Trọng trách với di sản của cha ông

Mỗi một năm là một não nùng/ Dậy chim nhắn cá vặn hùng văn nhân - Lời hát văn dâng Thánh cũng là xúc cảm của những người nặng lòng với di sản, muốn mượn âm nhạc, ca từ, vũ đạo để phục vụ tín ngưỡng, lan tỏa giá trị của hát văn, hát chầu văn đến mọi người.

Giữ trọn giá trị thiêng

Những ngày này, các thành viên Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội tất bật tập luyện làn điệu hát văn, hát chầu văn, chuẩn bị hòa chung không khí đón Xuân Giáp Thìn cận kề. Đây cũng là khoảng thời gian lắng đọng trong năm, hướng con người về giá trị cổ truyền, về với thế giới siêu thực, linh thiêng của không gian thực hành tín ngưỡng. Người gõ phách, người chơi đàn nguyệt, người đánh trống theo lời hát ngợi ca công đức Thánh Mẫu, các bậc tiền nhân, ca ngợi non sông gấm vóc, anh hùng dân tộc… Tất cả cùng bắt nhịp, tỏa lan, đưa thế giới tâm linh chạm đến gần đời sống thực tại.

Chủ nhiệm Trần Xuân Thu (nghệ danh Thu Thu) cho biết Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội được thành lập tháng 8.2022 với 22 hội viên, lực lượng nòng cốt là học viên lớp chầu văn đình Bích Câu và Nhóm đàn hát Minh Khai do nghệ sĩ Tuyết Tuyết trực tiếp giảng dạy, đào tạo từ năm 2017. Sau hơn 1 năm hoạt động, hiện tại câu lạc bộ có 36 hội viên cùng nhiều cộng tác viên quan tâm tham gia. Đây ví như chốn quy tụ những con người chung niềm đam mê âm nhạc truyền thống, chung mong muốn bảo tồn và phát huy tinh hoa, vốn quý của dân tộc, thông qua làn điệu hát văn, hát chầu văn.

Chương trình giao lưu của Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội ở Đình Bích Câu. Ảnh: CLB

Chương trình giao lưu của Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội ở Đình Bích Câu. Ảnh: CLB

Trong kho tàng văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, ở mỗi màn diễn xướng đều có sự liên thông về tâm tưởng của thanh đồng, để những ngón đàn, điệu hát thăng hoa. Những màn vũ đạo, cảm xúc của thanh đồng được truyền tải trọn vẹn qua nấc luyến láy, trầm bổng của câu hát, ngón đàn. Những màn diễn xuất thần đòi hỏi sự nhập tâm và kỹ thuật rất cao của người thể hiện mà nếu không yêu, không hiểu, không đau đáu với di sản của ông cha thì khó có thể làm hay, làm tốt.

Theo bà Trần Xuân Thu, thực hành di sản cổ truyền không dễ, gắn với di sản mang yếu tố tâm linh lại càng khó. Chẳng hạn, nghi lễ hầu đồng trong diễn xướng chầu văn là sự kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật, bao gồm ca hát, âm nhạc, nhảy múa, mỹ thuật, diễn xuất trước ban thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Đó là khung cảnh linh thiêng, huyền ảo, mang đậm sắc thái tâm linh mà nếu làm không khéo sẽ rất dễ dàng sa đà vào mê tín dị đoan.

"Việc đưa di sản vào không gian nào, trình diễn trên sân khấu ra sao… bởi vậy là điều mà Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội đặc biệt lưu ý. Chúng tôi luôn ý thức trọng trách mình đang thực hành vốn cổ ông cha để lại. Vốn cổ ấy dâng lên chốn thiêng thì phải thành kính, giữ trọn giá trị thiêng. Vốn cổ ấy khi lan tỏa cho đông đảo quần chúng thì phải gạn đục khơi trong, kết hợp bảo tồn và phát triển để vừa không mất đi lề lối, linh hồn của truyền thống, vừa súc tích, gọn ghẽ, dễ nghe, dễ thấm", bà Trần Xuân Thu nói.

Lan tỏa cái hay, cái đẹp

Công việc luật sư bận rộn, Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 2000) vẫn hăng hái tham gia Câu lạc bộ. Sơn chia sẻ, trở thành thành viên Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội giúp anh thỏa mãn đam mê, có môi trường học hỏi, thực hành tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời những phút giây thăng hoa với nghệ thuật cũng mang đến sự cân bằng cho cuộc sống. "Tôi không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng qua tiếp xúc, tìm hiểu, tôi rất yêu nghệ thuật hát văn, hát chầu văn. Hiện tại, tôi tham gia Câu lạc bộ trong vai trò cung văn, để cùng với các thành viên khác đưa cái hay cái đẹp của nghệ thuật gắn với tín ngưỡng đến mọi người", Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Thông qua các lớp tập huấn đàn, hát, các hội viên Câu lạc bộ nắm bắt phương thức thực hành di sản và trở thành nòng cốt cho các đội văn nghệ của địa phương. Không chỉ giữ gìn các làn điệu cổ trong các giá hầu đồng mà Câu lạc bộ còn phát triển bài hát văn mới như: Mùa xuân trẩy hội Hương Sơn, Hát mừng Hà Nội Việt Nam, Trường tồn vạn tuế cùng đất nước, Lời ca dâng Đảng, Dáng mẹ ta xưa…

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp hát văn, nghệ sĩ Tuyết Tuyết giờ đây như người “cầm cân nảy mực” của Câu lạc bộ, hướng dẫn, chăm chút tỉ mỉ từng câu hát, ngón đàn cho các thành viên, để mỗi tiết mục giữ được lề lối bài bản của hát văn, dù là theo lời cổ hay lời mới. Điều nghệ sĩ Tuyết Tuyết trăn trở bấy lâu là nghệ thuật chầu văn ngày nay bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường, nhiều người thích đưa nhạc cụ điện tử hiện đại vào các tiết mục hát văn hoặc đan cài, lai căng giai điệu. Điều đó rất dễ làm sai lệch giá trị nguyên gốc của di sản chầu văn. "Rất may, tất cả thành viên Câu lạc bộ Hát văn và hát chầu văn Hà Nội đều nhất tâm hướng tới phương châm: Bảo tồn - gìn giữ - phát triển - lan tỏa nghệ thuật hát văn và hát chầu văn tới nhân dân".

Nặng lòng với di sản, muốn mượn âm nhạc, ca từ, vũ đạo để phục vụ tín ngưỡng, lan tỏa giá trị của hát văn, hát chầu văn chính là động lực thôi thúc các thành viên Câu lạc bộ tiếp tục rèn giũa, ngày càng khẳng định chất lượng nghệ thuật. Những lớp tập huấn, truyền dạy lề lối hát văn diễn ra đều đặn, nhiều chương trình biểu diễn được Câu lạc bộ mang tới trường học, các địa phương hay giao lưu với các câu lạc bộ khác. Đặc biệt, trong năm 2023, Câu lạc bộ đã duy trì biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (2 buổi/tháng, vào tối thứ Bảy)… góp phần để hát văn, hát chầu văn giữ được nét đẹp trong đời sống đương đại.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/trong-trach-voi-di-san-cua-cha-ong-i357432/