Trồng từ mầm, nuôi từ gốc
'Hội chứng ghét phượng' là cụm từ được một số người dùng mạng xã hội sử dụng để cảm thán thực trạng nhiều trường, nhiều nơi đổ xô đi chặt, đào gốc cây phượng bỏ đi. Sân trường bỗng chốc trống huơ trống hoác, để lại bao nỗi ngậm ngùi…
Mọi chuyện bắt đầu từ sự cố cây phượng bị đổ, khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương ở Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh ngày 26-5 vừa qua. Tình trạng tương tự lại xảy ra sau đó tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Rất may, sự cố xảy ra vào ngày cuối tuần, học sinh nghỉ học nên tránh được sự việc đau lòng tiếp diễn. Lo sợ lại xảy ra sự cố như trên, hàng loạt trường học ở nhiều địa phương đồng loạt phá bỏ phượng và những cây cổ thụ trong sân trường…
Xét về yếu tố xã hội, đó là việc cần làm. An toàn là trên hết! Thà sân trường thiếu màu phượng vĩ, nhưng nhất định không thể để tính mạng, sức khỏe của thầy và trò bị đe dọa.
Nhưng nghĩ cho sâu xa, cho có cội có cành thì phượng hay bất cứ loài cây nào khác chẳng có lỗi gì cả. Lỗi là ở cách làm, cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên. Khi cây bật gốc, người ta mới té ngửa, hóa ra thân cây to đùng cõng cả tán hoa lá sum suê đỏ rực một góc trời ấy lại được nâng đỡ bởi cái gốc quá yếu. Cây không có rễ cọc, rễ nhánh thì thưa thớt, mong manh, lõi cây thì mục ruỗng. Đổ là phải!
Cây đổ, “đổ” ra nhiều thứ. Chả riêng gì sân trường. Chả riêng phượng vĩ. Trào lưu bứng gốc cây cổ thụ từ miền rừng về thành phố, đồng bằng làm cây cảnh là thú chơi từng gây “sốt” với không ít người. Bây giờ, ở nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí, thậm chí trong sân vườn các biệt thự, biệt phủ… ở đô thị, cây cổ thụ nhiều như nấm. Người ta tìm mua về, xây bồn bê tông để trồng. Những thân cây tuổi đời có khi còn nhiều hơn tuổi của chủ nhà được trồng khắp nơi. Rất tốn kém! Cách “ăn xổi” của thiên nhiên mang đến cho con người vẻ đẹp hào nhoáng nhưng thiếu bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khó lường. Cổ thụ sống được nhờ bộ rễ găm vào lòng đất từ khi mới nảy mầm. Giờ chỉ là cái gốc trơ trọi, lại bị bủa vây bởi bê tông, cốt thép, bị thúc ép nảy chồi, đơm hoa bằng hóa chất. Bắt cây “sống gấp” như thế, không đổ, không chết mới lạ!
Đời cây cũng như đời người! Muốn hưởng thụ đúng giá trị thì phải trồng từ mầm, nuôi từ gốc. Kiểu “ăn xổi” như đã nói, cây thì đổ theo kiểu cây, người “đổ” theo kiểu người!
Trồng cây cũng như chăm bẵm cho nhân cách con người, tất cả đều phải bắt nguồn từ gốc gác gia phong, nền tảng văn hóa đạo đức và quá trình giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu liên tục. Như thế mới có đủ bản lĩnh để chống chọi với thử thách, có sức mạnh để vượt qua khó khăn, cám dỗ. Cán bộ mà được như thế thì Đảng được nhờ, dân được cậy, xứng đáng là công bộc của dân, đầy tớ của dân. Người dân thường mà được như thế thì ai cũng quý trọng, trở thành tấm gương bình dị mà cao quý để mọi người noi theo…
Ngược lại, những kẻ “ăn xổi” nhân cách, bòn rút của nước, của dân, tô trát cho bản thân những thứ phẩm màu lòe loẹt để dối Đảng, mị dân chỉ là nhất thời. Họ cũng giống như cây long gốc, mục lõi vậy, sớm muộn gì cũng đổ, chỉ là khi nào mà thôi…
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/trong-tu-mam-nuoi-tu-goc-619875