Trông vời con nước Hiền Lương
Nhà thơ Nguyễn Duy trong một bút ký về sông Hiền Lương có đoạn viết: 'Lần đầu tiên tôi biết Hiền Lương là biết qua câu hát ấy của một thời đứt ruột, thời Nam tập kết-Bắc di cư, anh lạc em, vợ lìa chồng, cha xa con, đấu tố, hận thù, máy chém, nhà tù, nồi da xáo thịt. Câu hát ấy lần đầu tiên tôi nghe là nghe mấy anh bộ đội miền Nam hát ở Đò Lèn, Thanh Hóa, bên ven bờ sông Mã quê tôi…Lần hát nào cũng thấy có nước mắt, nước mắt đàn ông thâm quầng cả một thời mất ngủ'.
Từ rừng núi phía Tây Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, sông Bến Hải gom từng nguồn mạch nhỏ nhoi xuôi về phía Đông. Chặng cuối nguồn, sông Bến Hải tiếp thêm chi lưu nữa là sông Sa Lung phía tả ngạn và hữu ngạn có ngôi làng tên gọi Minh Lương, từ đó sông Bến Hải xuôi về cửa biển có tên gọi là sông Minh Lương.
Thời nhà Nguyễn, triều Minh Mạng, vì húy kỵ, người ta đổi tên Minh Lương thành Hiền Lương, sông Hiền Lương chính danh thuở đó cho đến ngày nay. Sông Hiền Lương hay sông Bến Hải phía thượng nguồn là một, cả dòng sông dài chưa đến 100 km, nơi rộng nhất cũng chỉ từ 100 đến 200m. Sông không dài, không rộng nhưng bể dâu thời cuộc đã khiến lịch sử dân tộc phải ghi tên.
Nói đến sông Hiền Lương không thể không nhắc đến cầu Hiền Lươngchiếc cầu được xem như báu tích của dòng sông và miền đất ở ven đôi bờ. Thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, sông Hiền Lương vẫn chưa có chiếc cầu nào, giao thông giữa bờ Bắc với bờ Nam chỉ dựa vào một chiếc phà. Do nhu cầu quân sự, chiếc cầu hiện đại xây bằng bê tông cốt thép đầu tiên bắc qua sông Hiền Lương được Pháp xây dựng vào năm 1950.
Nhưng chỉ hai năm sau đó, quân du kích của ta dùng mìn đánh sập nhằm ngăn chặn bước tiến của giặc. Không thể trì hoãn, ngay sau đó, tháng 5/1952, Pháp khởi công xây dựng lại cầu mới bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, ván cầu lát bằng gỗ thông. Cầu dài 178m, chiều rộng 4m, 2 bên có thành chắn cao 1,2m. Hình ảnh chiếc cầu giai đoạn này được tái hiện khi tỉnh Quảng Trị phục chế vào năm 2002.
Qua nhiều thăng trầm, dù có thêm cây cầu mới nằm về phía Tây chiếc cầu cũ thời Pháp nhưng chính cây cầu cũ tồn tại 15 năm từ năm 1952 đến năm 1967 mới là biểu tượng cho một giai đoạn đất nước bị chia cắt. Cầu Hiền Lương càng được nhiều người biết đến qua bút ký tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân có tên “Cầu ma”. Nhiều đoạn trong bút ký mô tả chiếc cầu như một nhân chứng lịch sử sinh động, ăm ắp chi tiết và ngập tràn cảm xúc khát khao hòa bình, thống nhất đất nước.
Liên quan đến chiếc cầu Hiền Lương và khát vọng hòa bình thống nhất, hẳn nhà văn Nguyễn Tuân đã từng biết hoặc nghe đến câu chuyện được xem như “cuộc chiến trong lòng cuộc chiến”, đó là câu chuyện về màu sơn. Chuyện rằng, khi vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Bắc, Nam, ta và địch cùng ở hai đầu cầu Hiền Lương và chiếc cầu cũng bị chia đôi bởi một vạch trắng. Phía bờ Nam, chính quyền Sài Gòn luôn cố tình dùng màu sơn phân định rõ phần cầu sở hữu nhưng phía ta nhất định dùng một màu sơn cho cả chiếc cầu với ý chí thống nhất hai miền.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về nó vẫn còn đậm nét với người đương thời. Cùng với chiếc cầu Hiền Lương được phục chế, cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành bảo tàng lưu giữ các hiện vật liên quan đến giai đoạn Hiền Lương trở thành dòng sông giới tuyến.
