Trồng trọt trước thách thức thời tiết

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất gieo trồng năm 2022 của tỉnh trong điều kiện mùa mưa đến sớm và lượng nước tích tại các hồ đập đảm bảo. Do đó, nên thời gian xuống giống vụ hè thu và diện tích gieo trồng các loại cây trong vụ tương đối đạt so với kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích sản xuất giảm so mọi năm, do một số khó khăn khác…

Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày của tỉnh 193.400/193.100 ha, đạt 100,16% kế hoạch và bằng 96,41% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực cây có hạt cả năm trên 805.000/800.000 tấn, đạt 100,63% kế hoạch. Đáng nói, tỷ lệ nông dân dùng giống lúa xác nhận để sản xuất tăng dần, năm 2022 đạt được khoảng trên 80% diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh. Riêng diện tích gieo trồng cây lúa trong năm 2022 đạt khoảng 92,52% so với kế hoạch. Diện tích sản xuất giảm chủ yếu ở huyện Đức Linh và Tánh Linh do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nên một số nông dân bỏ vụ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài, nên một số cánh đồng bị ngập úng cục bộ, buộc người dân ngừng sản xuất. Đây cũng là lý do chính dẫn đến diện tích gieo trồng vụ hè thu 2022 thấp hơn kế hoạch (đạt 95,85%).

Chăm sóc lúa.

Đơn cử tại huyện Đức Linh, để thực hiện kế hoạch sản xuất trong điều kiện mưa nhiều, trong vụ mùa này, huyện xuống giống sớm đối với những diện tích chuẩn bị chuyển đổi cây trồng trong vụ đông xuân 2022 ‐ 2023 và diện tích bỏ vụ hè thu không sản xuất. Dự kiến diện tích xuống giống trên 3.900 ha ở các xã Nam Chính, Mê Pu, Võ Xu… Ngoài ra, huyện triển khai xuống giống theo lịch né rầy của Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ Nông nghiệp huyện với diện tích trên 4.000 ha ở các vùng còn lại trong tháng 9/2022.

Theo ông Phan Văn Tấn ‐ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài sản xuất cây hàng năm, hiện đối với cây thanh long, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thanh long xuống thấp liên tục biến động từ 2.000 ‐ 10.000 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ thanh long qua các cửa khẩu Việt Nam ‐ Trung Quốc thông quan chậm (có lúc ngưng không thông quan). Do đó, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thanh long, phần lớn các cơ sở thu mua thanh long tạm ngưng hoạt động và hoạt động cầm chừng dẫn đến giá thanh long giảm. Trong lúc đó chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, dẫn đến có nơi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bỏ vườn không chăm sóc. Ngoài ra, tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng tiếp tục diễn biến bất lợi cho sản xuất, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch như rầy nâu trên cây lúa, bệnh đốm nâu trên thanh long, bệnh khảm do virus trên cây mì, sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp...

Thu hoạch lúa.

Trong năm 2022, việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành trồng trọt được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra, nhiều mặt còn hạn chế. Tình hình sâu bệnh hại mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch. Việc liên kết sản xuất mặc dù được quan tâm triển khai nhưng kết quả còn hạn chế, chưa thật sự vững chắc, chưa tạo động lực cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, sản suất nông nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp, chi phí vận chuyển tăng trong khi giá thành sản phẩm không ổn định, tác động đến tâm lý của nông dân trong việc đầu tư phát triển sản xuất. Đứng trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, hiện ngành nông nghiệp cùng các địa phương và nông dân trong tỉnh đang triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2022 ‐ 2023 và cả năm 2023. Đáng chú ý, trước tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp cần có các giải pháp, chỉ đạo sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tế, khả năng về nguồn nước, đất đai tại địa phương, đảm bảo đủ nước từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch, không gieo trồng tràn lan tránh gây thiệt hại cho người dân.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trong-trot-truoc-thach-thuc-thoi-tiet-101510.html