, HĐND tỉnh Hà Nam xác định phương hướng hoạt động năm 2025, trong đó trọng tâm là phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giám sát, bảo đảm việc thực thi pháp luật tại địa phương, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh phát huy hiệu quả. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, dự toán ngân sách năm 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam Đặng Thanh Sơn cho biết: các nhiệm vụ trọng tâm mà HĐND tỉnh cần thực hiện trong năm 2025: tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp bảo đảm bao quát, toàn diện, tổ chức tốt các kỳ họp thường lệ, kỳ họp chuyên đề và các nhiệm vụ theo kế hoạch; Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng, nội dung Nghị quyết được HĐND ban hành có tính khả thi cao, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, góp phần giải quyết những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; đôn đốc việc tổ chức thực hiện; nắm bắt những vướng mắc, bất cập để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước qua nhiều hình thức như: giám sát tại các kỳ họp, giám sát qua chất vấn, giải trình; giám sát thường xuyên; giám sát chuyên đề, ... nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Nội dung lựa chọn giám sát tập trung vào những vấn đề được cử tri, Nhân quan tâm phản ánh, kiến nghị, những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Qua giám sát, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận sau giám sát đảm bảo giải quyết, khắc phục triệt để, phát huy hiệu quả hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua đó phát huy trách nhiệm, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh giữ vai trò điều hòa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của HĐND tỉnh; giải quyết các nhiệm vụ phát sinh theo đúng thẩm quyền, quy định, tạo điều kiện trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động TXCT; tăng cường trách nhiệm, năng lực của đại biểu HĐND để kịp thời giải đáp, tuyên truyền cơ chế, chính sách. Phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đôn đốc các cơ quan có chức năng trả lời, giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kịp thời nắm chắc tình hình địa bàn nơi ứng cử, tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề cử tri và Nhân dân bức xúc, quan tâm.