Ở đây, có thể bắt gặp những lá cờ, những chiếc loa có kích thước khó hình dung nổi. Giống như câu chuyện về màu sơn trên chiếc cầu giới tuyến, mỗi lá cờ, mỗi chiếc loa đều mang theo câu chuyện về “những cuộc chiến trong lòng cuộc chiến” năm xưa.
Một thời chia cắt, một thời máu lửa đã xa, Hiền Lương hôm nay trở lại hình hài chân mộc của dòng sông quê, nói như cách nói một nhà thơ: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Giờ đây, cùng với cây cầu phục chế và cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương, sông Hiền Lương đã trở thành địa chỉ du lịch cho nhiều người tìm đến. Chảy giữa đôi bờ Vĩnh Linh, Gio Linh, sông Hiền Lương chở nặng ân tình tìm ra Biển Đông. Nơi cuối nguồn dòng sông khép lại giấc mơ đôi bờ bằng một địa danh thơ mộng và quyến rũ: Cửa Tùng. Tựa lưng vào dãy đồi đất đỏ ba dan trù mật với những vườn cây lưu niên rợp bóng, biển Cửa Tùng có bờ cát thoai thoải, mịn màng.
Bãi tắm Cửa Tùng nay thuộc thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, kề sát về phía Nam chính là Cửa Tùng-cửa sông Hiền Lương. Bãi tắm Cửa Tùng tuy không rộng nhưng nước biển luôn trong xanh, phẳng lặng nhờ vào hai bãi đá ngầm như hai cánh tay vươn ra biển có tên là Mũi Si và Mũi Lai, nhờ đó tạo thành một vịnh nhỏ, kín đáo và đặc biệt không có những dòng hải lưu cuộn xoáy. Biển Cửa Tùng, bãi tắm Cửa Tùng từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng.
Thời Pháp thuộc, thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, hiền hòa, người Pháp đã sử dụng Cửa Tùng làm nơi nghỉ ngơi, tắm biển, giải trí. Ngày nay, bãi tắm Cửa Tùng vẫn còn giữ được nét hoang sơ, xứng danh “Nữ hoàng các bãi tắm” như người Pháp đã từng gọi. Khách du lịch nhiều nơi trong nước và cả khách quốc tế khi đến Quảng Trị thường chọn Cửa Tùng làm chỗ dừng chân.
“Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Khi viết hai câu thơ này, thời Hiền Lương còn là sông giới tuyến, hẳn nhà thơ Tế Hanh đã dừng chân đâu đó bên bờ Bắc, nhìn lên dãy Trường Sơn cao ngất, để lòng rung lên cảm khái về non sông Việt Nam liền một dải, người Việt Nam chung một cội nguồn. Mơ ước ấy đã trở thành hiện thực và nhiều năm trở lại đây, ngay tại Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng một chương trình Lễ hội cấp quốc gia mang tên “Thống nhất non sông”-một lễ hội của tưởng nhớ và lòng tri ân.
Ngay giữa hôm nay, trên di tích cầu Hiền Lương phục chế, không ít người nhớ lại nhà văn Nguyễn Tuân trong bút ký “Cầu ma” cũng đã từng mơ ngày thống nhất. Bởi lúc đó ông chỉ được dừng lại sát mép cầu phía bờ Bắc và theo ông trên xe còn gần cả trăm lít xăng. Trăm lít xăng, nghĩa là nếu không còn chiến tranh, ông còn đi được năm bảy trăm cây số, đi vào tận Quảng Ngãi, Bình Định. Và lúc đó, Nguyễn Tuân đã mơ ngày đất nước thanh bình, xe cộ bon bon trên dặm đường thiên lý, vào Nam, đến tận Sài Gòn, Cà Mau.
Giờ đây, bên chiếc cầu di tích phục chế, cầu Hiền Lương xây mới, hiện đại sau ngày giải phóng đã nườm nượp những dòng xe từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Cầu Hiền Lương, sông Hiền Lương với đôi bờ trĩu nặng ưu tư một thời giờ đã trở thành đôi cánh tay hân hoan níu giữ hai miền. Như những chuyến xe mải miết hành trình, cuộc sống không dừng lại, cuộc sống luôn dào dạt về phía trước. Không biết nhà thơ Nguyễn Duy sau này có bao lần trở lại Hiền Lương, để thấy nước sông nguyên vẹn một sắc trời xanh Quảng Trị.
Thời gian trôi, sông vẫn chảy, người vẫn đi, nhưng có lẽ với nhà thơ Nguyễn Duy và tất cả những người con Việt, mỗi lần chạm mặt Hiền Lương là một lần trông vời con nước, chảy như từ lòng đất, lòng người chảy ra.
Bút ký: Phạm Xuân Hùng