Trồng thử nghiệm thành công cây lan kim tuyến

(QT) - Lan kim tuyến hay còn gọi là lan gấm, cỏ nhung, kim cương, giải thủy tơ... không chỉ được trồng để làm cảnh, mà còn là một dược liệu quý có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Trong tự nhiên, loài cây này được đưa vào Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ. Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thực hiện thành công nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô lan kim tuyến và trồng thử nghiệm tại Sa Mù, Hướng Hóa mang lại kết quả bước đầu khả quan.

 Mô hình thử nghiệm trồng cây lan kim tuyến tại Bắc Hướng Hóa. Ảnh: VTH

Mô hình thử nghiệm trồng cây lan kim tuyến tại Bắc Hướng Hóa. Ảnh: VTH

Với địa điểm thử nghiệm khu vực Sa Mù có độ cao từ 1.200 - 1.500 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình lí tưởng, thích nghi để phát triển các loại cây dược liệu có giá trị quý hiếm, năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đã trồng thử nghiệm 1.000 cây lan kim tuyến nhằm xây dựng, chọn lọc, hoàn thiện quy trình trồng lan kim tuyến, đưa vào công nghệ sản xuất hợp lí, để từ đó tiến hành sản xuất và nhân giống đối với loại cây mới này. Đến nay, đã khẳng định được tính thích nghi, khả năng sinh trưởng của cây lan kim tuyến trên vùng đất Bắc Hướng Hóa.

Cây lan kim tuyến là một loài lan đất. Tại Quảng Trị, cây lan này phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi của huyện Đakrông và Hướng Hóa, mọc trên các triền núi đá vôi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 m. Loài cây này ưa độ ẩm cao, ưa bóng râm, kị ánh sáng, yêu cầu đất nhiều mùn, tơi xốp và thoáng khí. Cây cao 10- 20 cm, thân màu tím, mọng nước, phần cây non có nhiều lông mềm, mang 2- 6 lá mọc cách, xòe trên mặt đất. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, gần tròn ở gốc và nhọn ở đầu, dài 3- 4 cm và rộng 2- 3 cm, trên mỗi chiếc lá có 3- 5 sọc gân dọc. Mặt trên màu nâu sẫm có vệt vàng ở giữa và mạng gân màu hồng nhạt, mặt dưới màu nâu nhạt. Cuống lá dài 2- 3 cm, gốc cuống tạo thành bẹ lá ôm lấy thân. Hoa mọc thành từng cụm, mỗi cụm hoa dài 10- 15 cm, mang 5- 10 hoa màu hồng phủ lông đỏ, dài 2,5 cm với cánh môi dài 1,5 cm mang 6- 8 ria mỗi bên, đầu môi chẻ thành 2 thùy thuôn đầu tròn. Bầu dài 13 mm, có lông thưa. Cây ra hoa vào tháng 10- 12 và mùa quả chín vào tháng 12 tới tháng 3 năm sau. Cây có thể sinh sản vô tính chủ yếu bằng chồi và thân rễ.

Trong y học, lan kim tuyến được sử dụng làm thuốc trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mãn tính, viêm khí quản, viêm gan mãn tính, suy nhược thần kinh; giúp tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn. Y học hiện đại đã phân tích và xác định được lan kim tuyến chứa các thành phần hoạt chất có dược tính cực kì quan trọng. Trong thời gian gần đây, tư thương Trung Quốc đã qua Việt Nam thu mua lan kim tuyến với giá rất cao từ 4- 6 triệu đồng/kg khô (thân, rễ, lá, hoa), nếu thu hái trong tự nhiên giá cao gấp 3 lần.

Hiện nay, loài lan dược liệu này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, vì chúng thường phân bố hẹp, mọc rải rác mà số lượng ở từng nơi lại không nhiều và đang bị khai thác cạn kiệt để sử dụng và xuất qua Trung Quốc. Mặt khác, khả năng tái sinh của lan kim tuyến trong tự nhiên rất thấp vì cây sinh sản theo mùa, hạt khó nảy mầm và rất nhạy cảm với sự thay đổi ẩm độ của môi trường, đặc biệt là những nơi môi trường sinh thái bị tàn phá.

Để khu vực Bắc Hướng Hóa phát triển bền vững, hạn chế được rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, cần phải lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiện của vùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua nghiên cứu, nhận thấy điều kiện sinh thái, khí hậu tại vùng Bắc Hướng Hóa thích hợp cho việc trồng một số cây dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm ngọc linh... Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đã triển khai nhiệm vụ trồng thử nghiệm một số cây dược liệu quý tại vùng Bắc Hướng Hóa, trong đó có cây lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô trong nhân giống.

Trong quá trình thực hiện, các cán bộ kĩ thuật của trung tâm đã thường xuyên theo dõi sự biến động của nhiệt độ, thời tiết, khí hậu để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tại vùng trồng, từ đó có biện pháp tốt nhất để khắc phục và rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Sau hơn 3 tháng thực hiện, đến nay cây lan kim tuyến sinh trưởng tốt từ nguồn giống được trung tâm nuôi cấy mô. Trung tâm cũng đã đánh giá được hiệu quả của từng quy trình và rút kinh nghiệm, ổn định, hoàn thiện quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc lan kim tuyến phù hợp với điều kiện vùng Bắc Hướng Hóa.

Với sự thành công ban đầu này, thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh sẽ mở rộng quy mô thử nghiệm và sau đó nhân ra diện rộng. Thành công của nhiệm vụ khoa học này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ bị khai thác quá mức dẫn đến tuyệt chủng trong tự nhiên, tạo ra một loại cây trồng mới trên vùng Bắc Hướng Hóa. Mô hình này cũng dễ dàng nhân rộng sẽ tạo được việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145102