Trọng trách 'trụ cột' khiến đàn ông cũng gặp bất bình đẳng giới
Theo TS. Khuất Thu Hồng, từ trước tới nay, người Việt vẫn luôn hằn sâu suy nghĩ 'đàn ông là trụ cột trong gia đình'. Vậy nên, nỗi lo cơm áo, gạo tiền khiến nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực và cũng là là nhạn nhân của bất bình đẳng giới.
Trọng trách "trụ cột gia đình" khiến đàn ông Việt chịu muôn vàn sức ép
Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS, cuộc sống hiện đại với gánh nặng cơm áo, gạo tiền khiến nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS
Tuy nhiên, đàn ông được cho là "phái mạnh" nên không thể giải tỏa những áp lực của mình như phụ nữ. Phụ nữ khi gặp áp lực có thể giải tỏa bằng cách than thở, khóc lóc…. Bởi phụ nữ được cho là "phái yếu". Còn đàn ông phải luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm có thể lo sợ, hoang mang, thậm chí cô đơn, đau khổ.
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, nhiều người đàn ông gặp các vấn đề về tâm thần như trầm, cảm, lo âu do gánh nặng cơm, áo, gạo tiền. Đàn ông thường tìm đến rượu, thuốc lá… để giải tỏa nỗi buồn của mình. Đây cũng là lý do các vụ tai nạn giao thông thường xảy ra nhiều hơn với đàn ông và đàn ông nghiện rượu, thuốc lá nhiều hơn.
Theo TS. Hoàng Tú Anh – Chủ tịch mạng lưới Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới GBVNet tại Việt Nam, bất bình đẳng giới gây ra rất nhiều hệ lụy cho nam giới cũng bắt nguồn từ chính khuôn mẫu mà xã hội đặt ra từ bấy lâu nay.
Đàn ông Việt luôn được cho là "trụ cột trong gia đình", nghe có vẻ oai nhưng chưa chắc đã hạnh phúc với danh phận này. Ở xã hội trước đây, nam giới có nhiều cơ hội việc làm, kiếm tiền nhiều hơn nữ giới nhưng ngày nay điều đó đã thay đổi bởi thị trường lao động thay đổi khiến nhiều nam giới khó khăn để kiếm một việc làm tốt.
Ngày nay thị trường lao động thay đổi khiến nhiều nam giới khó khăn để kiếm một việc làm tốt.
Thay đổi định kiến để rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới
Trong quan niệm truyền thống về bình đẳng giới, nam giới luôn được coi là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi vậy, có rất nhiều chính sách, luật để nâng cao vị thế của người phụ nữ, lên án trừng phạt hành vi bạo lực của nam giới lên phụ nữ. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng: Việc chấm dứt hành vi bạo lực giới không hẳn đòi hỏi những điều luật, chính sách, chương trình, kế hoạch đồ sộ trên giấy mà trước hết cần bắt đầu thay đổi cơ bản những định kiến. Từ đó tạo ra giá trị, niềm tin mới tác động tới hành động của mỗi cá nhân, tổ chức. Chỉ có thay đổi những định kiến bình đẳng giới mới duy trì sự ổn định và xã hội có thể phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, bất bình đẳng giới trước hết gắn liền với những chuẩn mực xưa cũ về mối quan hệ giữa nam và nữ trong xã hội. Những truyền thống hàng nghìn năm về khái niệm phái mạnh đã đặt lên vai người đàn ông những gánh nặng họ không thể rũ bỏ, mà bị áp đặt là hình mẫu cần phấn đấu.
Trong gia đình, người chồng phải luôn mạnh mẽ, là trụ cột, bảo vệ, lãnh đạo gia đình. Người vợ phải biết là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác và thăng tiến. Những quan niệm đó vẫn hiển hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tạo ra niềm tin cho giới trẻ rằng đó là mẫu hình cần phải phấn đấu, đạt được.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, có thể bắt đầu thách thức những định kiến cũ bằng cách thảo luận về những câu hỏi tưởng chừng đã được mặc nhiên xác định như: Thế nào là người đàn ông lý tưởng? Xã hội, gia đình mong chờ điều gì nhất ở người nam giới? Trẻ em trai được dạy gì trong cộng đồng, trường học, gia đình về những điều cần đạt được với tư cách là nam giới?...
Trọng trách “trụ cột gia đình” khiến đàn ông Việt chịu nhiều áp lực.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, nam giới bạo hành cũng liên quan một phần đến những áp lực. Trong tất cả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, chúng ta thường đẩy nam giới sang phía đối diện để chê trách, phê phán, lên án. Cách làm như vậy không mang lại hiệu quả. Việc tập trung vào phụ nữ những năm qua giúp chị em tiến bộ nhiều nhưng chúng ta bỏ quên nam giới.
"Đặt nam giới ở phía đối diện nên không thu hút được họ vào nỗ lực chung vì bình đẳng. Chúng ta không dành cho nam giới sự quan tâm mà lẽ ra họ được nhận. Đã đến lúc phải thay đổi cách làm để giúp nam giới có khoảnh khắc của mình, cũng được hỗ trợ, quan tâm và đồng hành cùng phụ nữ và các giới khác trong những nỗ lực chung để thay đổi quan niệm xưa cũ để bình đẳng hơn, hạnh phúc hơn" - TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Thanh Loan (tổng hợp)