Trông trẻ ngày hè: Cần đảm bảo yếu tố an toàn

Năm học 2023 - 2024 kết thúc, nhiều gia đình có con học mầm non mong nhà trường tiếp tục trông hè để giúp trẻ củng cố kỹ năng, bố mẹ yên tâm đi làm.

Tổ chức dạy xuyên hè cho trẻ mầm non là hoạt động cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: ITN

Tổ chức dạy xuyên hè cho trẻ mầm non là hoạt động cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: ITN

Rèn luyện kỹ năng

Chị Đặng Thanh Tâm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học mẫu giáo 2 tuổi chia sẻ, sau khi kết thúc năm học cuối tháng 5, nhà trường cho trẻ nghỉ 4 ngày rồi tiếp tục trông hè trong tháng 6, 7. Ở buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo phát cho phụ huynh đường link liên kết khảo sát để đăng ký cho trẻ học hè nếu có nhu cầu. Trong đó, bố mẹ có thể điền nguyện vọng trẻ học hè từ ngày nào đến ngày nào, học phí không thay đổi so với trong năm học.

“Gần như 100% bố mẹ đăng ký cho trẻ học hè. Đến trường, con được gặp gỡ bạn bè, học theo chương trình, ăn uống đa dạng, bố mẹ yên tâm đi làm. Thực đơn và chương trình học cập nhật qua app trên điện thoại thường xuyên nên phụ huynh dễ dàng theo dõi”, chị Tâm cho hay.

Làm nhân viên văn phòng tại TP Phủ Lý (Hà Nam), gia đình chị Nguyễn Thị Thảo có hai con chuẩn bị lên lớp 3 tuổi và 5 tuổi. Do ông bà hai bên đều ở quê Hà Tĩnh, chị quyết định đăng ký cho con tiếp tục tham gia hoạt động hè tại trường mầm non. Việc này vừa giúp vợ chồng chị có thời gian dành cho công việc, trẻ lại được cô chăm sóc, nuôi dưỡng ở lớp với đầy đủ điều kiện như trong năm học để phát triển về kỹ năng, thể chất.

Cô Trần Thị Minh Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (TP Phủ Lý) nhấn mạnh, nắm bắt nhu cầu của đa số phụ huynh nên nhà trường đã gửi phiếu khảo sát để bố mẹ có thể đăng ký cho trẻ đi học hè tại trường. Mọi năm, số lượng trẻ đi học chiếm khoảng 60%, tương đương hơn 400 em. Đó cũng là căn cứ để nhà trường bố trí đủ giáo viên để đứng lớp dịp hè theo quy định.

“Nhà trường vẫn đảm bảo số ngày nghỉ cho giáo viên. Những cô có nguyện vọng trông trẻ ngày hè phải có đơn để ban giám hiệu sắp xếp lớp. Mỗi lớp thường có từ 20 – 30 trẻ, các cô sẽ ôn lại cho trẻ kỹ năng, kiến thức đã dạy trong năm học cũng như tham gia nhiều hoạt động thể chất. Việc này giúp trẻ tăng cường vận động và khả năng giao tiếp. Nhờ đó, phụ huynh yên tâm khi cho con theo học tại trường thay vì ở nhà với anh chị”, cô Minh Hồng nhấn mạnh.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông La A (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, trông trẻ ngày hè đang là nhu cầu tất yếu của nhiều phụ huynh. Toàn trường có 535 trẻ, hơn 50% phụ huynh đăng ký cho con đi học hè.

Gia đình và giáo viên muốn tham gia hoạt động hè tại trường phải có đơn. Trường sẽ bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để duy trì dạy hè. Ngoài ôn luyện kỹ năng, trẻ được giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi để tạo không khí phấn khởi trước khi vào năm học mới.

Theo cô Nhung, trường mầm non có môi trường học tập được thiết kế chuyên nghiệp, an toàn và phù hợp lứa tuổi. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản và kinh nghiệm giảng dạy. Chương trình học hè xây dựng đa dạng, phong phú và phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ. Do đó, trẻ có cơ hội giao lưu, kết bạn và rèn luyện các kỹ năng xã hội, được chơi các trò chơi đòi hỏi sự khéo léo như xếp hình, tô màu, vẽ tranh...

