Trồng tre lục trúc lấy măng, HTX thu 'vàng' trên đất núi
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ với vài thành viên ban đầu, nhưng với những giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình kinh doanh trồng tre lục trúc lấy măng không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu được thành lập năm 2018 với 8 thành viên. Sau nhiều năm hoạt động, đến thời điểm này, HTX có hơn 30 thành viên, cùng hàng trăm lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Mạnh dạn theo đuổi hướng đi mới
HTX Lâm Sinh Ngọc Châu đăng ký sản xuất kinh doanh các ngành nghề: trồng lúa, ngô, các loài lương thực có hạt, cây lấy củ có chất bột, rau, đậu các loại, trồng hoa, cây cảnh, cây gia vị, dược liệu, cây lâu năm, hàng năm và trồng trọt - chăn nuôi hỗn hợp. Trong đó, hoạt động chủ yếu là sản xuất măng lục trúc.
Không chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản sẵn có, đến nay, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã mở thêm các dịch vụ tư vấn nông nghiệp như cung cấp cây, con giống, phân bón cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật… góp phần nâng cao đời sống cho thành viên và các hộ dân tại địa phương.
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Dương Thị Luyện – Giám đốc HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, năm 1995, Bộ NN&PTNT triển khai một dự án trồng thử nghiệm loại tre lục trúc giống Đài Loan lấy măng tại địa bàn xã nhằm xóa đói, giảm nghèo và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn thì dự án gần như bị "bỏ quên" do không đem lại hiệu quả kinh tế. Với khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tìm hướng đi mới cho người dân thoát nghèo, chị Luyện đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu để khôi phục và phát triển sản phẩm này.
Khi đó, từ những khâu liên kết sản xuất, chế biến thành phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với ý chí, nghị lực vươn lên trong gian khó, mỗi thành viên của HTX vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để thay đổi trong quá trình trồng và chăm sóc tre lục trúc.
Mặc dù tre lục trúc là loại cây dễ trồng và sinh trưởng tốt, tuy nhiên, nhưng vẫn cần có bàn tay chăm sóc và hiểu thuộc tính của cây trồng.
Theo chị Luyện, trồng tre lục trúc vào mùa mưa là tốt nhất. Sau một năm chăm sóc tốt thì tre lục trúc bắt đầu cho măng để thu hoạch. Thời gian thu măng từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hàng năm. Thường mỗi gốc tre lục trúc 1 năm tuổi cho thu 30 - 50 kg măng. Măng trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ.
Kiên trì chờ ngày thu hái "măng ngọt"
Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên HTX tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc cây tre giống đến các sản phẩm từ măng, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc: máy làm đất, máy múc, máy bón phân,…để tối ưu hóa sức lao động.
Qua những nỗ lực không ngừng, hiện HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu có 20 trang trại trồng măng với tổng diện tích cho thu hoạch khoảng 100 ha và 40 ha trồng mới. Năm 2023, sản lượng măng tươi thành phẩm đạt 300 tấn (giá dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/kg), măng khô 800 kg, măng ngâm ớt gần 2.000 hộp;... với tổng doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng.
"Vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, dần dần măng lục trúc và các sản phẩm từ cây măng lục trúc đã vươn tới toàn tỉnh và lan sang các tỉnh lân cận, từng bước tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng", chị Luyện chia sẻ.
Với chất lượng sản phẩm, dịch vụ uy tín và những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, HTX đã vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng như: Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ III năm 2021; top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2020; top 50 thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2019; huy chương vàng và danh hiệu sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao…
Năm 2021, sản phẩm măng lục trúc tươi Lâm Sinh Ngọc Châu được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hoạt động của HTX góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất trồng cây nông nghiệp và có thu nhập trên địa bàn huyện Tân Yên góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.
“Mô hình kinh doanh trồng măng của HTX không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn giúp cải thiện đời sống cộng đồng bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội phát triển kinh tế. Đồng thời, việc bảo vệ rừng tre cũng góp phần vào việc giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu”, lãnh đạo địa phương đánh giá.
Phát triển bền vững với thương hiệu riêng
HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ cho sản phẩm măng cũng như cây giống.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của HTX đưa ra thị trường được đóng gói và trên bao bì có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo tính độc quyền và tránh hàng giả.
Ngoài ra, HTX xây dựng thêm cơ sở sơ chế và đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại như: máy hút chân không, kho mát,… để thuận tiện hơn trong quá trình sản xuất, đem sản phẩm chất lượng cao tới người tiêu dùng.
Với uy tín về chất lượng sản phẩm và thương hiệu của mình, HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng trên cả nước, thể hiện qua sự ủng hộ của người tiêu dùng tại các hội chợ nông sản, các sự kiện xúc tiến thương mại và các chương trình truyền thông, khảo sát.
“HTX xác định lấy lợi ích của các thành viên làm mục tiêu để hoạt động, duy trì sản xuất trồng tre lấy măng, phấn đấu mở rộng thêm quy mô, đẩy mạnh hoạt động chế biến các sản phẩm từ măng sấy khô, cải tiến quy trình kỹ thuật sơ chế và đóng gói cũng như bảo quản chất lượng, màu sắc. Đặc biệt, xuất khẩu cũng là mục tiêu lớn mà HTX đặt ra trong thời gian tới”, chị Luyện chia sẻ.
HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã khẳng định vị thế của mình không chỉ qua việc trồng măng bền vững mà còn qua việc xây dựng một thương hiệu riêng, mang đậm bản sắc địa phương. Từ vẻ đẹp của rừng nguyên sinh đến hương vị đặc trưng của măng, mỗi sản phẩm đều được đầu tư và nghiên cứu tỉ mỉ.
Giám đốc Dương Thị Luyện cho biết, tuy còn nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như sử dụng các trang thương mai điện tử để bán hàng còn hạn chế, nhưng HTX cũng đã có nhiều hướng đi mới trong việc tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm.