Trong tương lai, con người có thể ăn cánh tuabin gió?
Trong tương lai, người ta có thể ăn các cánh tuabin gió được tái chế dưới dạng kẹo dẻo.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Michigan (Mỹ) vừa tìm ra cách tạo ra loại vật liệu có nguồn gốc từ thực vật để làm cánh tuabin gió. Do đó, khi hết hạn sử dụng, các tuabin gió này có thể được tái chế thành kẹo dẻo ăn được.
Vật liệu mới được tạo ra bằng cách kết hợp sợi thủy tinh với một polyme có nguồn gốc thực vật và một loại vật liệu tổng hợp. Các tấm vật liệu được phát triển từ loại nhựa nhiệt dẻo này đủ cứng chắc để sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô (cửa sổ ô tô, đèn hậu...) và tuabin gió.
Các tấm vật liệu này khi được hòa tan trong hóa chất sẽ tách rời các sợi thủy tinh ra, cho phép vật liệu được đúc lại thành sản phẩm mới, tránh việc bị quẳng ra các bãi chôn lấp rác thải. Chúng cũng có các đặc tính vật lý và độ bền tương tự vật liệu thế hệ trước đó.
Ngoài ra, loại vật liệu mới có thể được biến thành đá nhân tạo để làm mặt bàn bếp và chậu rửa. Nghiền chúng với các loại nhựa dẻo khác có thể tạo thành chất dùng chế tạo vỏ máy tính xách tay và các bộ phận phần cứng khác của máy tính.
Hơn nữa, việc tăng nhiệt độ trong quá trình phân hủy vật liệu sẽ giải phóng ra kali lactate có thể được làm sạch và được sử dụng để làm kẹo dẻo và đồ uống.
Mặc dù nghe việc ăn sản phẩm được tái chế từ một tuabin gió phủ đầy bụi có thể làm ai đó lo ngại, nhưng John Dorgan, Trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định không cần phải lo lắng về điều đó.
Ông nói: “Một nguyên tử carbon có nguồn gốc từ thực vật, như ngô hoặc cỏ, không khác gì một nguyên tử carbon sinh ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Tất cả đều là một phần của chu trình carbon toàn cầu và chúng tôi đã chứng minh rằng có thể chuyển từ sinh khối của đồng ruộng thành vật liệu nhựa bền và quay trở lại thành thực phẩm”.
Chu trình carbon là một chu trình sinh địa hóa học, trong đó carbon được trao đổi giữa sinh quyển, thổ nhưỡng quyển, địa quyển và khí quyển của Trái đất. Nó là một trong các chu trình quan trọng nhất của Trái đất, cho phép carbon được tái chế và tái sử dụng trong khắp sinh quyển và bởi tất cả các sinh vật.
Sinh khối là dạng vật liệu sinh học từ sinh vật sống, đa số là các cây trồng hay vật liệu có nguồn gốc từ thực vật. Được xem là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối có thể dùng trực tiếp, gián tiếp hay chuyển thành dạng năng lượng khác như nhiên liệu sinh học.
Sinh khối có thể chuyển thành năng lượng theo ba cách: chuyển đổi nhiệt, chuyển đổi hóa học và chuyển đổi sinh hóa.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trong-tuong-lai-con-nguoi-co-the-an-canh-tuabin-gio-195513.html