Tại Trường Mầm non Sen Hồng (huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu), cô Hiệu trưởng Phạm Thị Nhung cũng cho biết, trừ trẻ 5 tuổi sắp vào lớp 1, trường vẫn tổ chức hoạt động hè cho hơn 200 trẻ đang theo học. Số lượng trẻ tham gia học hè dựa theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh. Một số gia đình lựa chọn cho trẻ về quê nghỉ hè hoặc ở nhà chơi với anh chị. Nội dung dạy hè có thể là đọc thơ, truyện, hát, tô màu, làm quen với chữ số với trẻ 4 - 5 tuổi. Thời gian dạy hè tính từ ngày 10/6 đến hết 31/7.

Cô giáo hướng dẫn hoạt động góc cho trẻ tại Trường Mầm non Đông La A (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Cô giáo hướng dẫn hoạt động góc cho trẻ tại Trường Mầm non Đông La A (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Cần đảm bảo an toàn

Theo lãnh đạo Trường Mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), nhằm đáp ứng nhu cầu cho trẻ đến trường trong thời gian nghỉ hè, tại cuộc họp phụ huynh cuối năm, nhà trường đã khảo sát ý kiến và tổ chức cho phụ huynh đăng ký. Dự kiến từ 15/6, nhà trường bắt đầu tổ chức học hè.

Cô Lê Thị Vân Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù số lượng trẻ không nhiều, nhưng nhà trường vẫn tổ chức học hè để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Hoạt động giáo dục trong hè chủ yếu là chăm sóc, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Ngoài khắc phục những điểm yếu mà trẻ gặp phải trong năm học, trường còn tổ chức các lớp học năng khiếu để phụ huynh đăng ký cho trẻ tham gia như múa, vẽ, hát…

Theo TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), hiện nay nhu cầu học hè tại trường cho trẻ mầm non khá lớn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn cũng như cho trẻ có trải nghiệm thú vị, trong quá trình thiết kế hoạt động hè nhà trường cần đảm bảo yếu tố an toàn, có sự giám sát chặt chẽ suốt quá trình tham gia.

Đồng thời, nhà trường nên hỏi ý kiến phụ huynh về các hoạt động hè để họ có thể đưa ra gợi ý mà trẻ thích. Trẻ mầm non thường thích các hoạt động tương tác đơn giản. Do đó, các trường cần lựa chọn nội dung phù hợp với sở thích trẻ. Ví dụ, trẻ thích vẽ tranh, chơi nước, xây dựng, nghe truyện và tham gia các trò chơi/hoạt động theo nhóm.

TS Vũ Việt Anh cũng cho biết thêm, ở cấp mầm non ngoài hoạt động phát triển thể chất, mùa Hè là thời gian lý tưởng để giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống như tự phục vụ bản thân, ăn uống, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp đồ chơi... từ đó hình thành tính tự lập và ý thức trách nhiệm.

Cùng đó, khám phá khoa học thông qua các thí nghiệm đơn giản, tìm hiểu hiện tượng tự nhiên… cũng giúp các em phát triển tư duy logic, khả năng quan sát và giải quyết vấn đề. Các hoạt động kể chuyện, tham gia trò chơi ngôn ngữ cũng bổ ích thiết thực để trẻ phát triển vốn từ vựng, khả năng giao tiếp, tư duy ngôn ngữ.

“Nhà trường có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi tập thể; chia sẻ cảm xúc để khuyến khích nói ra suy nghĩ của bản thân với cô giáo và bạn bè, phát triển khả năng thấu hiểu và đồng cảm. Qua đó, giáo dục trẻ lòng biết ơn, giúp đỡ người khác nhằm phát triển tình cảm xã hội”, TS Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên.

Đình Tuệ - Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trong-tre-ngay-he-can-dam-bao-yeu-to-an-toan-post685099.html