Trọng trách cao cả của nữ sĩ quan 'mũ nồi xanh' Việt Nam đầu tiên
Ngày Trung tá Nga kết thúc nhiệm kỳ trở về nước, chị bất ngờ khi thấy các em nhỏ người Nam Sudan đến tìm, trao cho chị những món quà bé xinh do tự tay mình làm ra.
Người lính “mũ nồi xanh”
Cộng hòa Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới khi tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Hơn 10 năm qua, nước này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc. Hầu hết người dân sống trong nghèo khó. 90% dân số thu nhập dưới 1 USD/ngày. Hơn 50% trẻ em không được đến trường.
Ngày Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga đặt chân lên đất nước Nam Sudan vào năm 2018 trong lực lượng tham gia hoạt động của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc (Phái bộ GGHB LHQ) với quân hàm Thiếu tá; nhìn những đứa trẻ nơi đây, chị như nhìn thấy hai con mình ở quê nhà.
“Bộ đội ta luôn có truyền thống dân vận tốt, gần gũi nhân dân. Đó là một trong những lý do tôi muốn dành phần lớn thời gian rảnh để tiếp xúc với người dân bản địa. Thời gian đầu mới sang, việc tìm hiểu cuộc sống của họ cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi chơi với lũ trẻ ở đây tôi có cảm giác như đang chơi với các con ở nhà”, Trung tá Nga kể.
Gặp những đứa trẻ bằng tuổi con mình nhưng không có điều kiện học tập, ăn uống no đủ; có những em sốt rất cao nhưng mẹ không có kiến thức, vẫn để con ngoài trời nắng; có em nhỏ vết thương bị hoại tử mà không có thuốc chữa lành… đã thôi thúc Trung tá Nga làm gì đó. Chị kêu gọi đồng nghiệp các nước quyên góp những vật dụng, đồ dùng, quần áo, sách báo; rồi làm sạch, phân loại, tặng cho trường học và các hộ dân địa phương.
Thấy tình trạng vệ sinh của các em nhỏ không được tốt, chị hướng dẫn chúng cách giữ vệ sinh bản thân, chia sẻ với các bà mẹ. Thời gian rảnh rỗi, chị mang bút màu và giấy dạy lũ trẻ vẽ. Hình ảnh nữ quân nhân Việt Nam hướng dẫn những đứa trẻ cặm cụi vẽ tranh trong khu phố nghèo ở Thủ đô Juba đã làm lay động trái tim người dân ở đất nước Nam Sudan. Nữ sĩ quan Việt Nam giàu tình thương được ví như một “sứ giả hòa bình”, được người bản địa coi không khác gì người thân trong gia đình…
Một ngày tháng 4/2022, tại Hà Nội, khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật do các nữ quân nhân “mũ nồi xanh” thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đã trực tiếp tham gia công tác tại các Phái bộ GGHB LHQ ở Cộng hòa Nam Sudan và Trung Phi, trao tặng; Trung tá Nga là một trong những người có nhiều hiện vật trao tặng nhất.
Những hiện vật chị trao tặng Bảo tàng đã có thời gian rất gắn bó trong nhiệm kỳ nhiệm vụ đầu của chị tại Nam Sudan. Đó là những bức tranh vẽ, là những kỷ vật bằng len tự tay trẻ em Nam Sudan làm tặng.
“Trước khi tôi lên đường về nước khoảng nửa tháng, khi tôi thông báo, nhiều em nhỏ khóc không muốn rời xa, làm tôi xúc động nghẹn ngào. Tôi vô cùng trân quý những kỷ vật này và quyết định tặng lại cho Bảo tàng, vì trong đó chứa đựng bao nhiêu tình cảm các em nhỏ gửi gắm. Khi tặng lại cho Bảo tàng thì không chỉ riêng tôi, mà sẽ nhiều người biết đến câu chuyện của những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam và nhất là những nữ quân nhân đã đóng góp sức mình cho sự gìn giữ hòa bình thế giới ra sao”, Trung tá Nga tâm sự.
Nhiệm vụ cao cả
Đối với Trung tá Nga, ngày 30/10/2017 là dấu mốc không thể quên trong cuộc đời bởi đó là ngày chị được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cử sang Nam Sudan làm nhiệm vụ ở Phái bộ GGHB LHQ. Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ đặc biệt này và là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên. Theo quyết định, chị Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga sinh năm 1981, là một người con của đất Hà Nội. Nhập ngũ năm 2004, hành trình đến với Phái bộ GGHB LHQ là một ngã rẽ bất ngờ trong đời binh nghiệp của chị. Chị cho hay, khi Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai lựa chọn quân nhân tham gia Phái bộ GGHB LHQ, thực ra ban đầu chị không phải là lựa chọn đầu tiên cho sứ mệnh này vì có vài nữ sĩ quan giỏi ngoại ngữ hơn chị, lại được đào tạo đúng chuyên ngành đối ngoại quốc phòng.
Tuy nhiên, nhận thấy lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm, lãnh đạo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chọn chị và tạo điều kiện tối đa để chị theo học tiếng Anh, tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn gìn giữ hòa bình.
“Tôi quyết tâm tham gia vì yêu công việc gìn giữ hòa bình. Biết là sẽ đầy gian khổ, nhưng tôi vẫn quyết đi. Trong hơn một năm sau khi được chọn, tôi được cử đi học, bồi dưỡng các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu các hoạt động quân sự, liên lạc, quan sát viên, thông tin, quan hệ quân – dân sự Liên Hợp quốc tại Uganda, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan… Sợ bị gia đình ngăn cản nên tôi im lặng giấu cả nhà”, Trung tá Nga nhớ lại.
Đặt chân lên đất nước Nam Sudan, dù đã được huấn luyện kỹ càng, được tìm hiểu trước về tình hình, tuy nhiên chị vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu khi tận mắt chứng kiến những khó khăn mà đồng nghiệp và người dân nơi đây phải vượt qua.
Theo sự phân công nhiệm vụ của Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, Trung tá Nga đảm nhiệm vị trí một sỹ quan tham mưu các hoạt động quân sự. Một ngày làm việc của chị kéo dài liên tục 14 - 16 tiếng. Cũng giống như các đồng nghiệp khác, một khi đã nhận bàn giao nhiệm vụ, sẽ không được nghỉ về ăn bữa trưa hoặc tối, mà phải mang theo đồ ăn chuẩn bị trước.
“Hai tháng đầu tôi trực gần như suốt ngày đêm. Ca đêm rất dài vì trực từ 16h chiều hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Một ngày cứ 14 - 16 tiếng làm việc không ngủ nghỉ, ăn uống ngay tại chỗ, đêm chợp mắt chỉ được 30 phút đến 1 tiếng”, chị kể.
Chưa hết, theo Trung tá Nga, một số người dân Nam Sudan cũng rất dễ biểu tình, kích động. “Căng thẳng nhất là lúc hai bộ tộc sống trong khu bảo vệ thường dân của Liên Hợp quốc xảy ra xích mích, dùng vũ khí tấn công nhau. Có khi không dàn xếp được, họ xông đến cổng trụ sở Phái bộ GGHB LHQ. Có những lúc tình thế căng thẳng, chúng tôi phải trực tăng cường cả ngày lẫn đêm, luôn trong tư thế sẵn sàng di tản”, chị hồi ức.
Nơi đất nước xa xôi, không tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, với quyết tâm khẳng định hình ảnh của nữ sĩ quan Việt Nam, chị Nga đã vượt qua mọi thử thách và được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao. “Một năm thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan giúp tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Quan trọng nhất là tôi đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu hình ảnh con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đến với bạn bè thế giới”, Trung tá Nga tâm sự.
Điều thiêng liêng trong trái tim
Trong số những hiện vậy mà Trung tá Nga tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có một chiếc khăn. Với chị, đó là chiếc khăn chứa đựng cả khung trời yêu thương của tình mẫu tử.
Ở thời điểm nhận nhiệm vụ, chị có hai con trai đang tuổi lớn, một đang học lớp 6, một học lớp 4. Phải xa các con để lên đường làm nhiệm vụ, trái tim người mẹ bộn bề lo lắng. Để chuẩn bị tư tưởng cho các con, hàng đêm chị kể cho các con nghe về vùng đất châu Phi, về Nam Sudan, về những em bé châu Phi cực khổ, về công việc của chị để góp phần nhỏ bé giúp ích cho hòa bình thế giới.
Biết sắp phải xa mẹ nên các con tận dụng hết mọi thời gian quý giá và bày tỏ cảm xúc với mẹ. Trước khi lên đường, chị đưa con trai nhỏ lúc đó đang học lớp 4 chiếc khăn của mình. Đứa trẻ xa mẹ đã quàng chiếc khăn đó mỗi khi đi ngủ mới quen với cảm giác xa mẹ.
Tháng 5/2022, Trung tá Nga lại lần nữa tạm xa các con, lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Nam Sudan trên cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số cấp 2 số 4.
Xin trích một câu nói của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, tại lễ trao tặng kỷ vật, để thay cho lời kết: “Các chị cùng đồng đội đã ghi dấu ấn về một thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay trong lòng bạn bè quốc tế bằng sự can đảm của người chiến sỹ, bằng sự tự hào về truyền thống anh dũng con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, bằng nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, nhân hậu, bản lĩnh, trí tuệ phụ nữ Việt Nam”.
Trung tá Nga đã nhiều lần nhận được những Bằng khen ghi nhận sự cống hiến như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019; Bằng khen của Bộ Quốc phòng năm 2019; Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Được tặng thưởng 2 huy chương Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của Liên Hợp quốc…